| Hotline: 0983.970.780

Tìm giải pháp hỗ trợ chống dịch Covid-19 cho Đồng Nai

Thứ Tư 25/08/2021 , 17:15 (GMT+7)

Ngày 25/8, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng Tổ công tác 970 của các Bộ NN-PTNT, Công thương, Giao thông vận tải tiếp tục làm việc với tỉnh Đồng Nai về phòng chống Covid-19.

Xây dựng vùng xanh, con đường xanh

Trước khi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, đoàn công tác đã kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh cung ứng vật tư, lương thực, thực phẩm, lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp, phục vụ đời sống nhân dân trong tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam. Ảnh: Minh Sáng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam. Ảnh: Minh Sáng.

Theo đó, đoàn đã đến khảo sát công tác phòng chống dịch và sản xuất tại Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam.

Ông Lê Đức Vinh, Giám đốc hành chính nhân sự công ty Fujitsu cho biết, công ty đang duy trì sản xuất bằng hình thức  “3 tại chỗ”. Ngoài lo chỗ ăn ngủ và cung cấp các trang thiết bị thiết yếu cho công nhân, mỗi ngày 3 bữa, cuối tuần công ty còn tổ chức lo cho đời sống tinh thần công nhân với mỗi người 300 ngàn đồng.

Song song đó, công ty bố trí cả lực lượng y bác sĩ tại chỗ sẵn sàng khám chữa trị bệnh cho công nhân. Sắp tới, công ty sẽ tiến tới thiết lập vùng xanh, con đường xanh trong công ty và có thể tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất.

Ông Lê Đức Vinh, Giám đốc hành chính nhân sự công ty Fujitsu báo cáo với đoàn công tác. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Lê Đức Vinh, Giám đốc hành chính nhân sự công ty Fujitsu báo cáo với đoàn công tác. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Vinh cũng kiến nghị, các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương quan tâm đến các khu công nghiệp nói chung và công ty nói riêng được ưu tiên tiêm vacxin cho công nhân lao động để đảm bảo tốt “mục tiêu kép” vừa sản xuất vừa phòng chống dịch.    

Tại đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành biểu dương tinh thần phòng chống dịch Covid-19 nghiêm túc, an toàn của công ty, đồng thời đánh giá cao kế hoạch thiết lập vùng xanh, con đường xanh của công ty.

 Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, nếu chậm chân và chủ quan để xảy ra những ca bệnh F0 mà không phát hiện, không kiểm soát được thì sẽ gây thiệt hại và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của doanh nghiệp.

“Công tác phòng chống dịch trong các KCN là ưu tiên số 1 và cần phải đặt lên hàng đầu. Nếu để dịch xảy ra sẽ lây lan rất nhanh vì cùng trong môi trường.

Do vậy, cố gắng kiểm soát thật tốt trong các KCN, tinh thần sản xuất “3 tại chỗ” có thể vẫn đặt ra, nhưng cần phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong 4 điều kiện: thứ nhất âm tính, thứ hai là khoảng cách, thứ ba là nghỉ ngơi ăn ở, thứ tư là tầm soát được mọi hoạt động, nội bất xuất, ngoại bất nhập”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói .

Không để dân thiếu đói

Tiếp đó, đoàn công tác đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết: Đến ngày 23 tháng 8 năm 2021, toàn tỉnh có hơn 19.340 ca dương tính với SAR-CoV-2 và 140 ca tử vong.

Để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết và trước hết, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, tỉnh Đồng Nai thực hiện giãn xã hội đến hết ngày 31 tháng 8 năm 2021; tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Minh Sáng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Minh Sáng.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có gần 44 ngàn doanh nghiệp với tổng số lao động khoảng 1.200.000 người. Trong đó, số lao động đang làm việc tại 1.881 doanh nghiệp trong 31 Khu công nghiệp là khoảng 610.184 lao động.

Tính từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến nay, đã có 184 doanh nghiệp giải thể và 257 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Tổng số lao động bị ngừng việc là 316.511 người.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp đã tiếp nhận và xử lý với tổng số doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương án 3 tại chỗ là 1.136 doanh nghiệp, số lao động lưu trú là 138.863/346.493 lao động.

Hiện toàn bộ doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” được ưu tiên tiêm vacxin cho toàn bộ công nhân đang lưu trú tại doanh nghiệp.

Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai chủ động cung ứng hàng hóa cho người dân. Ảnh: CTV.

Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai chủ động cung ứng hàng hóa cho người dân. Ảnh: CTV.

