| Hotline: 0983.970.780

Tiêu sạch tiêu tan vì sùng đất, nhà vườn 'mất ăn, mất ngủ'

Thứ Năm 28/09/2017 , 08:48 (GMT+7)

Nông dân trồng tiêu ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đang rất lo lắng vì nạn sùng đất (hay còn gọi là sâu đất - to như ngón tay út, màu trắng có 2 răng rất sắc) cắn phá khiến những gốc cây tiêu bị khô héo, thậm chí chết hàng loạt...


Sùng đất xuất hiện dày đặc

Chúng tôi đến xã Hưng Lộc, nơi có những vườn tiêu sạch (trồng theo quy trình VietGAP) đang vào thời điểm phát triển đẹp và “sung” nhất. Ấy vậy mà, mấy tháng gần đây tại những vườn tiêu này xuất hiện nạn sùng đất ngày đêm cắn phá khiến hàng loạt gốc tiêu khô héo rồi chết rất nhanh.

14-21-09_0
Khu vườn tiêu nhà anh Thành đang bị nạn sùng đất cắn phá dữ dội

Ghé vào vườn tiêu của gia đình anh Võ Văn Thành (ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc), được xem là vườn tiêu mẫu đẹp nhất tỉnh Đồng Nai, chúng tôi chứng kiến vườn đang bị nạn sùng tấn công dữ dội.

Anh Thành dẫn chúng tôi ra vườn tiêu. Chọn một gốc tiêu vàng lá giữa vườn, anh vơ bụi cỏ lạc dại nhấc lên, gốc trơ trụi chẳng còn cọng rễ nào. Anh thở dài ngao ngán: “Kể cả đám cỏ cũng bị sùng xơi sạch cả chùm rễ rồi”. Anh vung cuốc bập xuống gần gốc tiêu, vừa nhấc lên lập tức chúng tôi chứng kiến có đến gần chục con sùng to như ngón tay út đang ngoe nguẩy trong đám đất tơi xốp. Tiếp tục cuốc xung quanh những gốc tiêu khác thấy lổn nhổn những con sùng béo múp, cuộn tròn trong đất.

Anh Thành lo lắng: “Chưa bao giờ tôi thấy sùng đất xuất hiện với mật độ dày đặc thế này, chúng gặm cụt hết cả gốc rễ thì làm sao cây gì sống nổi".

14-21-09_1
Chủ vườn tiêu lo lắng khi hàng loạt gốc tiêu đang bị nạn sùng gây hại chết

Vườn tiêu của gia đình anh Thành có diện tích 2ha, với khoảng 1.700 gốc (trong đó 800 gốc tiêu đã 20 năm tuổi, 900 gốc mới trồng), chủ yếu là giống Vĩnh Linh và được đầu tư chăm sóc theo quy trình VietGAP chỉ sử dụng phân thuốc hữu cơ vi sinh. Nhiều năm qua vườn tiêu phát triển rất tươi tốt, sạch bệnh, cho năng suất cao, được huyện, tỉnh đánh giá là mô hình mẫu.

“Đến khi thấy nhiều gốc tiêu trong vườn bị vàng lá, đổ đốt, héo chết rất nhanh, tôi tưởng tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm như thường thấy, ai dè khi cuốc đất ngay gốc tiêu lên thì phát hiện có nhiều con sùng như vậy”, anh nói.

14-21-09_3
Có rất nhiều con sùng đất trong vườn tiêu đang gây hại

Không còn cách nào khác, anh Thành buộc phải sử dụng thuốc hóa học Furadan để rải xuống những gốc tiêu trong vườn và đốn bỏ những gốc tiêu bệnh đã chết. Hiện anh đang tích cực chăm sóc vườn tiêu và tìm mọi cách xử lý, kể cả việc hàng ngày cuốc đất khắp vườn tìm bắt sùng cứu tiêu. Tuy nhiên, anh lo lắng khi đây chỉ là giải pháp tình thế, có thể sẽ làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây tiêu.
 

