| Hotline: 0983.970.780

Tìm cách giữ chân nhân viên thú y làm việc tại nhà máy giết mổ

Thứ Sáu 17/11/2023 , 13:39 (GMT+7)

Làm việc tại nhà máy giết mổ động vật, nhân viên thú y phải làm việc xuyên đêm, mức hỗ trợ thấp, ngành chức năng Bình Định phải áp dụng nhiều cách để giữ chân.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn (Bình Định) hợp đồng với 8 thú y xã để làm việc tại Nhà máy giết mổ động vật tập trung An Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn (Bình Định) hợp đồng với 8 thú y xã để làm việc tại Nhà máy giết mổ động vật tập trung An Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Nhà máy giết mổ động vật không thể thiếu thú y

Theo ông Ngô Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn (Bình Định), hiện hoạt động Nhà máy giết mổ động vật tập trung An Nhơn nằm trên địa bàn xã Nhơn An ngày càng đi vào nề nếp, số lượng gia súc đưa vào giết mổ tăng dần. Lượng gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ tại nhà máy nhiều hay ít tùy theo sức tiêu thụ của các chợ.

Nếu vào ngày Rằm hoặc 30 mùng 1 Âm lịch hàng tháng, lượng gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ giảm nhiều, do đa số người tiêu dùng ăn chay, không sử dụng thịt động vật. Còn những ngày bình thường, mỗi ngày bình quân có khoảng 800 con gà và 260 con heo đưa vào giết mổ tại nhà máy giết mổ động vật tập trung.

“Việc đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tập trung tại nhà máy trên địa bàn ngày càng đi vào ổn định. Ngoài phục vụ cho 150 hộ giết mổ nhỏ lẻ của thị xã An Nhơn, Nhà máy giết mổ động vật tập trung An Nhơn còn phục vụ cho những hộ giết mổ của 5 xã phía Bắc huyện Tuy Phước.

Thời gian đầu, những hộ giết mổ ở huyện Tuy Phước nếu ai có nhà ở gần nhà máy thuộc các xã Phước Quang, Phước Hưng, Phước Hiệp họ mới đưa gia súc vào giết mổ tập trung, còn những hộ ở xa như các xã Phước Hòa, Phước Thắng họ ngại đường xa nên chưa tham gia.

Nay nhờ chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt ngăn chặn không cho giết mổ tại nhà nên những hộ này cũng đã đưa gia súc vào giết mổ tại nhà máy”, ông Ngọc cho hay.

Theo anh Huỳnh Văn Thạnh, Bác sỹ thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn, nhà máy giết mổ động vật tập trung An Nhơn có 3 chuyền mổ heo và 1 chuyền mổ gia cầm. Hiện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn đang hợp đồng với 8 nhân viên thú y xã phục vụ tại nhà máy.

8 nhân viên nói trên túc trực 24/24 tại nhà máy để thực hiện công tác kiểm tra thú sống và kiểm soát giết mổ. Ban ngày có 2 ca trực (mỗi ca 2 nhân viên thú y) làm công tác kiểm tra thú sống. Ban đêm, mỗi chuyền giết mổ đều có 1 nhân viên thú y trực kiểm tra giết mổ tại 3 chuyền mổ heo và 1 chuyền mổ gia cầm.

“Hiện các nhân viên thú y làm việc tại nhà máy giết mổ được hỗ trợ mức 6 triệu đồng/người/tháng. Với mức hỗ trợ này thực tế chẳng đáng là bao khi anh em phải làm việc cả đêm, đi làm trong điều kiện mưa gió. Tuy nhiên, do đã nhiều năm gắn bó với nghề, nên khi Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn “tha thiết” lắm họ mới đồng ý làm việc. Ở nhà, nhiều người làm thêm những công việc như điều trị thú y cho vật nuôi trên địa bàn, hoặc đi lặt lá mai, cắm cọc cho những chậu mai cảnh chuẩn bị bán Tết còn có thu nhập cao hơn nhiều, mà không phải làm ban đêm ban hôm”, anh Thạnh chia sẻ.

Nhân viên thú y tại Nhà máy giết mổ động vật tập trung An Nhơn (Bình Định) phải làm việc xuyên đêm. Ảnh: V.Đ.T.

Nhân viên thú y tại Nhà máy giết mổ động vật tập trung An Nhơn (Bình Định) phải làm việc xuyên đêm. Ảnh: V.Đ.T.

