Gia tăng chuỗi giá trị từ rơm rạ
Là một trong những địa phương tiên phong triển khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" (Đề án), TP Cần Thơ chọn đúng thời điểm khi xây dựng mô hình thí điểm vào vụ hè thu 2024. Đây là quyết định đầy thách thức, bởi vụ hè thu thường đối mặt với nhiều bất lợi về thời tiết và điều kiện tự nhiên.
Sau hơn một năm triển khai, mô hình thí điểm tại HTX Tiến Thuận (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực về năng suất, chất lượng lúa và lợi nhuận nông dân tăng lên.

Chuỗi giá trị lúa gạo ở TP Cần Thơ được gia tăng nhờ tận dụng nguồn rơm rạ sau thu hoạch. Ảnh: Kim Anh.
Đặc biệt, mô hình góp phần mở rộng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo thông qua việc tuần hoàn rơm rạ. Rơm sau thu hoạch được dùng làm nguyên liệu trồng nấm, sau đó tái sử dụng để sản xuất phân bón hữu cơ. Giải pháp này giúp bà con gia tăng lợi nhuận thêm từ 9-11 triệu đồng/ha, đồng thời giảm thiểu lãng phí và ô nhiễm.
Về kỹ thuật, mô hình thí điểm đã giảm lượng giống sử dụng còn 60-70 kg/ha, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất. Đồng thời, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ, cơ giới vào gieo sạ như sạ cụm vùi phân, sạ hàng và sử dụng máy bay không người lái trong nông nghiệp (drone) để giảm bớt công lao động và tối ưu hóa hiệu quả.
Lượng phân bón giảm từ 15-30% qua các vụ, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cải thiện sức khỏe đất. Nhờ đó, mô hình ghi nhận tỷ lệ sâu bệnh thấp hơn so với các khu vực sản xuất đại trà. Số lần phun thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm đáng kể, chỉ còn từ 4-5 lần/vụ.
Riêng trong vụ đông xuân 2024-2025, mặc dù nhiều cánh đồng bị tấn công bởi sâu năng và rầy phấn trắng, nhưng những ruộng áp dụng quy trình canh tác lúa chất lượng cao lại có mức độ nhiễm bệnh thấp. Cây lúa phát triển khỏe, cao hơn từ 5-8cm so với các ruộng không áp dụng quy trình.
Về hiệu quả kinh tế, năng suất lúa trong mô hình thí điểm cao hơn ruộng đối chứng khoảng 500kg/ha. Mặc dù, thông tin đo đạc phát thải khí nhà kính vẫn chưa được công bố chính thức, nhưng có thể cảm nhận rõ sự giảm thiểu đáng kể đối với chỉ số này.

Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ chia sẻ về kết quả địa phương gặt hái được sau hơn một năm triển khai Đề án. Ảnh: Kim Anh.
Theo ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ, trong vụ đông xuân 2024-2025, mặc dù giá lúa có xu hướng giảm, nhưng các mô hình áp dụng theo Đề án vẫn cho thấy kết quả khả quan. Đây là tín hiệu lạc quan, cho thấy mô hình canh tác này đã phát huy hiệu quả lâu dài, ngay cả trong điều kiện biến động của thị trường.
Từ hiệu quả này, TP Cần Thơ đã mở rộng quy trình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp ra 4 quận/huyện trọng điểm trồng lúa là: Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh và Thốt Nốt, với diện tích 30.000 ha. Đây là những vùng trước đó bà con đã tham gia dự án VnSAT, được tiếp cận các gói kỹ thuật như "1 phải 5 giảm", và giờ đây áp dụng thêm quy trình canh tác mới.
Tuy nhiên, quá trình triển khai, Đề án cũng bộc lộ một số khó khăn cần được tháo gỡ để tiếp tục phát huy hiệu quả lâu dài và bền vững.
Thách thức lớn đến từ việc thu gom và vận chuyển rơm - vốn rất cồng kềnh, trong khi hệ thống đường thủy vẫn còn hạn chế. Việc áp dụng tưới ngập - khô xen kẽ cũng đòi hỏi nâng cấp hệ thống thủy lợi, đặc biệt là đầu tư thêm trạm bơm. Qua rà soát, toàn TP Cần Thơ cần khoảng 50 trạm bơm để đáp ứng yêu cầu canh tác mới.

