Lần đi sang Mỹ năm 2007 trong đoàn nhà báo - nhà văn do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đài thọ, ở Kansas City chúng tôi được chia thành ba nhóm đến ăn tối ở ba gia đình trung lưu (để biết họ sống như thế nào). Chi tiết và ấn tượng xin dành cho một bài khác.
Tôi ngạc nhiên thấy thành phố Kansas có những bức tường bị bôi bẩn, không như tường nghiêm sạch ở Washington D.C. Hỏi, người phụ nữ chủ nhà cho biết, thị trưởng Kansas hiểu, rằng ai cũng có nhu cầu vẽ vời ở nơi công cộng, nhất là trẻ con, thiếu niên, kể cả thanh niên, vì vậy ông luôn dành cho họ một số bức tường của cụm phố.
Bị vẽ, thi thoảng, người quản lý đô thị lại làm mới, và ai thích cứ đến đó nghịch. Tôi than rằng ở Hà Nội, riêng cánh “Khoan cắt bê tông” đã khiến mọi bức tường đều lem luốc. Phải giải thích khá lâu người phụ nữ Mỹ mới hiểu khoan cắt bê tông là gì.
Các bạn trong nhóm còn ghé tai tôi, ấy là chưa kể những mảnh quảng cáo “trị yếu sinh lý”, “trị trĩ nội trĩ ngoại”, nếu giải thích luôn, chắc đến sáng!
Tôi nhớ mãi câu chất vấn của bà chủ nhà người Mỹ, “Thế các ông các bà làm gì, các ông các bà có hành động gì để chấn chỉnh việc đó? Cảnh sát không làm, hoặc không làm xuể, thì các ông các bà phải làm gì đi chứ!”
Lại phải giải thích ư? Hay thanh minh, hay nói rằng chúng tôi không thể, chúng tôi bó tay? Nói gì người Mỹ cũng không hiểu sao một việc cỏn con, rằng bọn ấy ấn vào tường số điện thoại của chúng để quảng cáo việc làm mà không ai làm gì được chúng?
Chúng ta quan niệm rác là vật cụ thể, một cọng rác, một túi rác mới là rác, còn con chuôt chết bị vứt ra đường, ấy là con chuột chết chứ không phải rác. Một mảnh giấy ăn trong nền quán hay trên vỉa hè, là giấy ăn khách vừa ném xuống chứ chưa phải rác. Vì vậy mà không ai nghĩ mình đang vừa ăn vừa xả rác. Vì vậy, chính quyền cũng không thấy đó là rác.
Chỉ có các phu rác là biết nó đó, họ cam chịu để tối đến, trong chiếc áo phát quang, họ quét và quét, cả giấy ăn cả xương xóc vỉa hè, cả con chuột chết nằm trên miệng cống, tất cả.
Ấy là chuyện rác cụ thể nhìn thấy được mà đã vậy, nói gì rác âm thanh. Có lẽ, các cấp chính quyền cần được tập huấn riêng về đề tài rác âm thanh này.
Vì sao phải cần mở lớp? Là vì bản thân họ đã từ lâu sống chung bình thường với hệ thống loa phường loa ấp loa xã (từ thời chiến đến giờ). Du khách kiên quyết định nghĩa ấy là rác âm thanh, là tiếng ồn phản cảm cho đô thị nhưng chính quyền mặc nhiên và các guide lữ hành đành giải thích ấy là đặc điểm, thậm chí đặc sản Việt Nam.
Nhưng loa phường loa ấp loa xã thì có giờ có lúc, tạm chấp nhận đi, thậm chí còn có ích khi thiên tai, khi sự cố, hoặc khi dịch bệnh như hiện nay. Nhưng dần dà, hai chữ mưu sinh đã khiến thứ rác lưng chừng trời ấy đã xâm lấn trầm trọng cuộc sống tất thảy cư dân.
Nhà hàng quán xá - loa, nơi kinh doanh hàng điện tử - loa, và điều này mới thật khó xử: bán nông sản - loa, bánh bánh mì dạo - cũng loa, mua đồng nát - cũng loa, hiện giờ bán vé số cũng đã nâng cấp bằng xe đạp và loa!
Mươi năm nay, loa karaoke đã thành vấn nạn khắp cõi Việt Nam. Hình như người Nhật cố tình làm ra loại hình điện tử cho thư giãn này là để cho dân các nước nghèo hò hát nhằm quên cái kiếp nghèo. Chính quyền đã ở đâu trong sự bao vây quá thể vậy?
Các vị cũng mê hát và nghe rằng không ai xa lại với phòng kín có “tay vịn”. Vả lại, các quán hát ấy họ nộp thuế đủ và có thể, rất “biết điều” với các vị địa phương. Đành thôi, tràn ngập, nghe qua cứ nghĩ dân mình đang lạc quan, sung sướng lắm lắm.
Lại một thứ đặc sản của xứ ta khiến các guide phải nhăn nhó giải thích với du khách. Sao nhiều đặc sản nguy hại vậy, giao thông ẩu, rác bừa bãi và rác điếc tai, sao vậy? Chào nhé, chúng tôi một đi không trở lại, xin đừng tin những bình chọn xã giao đáng sống nhất hạnh phúc nhất nhé, các ngài!
Chúng tôi biết làm gì bây giờ, hỡi người bạn Mỹ đã từng chất vấn chúng tôi? Công an hơi đâu cho một đám hát karaoke làm ồn, có khi họ đến nơi thì đám ấy đã rã. Tâm lý sợ bị trả thù chiếm lĩnh hết tâm tư của những người lương thiện đang co cụm và giữ gìn. Hàng xóm cả, phản ứng là bị thù, đã từng dẫn đến án mạng đó thôi.
Phải có chế tài! Lần đầu một vị chóp bu của chính quyền đô thị lên tiếng gay gắt về rác âm thanh karaoke đã làm tổn hại sức khỏe và văn hóa môi trường thành phố lâu nay. Dân chúng mừng nhưng vẫn bảo để xem.
Chống gì cũng không bằng chống dịch, nhưng quan niệm nó đã thành dịch thì sẽ chống được. Chỉ mong các cấp chính quyền quán xuyến và kiên quyết hơn, bằng luật, thế thôi.