Thú vui hát karaoke tại nhà, đã khiến không ít người trở thành “hung thần” trong mắt hàng xóm. Có thể thông cảm cho nhau giai đoạn dịch bệnh, song việc chấn chỉnh cơn bão âm thanh khủng khiếp là một trong những đòi hỏi đang đặt ra cho nếp sống văn hóa.
Trước đây, phong trào karaoke tự phát đã từng gây ra không ít hệ lụy. Thậm chí, đã xảy ra ẩu đả và đã xảy ra án mạng cũng vì lời ca chói gắt ảnh hưởng tình làng nghĩa xóm.
Trong dịp tết vừa qua, trong mùa xuân chống chọi Covid-19, thì phong trào karaoke tự phát càng bùng nổ dữ dội. Không cần con số thống kê nào, mà chỉ cần quan sát xung quanh, sẽ thấy rằng những cái loa kẹo kéo đang được sử dụng hết công suất khiến môi trường thực sự bị ô nhiễm bởi tiếng ồn chát chúa.
Karaoke tự phát ở nông thôn đã đáng sợ, mà karaoke tự phát ở đô thì càng đáng sợ hơn. Hội đồng nhân dân TP.HCM từng đưa vấn đề karaoke ra bàn bạc, nhưng vẫn chưa tìm được hướng khống chế hữu hiệu.
Hang cùng ngõ hẻm nào cũng nảy nở phong trào karaoke tự phát. Những khu vực càng đông người lao động nhập cư và đông người thu nhập thấp thì phong trào karaoke tự phát càng khuấy động mạnh mẽ. Karaoke tự phát ít tốn kém và rất linh hoạt, nhưng thú vui của người nọ lại là nỗi bàng hoàng của người kia.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cũng phải thừa nhận thực tế phũ phàng: “Người dân đi làm một ngày lao động miệt mài, tối còn bị tra tấn bởi karaoke tự phát là không thể chấp nhận được. Các địa phương, sở ngành cần thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Đừng xem chuyện này là chuyện bình thường”.
Thế nhưng, xử lý karaoke tự phát dựa vào điều luật nào, lại là câu hỏi chưa thể trả lời. Ai chịu trách nhiệm chính trong việc giám sát và chấn chỉnh phong trào karaoke tự phát?
Theo lời ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, thì: “Tôi khẳng định cơ quan chủ đạo xử lý vấn đề này là Sở Tài nguyên và môi trường. Để thực thi đúng trách nhiệm, Sở Tài nguyên và Môi trường cần rà soát lại các quy định pháp luật có liên quan đến văn hóa, môi trường, an ninh trật tự..., từ đó cập nhật cẩm nang hướng dẫn cho cơ sở. Nếu là tổ chức thì nên thành lập tổ công tác liên ngành. Nếu có mức phạt, cách làm rõ ràng thì người dân và đơn vị sẽ tự chấn chỉnh”.
Nếu nhìn bề ngoài, phong trào karaoke tự phát cũng là sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Tuy nhiên, không có ai hát karaoke tại nhà lại cảm thấy mình hát dở, để giảm bớt âm lượng. Thậm chí, những giọng hát ầm ào lại càng cố hét lên như cơ hội phô diễn khả năng siêu phàm. Thứ âm thanh ấy phải gọi chính xác là tiếng ồn tồi tệ.
Về mặt quản lý Nhà nước, thì những cái loa kẹo kéo không phải hình thức kinh doanh karaoke, nên ngành văn hóa không đủ thẩm quyền xử lý. Vi phạm về tiếng ồn phải có thiết bị đo lường đúng quy chuẩn, may ra mới thuyết phục được những “ca sĩ bất đắc dĩ”.
Sở Tài nguyên - Môi trường có thiết bị để thực hiện việc này không? Có, nhưng họ không thể tổ chức lực lượng túc trực ở mọi nơi để hành động kịp thời. Khi nhận được phản ánh của người dân, thì hầu như chẳng có cơ quan chức năng nào đứng ra trấn áp “hung thần” gào rú “đời tôi cô đơn, nên yêu ai cũng cô đơn”.
Các cơ quan cấp tỉnh đẩy trách nhiệm xuống cấp huyện, rồi cơ quan cấp huyện đẩy trách nhiệm xuống cấp xã, phường.
Vậy, ở cấp xã, phường có chuyên viên lĩnh vực này không? Tất nhiên là không. Công an xã, phường nhắc nhở tổ trưởng dân phố, nhưng tổ trưởng dân phố làm sao dám đến cản trở niềm hưng phấn “phận làm con gái chưa một lần yêu ai” mà những kẻ hào hứng với men say đang cầm micro trong đám tiệc nhốn nháo.
Rõ ràng, trách nhiệm quản lý phong trào karaoke tự phát đang được chuyền qua chuyền lại giữa các cấp, các ngành. Không có sự chế tài nào thì phong trào karaoke tự phát cứ tồn tại và đe dọa sự bình yên của từng khu dân cư.