TP Cần Thơ dự kiến sẽ mở rộng quy mô triển khai Đề án ra toàn thành phố (hơn 70.000 ha) vào năm 2025. Ảnh: Kim Anh.
Ngoài ra, việc liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân vẫn còn thiếu chặt chẽ. Dù một số doanh nghiệp rất tâm huyết, nhưng nguồn lực còn hạn chế trong việc mở rộng và đầu tư vào chuỗi liên kết này. Đây là điểm nghẽn cần tháo gỡ để đảm bảo tính bền vững của Đề án
Tăng tốc nhân rộng - cơ giới hóa phủ kín
Không riêng TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng cũng đang tích cực triển khai Đề án. Địa phương hiện có diện tích gieo trồng lúa hàng năm hơn 320.000 ha, trong đó hơn 90% sản lượng nằm trong “top” lúa đặc sản, chất lượng cao (tương đương khoảng 1,92 triệu tấn).
Từ mô hình thí điểm ban đầu tại HTX Hưng Lợi (huyện Long Phú), Sóc Trăng đã mở rộng thêm 7 mô hình ứng dụng quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, với quy mô từ 30-50 ha/mô hình.
Ông Trần Vĩnh Nghi - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng phấn khởi cho biết, việc triển khai Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao đã giúp cơ giới hóa “len lỏi” vào từng thửa ruộng của địa phương. Hiện nay, 100% diện tích sản xuất đã được cơ giới hóa khâu làm đất và bơm tưới.

Mô hình thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành 2 vụ: hè thu 2024, đông xuân 2024-2025 và đang triển khai vụ hè thu 2025. Ảnh: Kim Anh.
Đặc biệt, 20% diện tích đã ứng dụng drone để bón phân; 24% diện tích sử dụng drone để phun thuốc bảo vệ thực vật và 98% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp… Những con số này cho thấy nông nghiệp công nghệ cao không còn là khái niệm quá xa vời với nông dân Sóc Trăng.
Ông Nghi đánh giá, việc mở rộng các mô hình canh tác lúa chất lượng cao sẽ giúp bà con “mắt thấy, tai nghe”, trực tiếp trải nghiệm hiệu quả thực tế. Cùng với đó là sự đồng hành của các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trong việc tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ đầu vào - đầu ra và nâng cao năng lực tổ chức sản xuất.
Khi hạ tầng vùng nguyên liệu được đầu tư đồng bộ, những mô hình tiên phong hôm nay sẽ là nền móng để nhân rộng trong tương lai, góp phần thay đổi căn bản tập quán sản xuất của người dân.
Theo kế hoạch, tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích tham gia Đề án là 38.000 ha và đến năm 2030 vươn lên 72.000 ha. Mục tiêu này không chỉ phản ánh tầm nhìn chiến lược mà còn là minh chứng cho sự quyết tâm của địa phương trong việc đồng hành cùng nông dân bước vào kỷ nguyên sản xuất xanh, sạch và bền vững.

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (thứ hai, bên phải) thăm mô hình thí điểm Đề án tại HTX Hưng Lợi (huyện Long Phú). Ảnh: Kim Anh.
Sau hơn một năm triển khai Đề án, đến nay 7 mô hình thí điểm quy trình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp sắp cán đích. Cụ thể, mô hình thí điểm TP Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang và Trà Vinh đã hoàn thành 3 vụ liên tiếp là hè thu 2024, thu đông 2024 và đông xuân 2024-2025.
Mô hình thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành 2 vụ: hè thu 2024, đông xuân 2024-2025 và đang triển khai vụ hè thu 2025. Tại Kiên Giang và Đồng Tháp, các mô hình thí điểm đã hoàn thành 2 vụ thu đông 2024, đông xuân 2024-2025 và hiện đang triển khai tiếp vụ hè thu 2025.