Theo ngành chức năng và chính quyền địa phương, nhiều giải pháp được thực thi một cách cứng rắn “pha” chút mềm dẻo đã góp phần nâng cao ý thức của ngư dân tỉnh nhà.
Truyền thông liên tục
Ông Bùi Văn Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết: Vừa qua, Sở đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng, các sở, ngành có liên quan, chính quyền các cấp, triển khai thực hiện hiệu quả chương trình truyền thông chống đánh bắt bất hợp pháp.
Công tác truyền thông được duy trì thường xuyên, đa dạng về hình thức. Trong đó, ngành chức năng tập trung tuyên truyền tại 10 xã trọng điểm nghề cá, 3 cảng cá trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như tổ chức 29 lớp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho 1.161 người tham dự; thực hiện 2 phóng sự truyền hình; 6 bản tin trên báo; in ấn phát hành 7.000 tờ bướm tuyên truyền; 1.000 sổ tay quy định những điều ngư dân cần biết…
Đồng thời ngành chức năng cũng tiến hành họp dân phổ biến thông tin trực tiếp, tuyên truyền đúng đối tượng là chủ tàu, thuyền viên trên tàu khai thác thủy sản; buộc ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài trong khai thác thủy sản…
Ngư dân Trần Văn Bình cho biết: “Tôi đã nghe nói về vấn đề thẻ vàng của EC. Bây giờ đi đánh bắt với mấy anh em thì tôi cũng nói thôi mình thả lưới ở vùng biển của mình đi, đừng có đi xa quá”.
Tại huyện Ba Tri, nơi xảy ra nhiều vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhất của tỉnh Bến Tre.
Bà Phạm Thị Thanh Nga, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ba Tri cho biết: Đội tàu cá của huyện có hơn 1.800 chiếc, trong đó có khoảng 1.600 chiếc có khả năng đánh bắt xa bờ.
Hiện nay, trong công tác tuyên truyền ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu có chiều dài trên 24m chúng tôi đã thực hiện hơn 80%, còn lại một số tàu khai thác dài ngày trên biển chưa kịp quay về để thực hiện.
“Chúng tôi đã phối hợp với Bội đội biên phòng, Chi cục thủy sản, các cơ quan đoàn thể đến “gõ cửa” từng nhà, đến tận nới gặp chủ tàu để tuyên truyền, động viên và phổ biến pháp luật về chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, vi phạm vùng biển nước ngoài. Đến nay, chúng tôi đã thực hiện trên 10 đợt tuyên truyền đến các hộ ngư dân”.
Tại cảng cá Ba Tri thuộc địa bàn xã An Thủy, ngư dân Trần Văn Bình có tàu đang neo đậu tại bến cảng.
Ông Bình cho biết, ông được địa phương tập huấn, tuyên truyền về luật Thủy sản, công tác gắn thiết bị giám sát hành trình và tác động của thẻ vàng EC đối với thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Hiện nay, khó khăn lớn nhất của Bến Tre trong quản lý ngư dân đối với vấn đề chống khai thác đánh bắt trái phép là quản lý, tuyên truyền, giáo dục các ngư ngư dân làm ăn xa tại vùng biển Tây như Cà Mau, Kiên Giang. Để tăng cường công tác quản lý, nhất là các ngư dân đánh bắt tại vùng biển Cà Mau, ông Bùi Văn Lâm cho biết thêm:
“Ngư dân Bến Tre đánh bắt tại Cà Mau là những ngư dân thường xuyên xảy ra sai phạm ở vùng biển nước ngoài.
Hiện có khoảng 350 tàu cá là ngư dân thuộc tỉnh Bến Tre quản lý đang hoạt động tại biển Cà Mau. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ trì chuyến công tác chuyến công tác đến Cà Mau để trao đổi học tập kinh nghiệm trong quản lý ngư dân. Tại đây, hai tỉnh đã xây dựng quy chế phối hợp quản lý ngư dân.
Đồng thời, Bến Tre và 6 tỉnh nghề cá ĐBSCL đã ký kết hợp tác với tỉnh Bình Thuận về công tác quản lý ngư dân trong khai thác thủy sản. Tỉnh cũng cương quyết không cấp giấy chứng nhận cho các tàu cá khai thác tại Cà Mau không về địa phương trình báo để đảm bảo việc chấp hành tốt hơn nữa của các ngư dân này”.
Nhắc nhở thường xuyên, chế tài cứng rắn
Đến nay, đội tàu đánh bắt của tỉnh Bến Tre có 1.237 chiếc. Theo Ban Chỉ đạo 689 tỉnh Bến Tre, từ tháng 6/2019 địa phương triển khai thực hiện quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP.
Trong đó, đội tàu trên 24m của tỉnh Bến Tre có 468 chiếc đang hoạt động, đã có 453 tàu lắp đặt thiết bị giám sát, đạt 96,58%. Trừ một số trường hợp không hoạt động, chỉ còn 7 trường hợp là chưa lắp đặt TBGSHT. Các tàu lưới kéo có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m, đã có 875 tàu lắp đặt, đạt 50,75%.
Nhờ lắp đặt các TBGSHT mà thời gian qua, Chi cục thuỷ sản Bến Tre đã giám sát nhắc nhở khoảng 20 trường hợp ngư dân đánh bắt xâm phạm ở vùng biển nước ngoài.
Ông Huỳnh Văn Cung, Chi cục trưởng Chi cục thuỷ sản Bến Tre cho biết: “Từ khi triển khai lắp đặt các TBGSHT bắt buộc đến nay, hàng ngày chúng tôi đều theo dõi các tàu của địa phương hoạt động, nhất là ở biển Tây. Thấy tàu có dấu hiệu đánh bắt quá hải phận thì chúng tôi đã gọi điện nhắc nhở kêu về.
Nếu qua 10 tiếng mà các tàu không quay lại thì chúng tôi sẽ lập biên bản vi phạm. Vì chế tài xử phạt rất nặng nên chúng tôi chủ yếu vận động để bà con không vi phạm. Vừa rồi chúng tôi đã kêu về được 20 trường hợp. Trừ 1 trường hợp cố tính vi phạm các nay vài tháng thì đến nay không có thêm trường hợp vi phạm mới nào.
Theo chia sẻ của các ngư dân, các tàu đánh bắt số lượng nhiều thường bán hải sản tại các cảng cá của tỉnh Tiền Giang như Mỹ Tho, Vàm Láng… hay tại các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang. Tại các địa phương trên cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần tốt, thương lái đến mua rất nhiều, giá mua rất cạnh tranh nên ngư dân bán được giá. Tại Bến Tre, cảng cá nhỏ, lái mua không nhiều nên ngư dân ít bán tại đây.
Vì vậy, cơ sở dịch vụ hậu cần tốt sẽ thu hút được tàu cá của tỉnh về lên cá, vừa góp phần phát triển kinh tế của Bến Tre vừa kiểm soát, quản lý trực tiếp được đội tàu đánh bắt xa bờ, góp phần hạn chế tình trạng khai thác vi phạm vùng biến nước ngoài.
Đây là trường hợp chúng tôi buộc phải xử phạt một chủ tàu cá, ngư dân của huyện Ba Tri đã vi phạm vùng biển của Malaysia theo quyết định 42 thay thế cho quyết định 103 với mức tiền phạt tăng từ 100 triệu đồng lên 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Chúng tôi đã ra quyết định xử phạt chủ tàu này 800 triệu đồng.
Đây dường như là trường hợp đầu tiên của cả nước mà mức phạt áp dụng theo Nghị định mới. Đến nay, chủ tàu đã đóng phạt được 50%, còn lại cho đóng từ từ”.
Cũng theo ông Huỳnh Văn Cung, việc triển khai lắp đặt TBGSHT trên tàu cá ở Bến Tre còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tỉnh còn khá nhiều phương tiện trì hoãn chưa chịu lắp đặt. Ngành chức năng Bến Tre đã lập biên bản nhắc nhở 100 hộ, với 200 phương tiện chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Thời gian tới, Tỉnh sẽ cương quyết xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ tàu từ 24m trở lên không lắp đặt thiết bị giám sát trên tàu theo quy định. Đồng thời có hướng xử lý đối với các tàu từ 15m đến dưới 24m.
Đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập, Tỉnh đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát, hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài
Về lâu dài, Bến Tre khuyến khích ngư dân chuyển đổi nghề, điều chỉnh giảm dần tỷ trọng tàu cá nghề lưới kéo trong cơ cấu nghề khai thác của tỉnh. Hiện tại, đội tàu lưới kéo của Tỉnh chiếm tỷ trọng 69,4%.
Điều đáng lo ngại là loại hình lưới kéo có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản và tàn phá môi trường rất lớn, thuộc nghề hạn chế phát triển. Từ năm 2015, Bộ NN-PTNT đã cấm đóng mới tàu lưới kéo.
Đối với tỉnh Bến Tre, các sai phạm liên quan đến khai thác trái phép vùng biển nước ngoài cũng đều xuất phát từ các tàu có loại hình đánh bắt là lưới kéo.
Vì vậy, kéo giảm tàu lưới kéo cũng là giải pháp hạn chế tàu khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài. Hiện, Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre đã và đang tích cực xây dựng đề án chuyển đổi nghề, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2020 và bắt đầu triển khai thực hiện chuyển đổi nghề từ năm 2021.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre thông tin thêm: Hiện nay, Tỉnh đang tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện cảng cá Bình Đại, xây mới cảng cá Ba Tri.
Đồng thời, rà soát, sắp xếp lại hệ thống nậu, vựa, cơ sở đóng sửa tàu, các dịch vụ hậu cần cung cấp dầu, nước đá... Nhất là kêu gọi đầu tư chế biến các sản phẩm thủy sản khai thác làm tăng giá trị sản phẩm.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh có hơn 65km bờ biển, Bến Tre có thế mạnh về thủy sản, đặc biệt là khai thác thủy sản.
Hoạt động khai thác thủy sản thu hút 20.000 lao động sản xuất trực tiếp trên biển và hang chục ngàn lao động trong các hoạt động dịch vụ trên bờ phục vụ hoạt động khai thác và chế biến thủy sản, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.