Nghề thú y khổ mà vui

Khoản phí giết kiểm soát mổ Trung tâm Dịch vụ nông nghiêp thị xã An Nhơn thu vào hàng đêm với mức 7.000đ/con heo và 200đ/con gà, sau khi nộp ngân sách 10% theo quy định, số còn lại đơn vị này mua đồ bảo hộ cho nhân viên thú y làm việc tại nhà máy, mua mực để đóng dấu kiểm soát giết mổ và chi hỗ trợ cho lực lượng thú y làm việc tại nhà máy giết mổ tập trung.

Anh Lê Quốc Bửu, cán bộ thú y xã Nhơn Phong (thị xã An Nhơn) năm nay mới 40 tuổi mà đã có gần 20 năm làm việc trong ngành thú y. Hiện nay, anh Bửu đang ký hợp đồng với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn làm việc tại Nhà máy giết mổ động vật tập trung An Nhơn nằm trên địa bàn xã Nhơn An.

Theo anh Bửu, 8 nhân viên thú y đang hợp đồng làm công việc kiểm tra, kiểm soát giết mổ tại nhà máy chia phiên thay nhau trực, hôm nay trực ban ngày thì ngày mai trực ban đêm. Ban ngày có 2 ca trực kiểm tra thú sống, ca 1 từ 8 giờ sáng đến 15 giờ, ca 2 từ 15 giờ chiều đến 21 giờ mỗi ngày.

Bình thường, bắt đầu 8 giờ sáng mỗi ngày là các hộ đã đưa gia súc, gia cầm đến nhà máy chờ đến đêm giết mổ, nhân thú y trực kiểm tra thú sống phải có mặt để kiểm tra xem gia súc, gia cầm không có dấu hiệu dịch bệnh mới cho chở vào nhà máy. Những người trực kiểm soát giết mổ 12 giờ đêm mỗi ngày bắt đầu vào việc đến 6 giờ sáng hôm sau.

Hộ dân đưa thịt gia súc từ nhà máy giết mổ động vật tập trung đi chợ để tiêu thụ. Ảnh: V.Đ.T.

Hộ dân đưa thịt gia súc từ nhà máy giết mổ động vật tập trung đi chợ để tiêu thụ. Ảnh: V.Đ.T.

“Công việc tại nhà máy không có gì vất vả, nhưng chiếm nhiều thời gian. Nếu làm ca đêm nhiều khi phải đứng suốt từ 12 giờ đêm đến 7 giờ sáng hôm sau mới được nghỉ, vì có nhiều hộ giết mổ 7 giờ sáng mới đi chợ, nên đến 6 giờ sáng mới đưa gia súc đến nhà máy giết mổ. Khổ nhất là vào những đợt tiêm phòng theo định kỳ. Bình thường trực ca đêm xong sáng về còn ngủ được mấy tiếng đồng hồ, đến đợt tiêm phòng là sáng về phải lo mang thuốc đi tiêm phòng đến 12 giờ trưa, nghỉ trưa một chút là phải đi tiêm tiếp đến chiều tối”, anh Bửu chia sẻ.

Theo anh Bửu, vất vả nhất của những nhân viên thú y làm việc tại Nhà máy giết mổ động vật tập trung An Nhơn là vào những hôm phải trực ca đêm, nếu ai có nhà ở cách nhà máy 4-5km thì chuyện đi lại thuận tiện, những người có nhà cách xa nhà máy đến 15km như ở xã Nhơn Phúc thì không thể 12 giờ đêm chạy xe máy trong mưa gió để đến chỗ làm, mà chiều đó phải chở chăn màn xuống nhà máy ngủ đợi đến giờ làm việc.

“Hiện thú y xã đang hưởng mức phụ cấp 1.3 theo hệ số lương cơ bản, số tiền thực nhận là gần 2,3 triệu đồng/người/tháng, nay làm việc cho nhà máy có thêm khoản thu 6 triệu đồng/tháng nữa gia đình cũng đỡ vất vả. Nghề thú y khổ mà vui”, anh Lê Quốc Bửu, cán bộ thú y xã Nhơn Phong (thị xã An Nhơn) bộc bạch.

Xem thêm
Cô gái trẻ nuôi gà mát tay

ĐẮK NÔNG Mới 30 tuổi, cô gái này không chỉ chăm sóc vườn cà phê hơn 1ha mà còn khá thành công với mô hình nuôi gà quy mô thuộc loại lớn.

Mô hình lúa chất lượng cao vụ thu đông đạt 7,3 tấn/ha

Trà Vinh Kết quả sơ kết mô hình lúa chất lượng cao tại huyện Châu Thành cho thấy năng suất đạt 7,3 tấn/ha, lợi nhuận tăng 16% và khí thải giảm 20-30% so với ngoài mô hình.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.