Về tình hình cung ứng hàng hoá thiết yếu, lưu thông hàng hoá: Tính đến hết ngày 23 tháng 8 năm 2021, 11/11 siêu thị đang hoạt động;  227 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động; 215/459 điểm bán hàng thay thế chợ trong mùa dịch bệnh Covid-19.

Địa phương đã triển khai tổ chức cấp Giấy nhận diện có mã QRCode cho phương tiện vận chuyển hàng hóa ưu tiên lưu thông thông suốt 24/24h trên “luồng xanh”. Kết quả: Từ ngày 20 tháng 7 năm 2021 đến nay đã cấp được 23.575 xe.

“Hiện tỉnh Đồng Nai đang tiến hành bóc các ca F0 ra khỏi cộng đồng để phòng tránh dịch lây lan. Tỉnh cũng đã được Bộ y tế cho thành lập 2 bệnh viện của trung ương trên địa bàn, hỗ trợ cho tỉnh được khoảng 400 giường bệnh để chữa trị với 3 tầng riêng biệt. Ngoài ra, tỉnh cũng đã sắp xếp được trên dưới 1.000 giường để điều trị ca F0.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bí thư tỉnh uỷ là không để dân thiếu đói, người bệnh không thể thiếu oxi, tại các khu vực F0 hay F1 đều được bố trí đầy đủ thiết bị y tế đo nồng độ oxi trong máu; các địa phương cũng được huy động tối đa điều kiện lo phòng chống dịch và điều trị bệnh. Nhiều loại máy móc được tự chế và bài thuốc dân gian ở một số địa phương cũng được đưa ra áp dụng hiệu quả.

Hiện thuốc để tiêm cho ca bệnh nặng được khoảng 2.000 liều, còn thuốc uống thì chưa có để điều trị ngay từ đầu. Đây cũng là điều kiện còn thiếu thốn trong tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nói.

“Hiện nay trên địa bàn Đồng Nai chưa để xảy ra trường hợp hộ dân nào bị thiếu đói cơm gạo”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng khẳng định.  

Giải quyết nhanh tồn đọng nông sản

Theo báo cáo nhanh của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, về trồng trọt, toàn tỉnh có 1.760 ha diện tích lúa sắp thu hoạch; 13.792 ha bắp giai đoạn chín - thu hoạch; 5.299 ha rau đậu các loại; 69.912,8 ha cây ăn quả, hiện tại thu hoạch gần xong như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, thanh long...

Chi cục thú y vùng VI kiểm tra tình hình chăn nuôi heo tại Đồng Nai. Ảnh: Trần Trung.

Chi cục thú y vùng VI kiểm tra tình hình chăn nuôi heo tại Đồng Nai. Ảnh: Trần Trung.

Về chăn nuôi, dự kiến trong tháng 9, tổng sản lượng thịt ước đạt 60 ngàn tấn, trong khi tổng nhu cầu khoảng 23 ngàn tấn, còn lại 36 ngàn tấn cung cấp cho các tỉnh khác, chủ yếu là Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng sản lượng trứng ước gần 120 triệu quả, nhu cầu nội tiêu khoảng 46 triệu, còn lại bán ra ngoài tỉnh khoảng 73 triệu quả.

Về thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản tỉnh Đồng Nai là 8.846 ha và 605.138 m3 lồng bè. Tổng sản lượng thủy sản năm 2021 dự kiến là 59.200 tấn. 7 tháng đầu năm, sản lượng đạt 32.200 tấn. Sản lượng thu hoạch những tháng cuối năm dự kiến là 27.000 tấn. 

Hiện vận chuyển, lưu thông vẫn đang gặp khó khăn do áp dụng biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Số lượng xe đăng ký hoạt động vận chuyển nông sản trong đợt dịch giảm nhiều so với lúc trước dịch. Đồng thời, cước phí vận tải tăng do phát sinh các chi phí test nhanh Covid-19 ảnh hưởng đến việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa và làm tăng giá thành nông sản.

Sản lượng bình quân mỗi ngày cần hỗ trợ tiêu thụ gồm: rau 165 tấn/ngày, trái cây 220 tấn/ngày, thịt gà 65 tấn/ngày, thịt heo 120 tấn/ngày, trứng cút 354.000 quả/ngày, trứng gà 30.700 quả/ngày và sản phẩm thủy sản 14 tấn/ngày.

Các hàng hóa thiết yếu được trao tận tay người dân, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau. Ảnh: CTV.