Mỗi khi hàng xóm cất giọng “đắp mộ cuộc tình” thì người bên cạnh đắp chăn bịt tai cũng không thể chịu đựng. Cái loa kẹo kéo bỗng dưng biến thành công cụ tra tấn khiếp đảm đối với những ai mong muốn có được không gian nhẹ nhàng nơi trú ngụ.
Đai biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa thổ lộ ngay cả bản thân ông cũng thấy rất phiền chuyện ca hát tự phát gây tiếng ồn, và mỗi lần đi tiếp xúc cử tri thì người dân đều phản ảnh về vấn nạn tiếng ồn từ loại hình này. Không kể buổi trưa, buổi tối, người ta muốn hát là hát, muốn ca là ca. Nhất là mấy ông say xỉn vào càng mở hết âm lượng lên, làm náo loạn cả xóm làng.
Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa thì trách nhiệm trước tiên là của chính quyền địa phương trong việc để những đối tượng ca hát gây tiếng ồn. Vấn đề hiện nay là khi người dân phản ảnh, chính quyền phải có biện pháp ngăn chặn hoặc đến nhắc nhở để hạn chế được những mâu thuẫn đáng tiếc.
Đằng này chính quyền tự cho rằng không có thiết bị đo âm thanh, tiếng ồn nên không đến giải quyết. Cũng có trường hợp chính quyền, đặc biệt cấp ấp, khu phố người ta du di, sợ mất lòng nên ngại không dám đến nhắc nhở.
Đây là sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vấn đề quản lý, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Chính quyền địa phương không giải quyết nên người dân tự giải quyết với nhau, lời qua tiếng lại rồi xảy ra ẩu đả, thậm chí có những vụ án thương tâm xảy ra do tiếng ồn karaoke tự phát.
Với tư cách Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phạm Văn Hòa đưa ra kiến nghị: “Chúng ta không thể cấm được việc hát karaoke tự phát bởi đây là loại hình vui chơi, giải trí của người dân. Nhưng chúng ta phải kiểm soát được mức độ âm lượng cũng như giới hạn thời gian cho phép loại hình này hoạt động cho phù hợp, tránh ảnh hưởng người xung quanh.
Do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần bàn bạc, phối hợp để xác định lại mức độ âm thanh, thời gian cho phép người dân hát karaoke thật cụ thể. Để từ đó các cơ quan ở địa phương có căn cứ xử lý. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng cần có quy định rạch ròi, rõ ràng, cụ thể về thời gian, âm lượng cho phép khi hát karaoke tự phát trong khu dân cư.
Việc quan trọng nhất là khi người dân phát hiện báo cho chính quyền thì người có trách nhiệm, nhiều khi chỉ cần cấp ấp, khu phố đến nhắc nhở để người ta điều chỉnh hành vi. Tôi nghĩ rằng chủ nhà sẽ nghe lời. Còn nếu không thì sau đó mình lập biên bản xử phạt. Dù không đo được tiếng ồn nhưng âm thanh hát hò phát ra inh tai nhức óc thì tôi cho rằng đây là hành vi vi phạm về trật tự văn hóa xã hội, có thể xử lý, xử phạt được”.
Tại sao có thể cấm pháo mà không thể cấm karaoke tự phát? Bây giờ, các dịch vụ karaoke đã được cấp phép ở mọi nơi, thì tại sao còn dung túng cho cái loa kẹo réo gieo rắc tai ương? Nếu không có biện pháp mạnh mẽ và cương quyết, thì vài câu vận động chung chung của tổ dân phố không thể khống chế cơn cao hứng liên tu bất tận của những hung thần karaoke.
Từ tháng 7/2019, UBND TP.HCM đã ban hành văn bản 2653 chỉ đạo về triển khai một số biện pháp xử lý hành vi vi phạm về tiếng ồn, giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND và trưởng công an xã, phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về mâu thuẫn, tranh chấp liên quan vi phạm về tiếng ồn ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự tại địa bàn. Thế nhưng, kết quả vẫn rất mơ hồ.
Trên thực tế, quy định xử phạt hành chính về tiếng ồn hiện hành không hiệu quả để ngăn chặn tiếng ồn từ hát karaoke, nhất là hát bằng loa kẹo kéo tại khu dân cư. Bởi việc xử phạt vướng khó khăn về phương tiện đo độ ồn, nhân lực có chuyên môn đo độ ồn… và phải thực hiện chặt chẽ theo quy định.
Trong khi đó người hát đối phó, khi thấy lực lượng chức năng đến thì đã tắt loa, nghỉ hát. Đồng thời, việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh quy định để các địa phương có thể xử phạt, răn đe cũng có những vướng mắc.
Một lãnh đạo Sở Tư pháp TP.HCM tham mưu: “Để hạn chế hiệu quả tiếng ồn từ hát karaoke, hát có loa gây ồn cần tập trung các biện pháp xã hội. Ví dụ như đưa tiêu chí chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, không gây tiếng ồn ở khu dân cư làm tiêu chuẩn văn hóa khu dân cư; phát triển quy ước, giám sát về văn hóa (không gây tiếng ồn) tại khu phố; địa phương vận động chủ nhà trọ đặt ra quy ước, giám sát tiếng ồn, hát hò tại khu trọ…”.