Theo đó, dự báo trong năm 2024 sẽ có thêm các chính sách mới được ban hành như Luật Đất đai (sửa đổi); Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Thông tư hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực sử dụng đất và lâm nghiệp...
Do đó công tác chỉ đạo, điều hành cần tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13- CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Bảo vệ có hiệu quả diện tích rừng được giao quản lý; khôi phục hệ sinh thái rừng bằng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh (phục hồi hệ sinh thái rừng, làm giàu rừng, chăm sóc rừng, phát triển rừng), chú trọng khôi phục đảm bảo 15% diện tích hệ sinh thái rừng bị suy thoái được phục hồi và bảo tồn, đặc biệt là hệ thống rừng đặc dụng. Số lượng các loài nguy cấp, quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng và số lượng quần thể các loài được cải thiện.
Ngoài ra, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các đơn vị cơ sở tuần tra, kiểm soát tại rừng nhằm bảo vệ rừng tận gốc; chốt chặn tại các khu vực "điểm nóng" về vận chuyển lâm sản trái phép. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học ở cơ sở, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư nhằm tạo sự đồng thuận, hỗ trợ trong bảo vệ và phát triển rừng. Xây dựng các bộ chỉ tiêu, chỉ số giám sát tài nguyên rừng, đa dạng sinh học và hướng dẫn các đơn vị cập nhật thông tin nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý ở các khu rừng đặc dụng, phòng hộ ngày một tốt hơn.