Các hàng hóa thiết yếu được trao tận tay người dân, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau. Ảnh: CTV.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT cho rằng: Khi các chợ đầu mối tại TP.HCM phải tạm dừng thì Tổ công tác 970 đã chuyển sang hình thức chợ online để kết nối các tỉnh vùng ĐBSCL đưa hàng hoá về TP.HCM. Hiện nay, hàng ngày Tổ đang kết nối được trên 500 tấn hàng, đề nghị Sở Công thương cùng phối hợp với Sở NN-PTNT để thực hiện tốt việc này.

Đồng thời, sáng kiến của Tổ công tác 970 cũng đã đưa ra túi Combo 10kg chuyển từ các địa phương lên TP.HCM rất tiện lợi, đưa hàng thực phẩm đến từng hộ dân. Mỗi ngày vài chục ngàn túi combo được chuyển đến với người dân Thành phố. Hiện, Tổ công tác 970 đang đẩy mạnh túi combo nông sản tại địa bàn TP.HCM, do đó tỉnh Đồng Nai nên tham khảo để vận động các chủ vườn làm theo để giải quyết vấn đề khó khăn hiện nay.

Đồng Nai cũng là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, là nguồn cung cấp chính thịt cho thị trường TP.HCM. Đồng Nai có 11 nhà máy giết mổ, trong đó có 5 nhà máy giết mổ lợn và 6 nhà máy giết mổ gà, nên Đồng Nai cần quan tâm đến vấn đề tiêm vacxin cho công nhân trong các lò giết mổ này.

Cần tập trung cho mục tiêu sớm chấm dứt dịch bệnh

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao sự chỉ đạo của các cấp ngành tỉnh Đồng Nai.

Phó Thủ tướng cho rằng, Đồng Nai là tỉnh giáp TP.HCM có những đặc điểm về giao thông rất khác với với nhiều tỉnh khác. Các khu vực cảng liên quan đến nhiều cảng ở TP.HCM. Công nhân ở Đồng Nai chiếm tỉ lệ tương đối lớn, cho nên việc thực hiện phòng chống dịch khá phức tạp.

Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai vẫn đang có những giải pháp phù hợp về công tác phòng chống dịch.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành (bên trái) phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Minh Sáng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành (bên trái) phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Minh Sáng.

Phó Thủ tướng cho biết, qua nắm tình hình chung, tỉnh Đồng Nai đã đạt được kết quả khá tốt, số ca nhiễm đã giảm hơn so với những ngày trước.

Tuy nhiên, hiện địa phương có đến 80% doanh nghiệp đã dừng sản xuất, chỉ còn 20% đang gồng mình duy trì, do đó chúng ta cần phải hết sức bình tĩnh và có những cách làm sáng tạo. Việc phòng dịch luôn phải đặt lên hàng đầu và dập dịch đồng bộ mới mang lại hiệu quả tốt. Vì thế, địa phương cần tập trung cho mục tiêu sớm chấm dứt dịch bệnh.

“Địa phương phải xem việc chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm trong tất cả các nhiệm vụ khác. Trong thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục phát huy, đoàn kết, tâm huyết thì mới chống dịch hiệu quả.

Thực hiện xét nhiệm nhanh thần tốc tất cả các khu vực, đối tượng để nhanh chóng bóc F0 ra khỏi cộng đồng, đây là cuộc chạy đua trong toàn xã hội. Nếu chậm bóc F0 ra chỉ một ngày thì sẽ kéo dài việc phòng chống dịch 1 tuần, cương quyết đưa F0 ra khỏi vùng xanh để quản lý và chăm sóc. Nếu không thực hiện được việc này thì sẽ không bao giờ hết dịch.

Việc “sản xuất 3 tại chỗ” là cần thiết nhưng cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người công nhân và chiến dịch phòng chống dịch.

Song song đó, cần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, hiện các DN vẫn đang lo được cho công nhân, nhưng địa phương cần phối hợp nhịp nhàng làm sao vận động DN cố gắng duy trì trả lương cho công nhân để giữ chân lao động.

Cần thiết địa phương áp dụng gói hỗ trợ thêm cho những DN nào khó khăn. Đồng thời, xây dựng kịch bản để chủ động đề phòng những tình huống xấu xảy ra” Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói.

"Văn phòng Chính phủ sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng và các Bộ về việc tiêm vacxin cho công nhân trong các KCN của các tỉnh. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phòng chống dịch cho các địa phương, nhất là TP.HCM.

Các địa phương cần tiếp tục phát huy tối đa vai trò của hệ thống chính trị, không để dân đói, dân thán…" Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Thí điểm đề án 1 triệu ha lúa, nông dân được hỗ trợ 100% chi phí

ĐBSCL Ngoài hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nông dân tham gia mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được hỗ trợ toàn bộ vật tư và hạ tầng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.