Nhà vườn hoang mang

Theo xác nhận của ông Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc HTX ca cao Thống Nhất, vườn tiêu của gia đình anh Thành là mô hình tiêu biểu ở địa phương. Tuy nhiên, hiện đang xuất hiện đối tượng sùng đất cắn phá rễ cây tiêu khiến các loại nấm bệnh tấn công dữ dội dẫn đến tiêu chết hàng loạt.

14-21-09_4
Những khóm cỏ lạc dại trong vườn tiêu cũng bị sùng gặm cụt hết rễ

Ông Phước cho biết, trước đây cũng vì sùng đất gây hại phổ biến trên nhiều diện tích cây đậu nành khiến địa phương phải bỏ để chuyển đổi sang canh tác cây trồng khác. Thực tế tình trạng này không chỉ xuất hiện trên vườn tiêu của nhà anh Thành mà một số vườn tiêu khác ở Hưng Lộc cũng có biểu hiện sùng đất gây hại. Do vậy, rất mong các nhà khoa học, các ngành chức năng sớm tìm ra các giải pháp để giúp bà con phòng trừ.

Anh Nguyễn Quốc Huy, ấp Hưng Nhơn, xã Hưng Lộc, bày tỏ lo lắng: Vườn tiêu của gia đình có 500 gốc (khoảng 12 năm tuổi) đang có biểu hiện vàng lá héo khô và cây chết, nhưng có thể do bệnh chết nhanh chết chậm. Tuy nhiên, lần đầu tiên trên cây tiêu xuất hiện đối tượng sùng gây hại càng khiến nhà vườn hoang mang.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Hoàng Mỹ, Trưởng trạm BVTV huyện Thống Nhất, cho biết: “Chúng tôi cũng vừa nhận được thông tin có hiện tượng sùng gây hại trên vườn tiêu với mật số nhiều. Thông tin báo cũng khá bất ngờ vì từ trước đến nay đối tượng này chỉ xuất hiện cục bộ trên đất vườn nhưng mật số không cao. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ kiểm tra thực tế để tìm nguyên nhân để có biện pháp xử lý”.

14-21-09_6
14-21-09_7
Mỗi gốc tiêu tìm thấy gần chục con sùng đất gây hại

Nhận định ban đầu của ông Mỹ, đây là vườn điểm trong huyện, tỉnh, nhưng có thể do nhà vườn chủ quan trong việc phòng trừ sâu bệnh hại nên để xảy ra hiện tượng sùng gây hại như thế.

+ “Thông thường con sùng chỉ cắn phá trên những rễ cây lớn như cây tràm, cây ăn trái, mía…và có chất hữu cơ vi sinh, còn với rễ cây tiêu thì không “hợp khẩu vị” với chúng. Từ trước đến nay cũng chưa thấy đối tượng con sùng gây hại trên cây tiêu. Do vậy, chúng tôi sẽ phải kiểm tra thực tế trên vườn tiêu này mới có hướng xử lý”, ông Trần Lâm Sinh - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt BVTV tỉnh Đồng Nai.

+ Theo ông Chu Trung Kiên, Trưởng Phòng nghiên cứu BVTV - Viện Khoa học và Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, có thể khi bước vào mùa mưa khiến đất ẩm ướt, tơi xốp nên sùng sẽ phát triển mạnh và có thể gây hại cho cây trồng. Vòng đời của con sùng khoảng gần 1 năm, nhưng ấu trùng chỉ sống trong đất chỉ 4 tháng sẽ phát triển thành bọ cánh cứng.Thời điểm này nhà vườn có thể sử dụng thuốc hóa học để xử lý diệt ấu trùng sùng đất dưới gốc tiêu. Còn biện pháp xử lý an toàn, nhà vườn nên sử dụng loại nấm xanh - Metarhizium để phòng trừ.

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm