Đã nói to lên nghĩa là mở đường, dư luận đang vun vào, sắp có bà mối tới. Chữ muốn này còn gắn với con trai con gái vị thành niên, “thằng đó biết muốn vợ rồi”, hoặc “con nhỏ độ rày lớn như thổi, muốn chồng chưa?”
Không biết tự khi nào, từ muốn biến mất. Có lẽ nó biến mất cùng với nạn mù chữ. Thế hệ sau 1960, người trẻ ở hai vùng, vùng trong và vùng ngoài đều được học chữ. Từ thương được thay thế.
“Coi bộ thằng C nó thương con D”. Vẫn còn mai mối để hai anh chị về một nhà với nhau theo trình tự thủ tục. Người nam đươc phép gặp người nữ trước khi có lễ dạm hỏi. “Em có thương anh không?”. Đã chịu ra góc nhà hay bến sông để anh chàng trò chuyện tức là đã có thương. Làm thinh hay gật đầu là có thương.
Nghe rằng ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa khi đó thông dụng từ lấy nhau. “Con B sẽ lấy thằng A đấy bà con ạ”. Đơn giản và thông dụng.
Miền Nam không ai dùng từ lấy cho một đám cưới đàng hoàng thanh xuân. Lấy là từ để chỉ cho những đôi chim chuột, lấy bậy lấy bạ. Thế nhưng miền Nam vẫn nói lấy vợ lấy chồng để chỉ đám cưới sắp hoặc đã diễn ra.
“Em lấy chồng rồi hả?”, hoặc “Anh lấy vợ à anh?” Vậy mà một từ lấy đứng riêng, chỏng lỏn, tức là lén lút, là ngoại tình. Miền Bắc như đã nói, từ lấy dành cho sắp hoặc đã cưới, vì vậy họ dành cho những đôi dấm dúi những cụm từ dễ sợ hơn: gian phu dâm phụ, mèo mả gà đồng.
Dần dần, có lẽ từ sau 1975, phổ cập học hành, nhiều người vi vu học lên hoặc du lịch. Đọc nhiều hơn, sách và báo, ti-vi thông dụng, cả nước dùng từ yêu thống nhất một cách tự nhiên không ai hô hào cổ súy cả. “Thằng A yêu con B, tết này sẽ cưới”. Yêu không còn mai mối, yêu là nói yêu, cưới là nói cưới, trực diện luôn.
Từ thương ở miền Nam biến mất, từ lấy ở miền Bắc có lẽ chỉ còn ở cửa miệng người lớn tuổi. Cánh trẻ hỏi nhau “bao giờ cưới” chứ không nói “lấy nhau chưa?” nghe nó quê một cục. Và cũng tự nhiên, cả hai miền trộn nhau từ lấy để chỉ những đôi quan hệ ngoài vợ ngoài chồng. “Ông A lấy bà B rồi, bỏ vợ bỏ chồng để lấy nhau rồi”.
Lấy chứ không dùng từ cưới đâu nhé. Những cụm từ mạt sát như gí người ta xuống cũng it khi xuất hiện ở những người thôn quê để chỉ tình trạng ngoại tình. Họ chỉ đơn giản chép miệng “ăn vụng thôi”. Nhẹ nhàng hơn rất nhều, thậm chí có trầm ngâm, thông cảm và sẵn sàng tha thứ.
Khảo sát ngôn ngữ ở góc độ lứa đôi tình cảm để thấy xã hội nào dù có chậm chạp tối tăm cũng sẽ được cuốn đi về phía ánh sáng. Quy luật muôn đời.
Như cái cây, mặt trời ở phía đó, cây sẽ vươn ra, uốn mình để những chiếc lá được xanh tươi. Các chàng các nàng thôn quê giờ rất thạo khi sử dụng hình ảnh trái tim và chữ love cho nhau, ai mà hỏi cô gái Có thương anh không, lập tức bị cười cho quê mặt. Đám hỏi đám cưới nhạc Pop, nhạc Rock chưa đã, giờ còn Rap nữa, họ tự chế rap để đọc với nhau những từ tiếng Việt duyên không thể tả.
Bỗng dưng từ thương sống lại vào lúc không ai ngờ nó sống lại mãnh liệt như vậy. Có lẽ khi đa số đều biết ngoại ngữ thì nghĩ giống nhau rằng từ Love của tiếng Anh dùng cho mọi ngữ cảnh sẽ không “đã” với ngữ cảm.
Mẹ yêu con, nhưng mẹ thương con có thể sát hơn và hay hơn. Anh yêu em, rất chuẩn, Anh rất rất rất yêu em, thừa nhưng vẫn thấy không Việt lắm. Khi nào thì anh yêu em và khi nào thì anh thương em, ừ, khi nào?
Cho những trường hợp khác nhau, khi anh cảm động bởi em thì sẽ là anh thương em, anh ơn em lắm lắm. Nhưng khi nào thì cả hai từ đó liền nhau để nói hết, nói tận cùng cảm xúc với nhau?
Khi ta trẻ, ta cần nói với nhau mỗi ngày Anh yêu em (hoặc Em yêu anh). Khi là vợ chồng, chỉ cần áp vào nhau hay nhắn tin Yêu anh (hoặc Yêu em). Nhưng khi đã dài sóng gió, đã nếm đủ mùi vị gừng muối của lứa đôi thì từ thương trồi lên như một hòn đảo, trên đó là hai con người vững chãi bên nhau mặc cho thách thức vẫn bủa vây.
Thương, trong từ thương là nghĩa, là cái nghĩa của vợ chồng mà nhiều dân tộc khác không có từ nào ngoài love very much để diễn tả. Thế nhưng, từ thương không đặc cách cho đôi lứa, mẹ thương con, ba thương con và ngược lại. Khi đã nói thương là đã đẩy tình thương lên thành cái mái cao hơn, như mái nhà, như vòm cây, như cả một vòm trời.
Và, khi đã xa nhau vì cớ gì đó, thất lạc hay chia lìa âm dương thì người ta hay kêu thầm, phải, lúc này người ta phải thán lên cả hai từ yêu và thương. Tiếng Việt kỳ lạ của ta ơi, yêu và thương, “yêu và thương biết mấy cho vừa”.