| Hotline: 0983.970.780

Tìm giải pháp phát triển ngành công nghiệp sâm, hương liệu, dược liệu tại Việt Nam

Thứ Sáu 24/05/2024 , 20:00 (GMT+7)

TP.HCM Với hơn 5.000 loài cây dược liệu, trong đó nhiều loài quý hiếm, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

"Kho báu" hơn 5.000 loài cây dược liệu 

Chiều 24/5, Sở Ngoại vụ TP.HCM phối hợp với Sở NN-PTNT TP.HCM tổ chức hội thảo "Sâm và Hương liệu, Dược liệu Quốc tế TP.HCM 2024". Hội thảo nằm trong trong khuôn khổ "Lễ hội Sâm và Hương liệu, Dược liệu Quốc tế TP.HCM năm 2024", thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam có nguồn tài nguyên rừng đa dạng, phong phú, nhiều hệ sinh thái rừng tự nhiên đặc trưng như: Hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, hệ sinh thái rừng núi cao, hệ sinh thái rừng bán thường xanh rụng lá và nửa rụng lá... Hệ sinh thái rừng ngập mặn là nơi lưu giữ, bảo tồn nguồn gene đa dạng sinh học rất phong phú, quý hiếm, đặc hữu.

Đây là tiềm năng to lớn để bảo tồn, phát triển nhiều loại dược liệu quý hiếm, cung cấp nguyên liệu cho việc sản xuất, chế biến trong nước.

Việt Nam hiện có 5.117 loài cây thuốc, hơn 50 loài tảo biển, 75 loài khoáng vật và gần 410 loài động vật làm thuốc, trong đó có nhiều loại dược liệu quý được thế giới công nhận như cây hồi, cây quế, atiso, sâm Ngọc Linh...

Với sự đa dạng về khí hậu, thổ nhưỡng, ngay từ cuối thập kỷ 80, ở Việt Nam đã hình thành những vùng trồng, sản xuất cây dược liệu có tính chuyên canh. 

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Việc phát triển thảo dược đã được Đảng và nhà nước quan tâm từ rất sớm, đã có khoảng 50 văn bản được Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan ban hành trực tiếp hoặc liên quan đến phát triển thảo dược ở Việt Nam theo Quyết định 376/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu của Chương trình này là xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước đạt mức độ phát triển ở trình độ cao, đạt cấp độ bốn theo thang phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có giá trị thị trường trong top 3 ASEAN, góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý.

Bên cạnh đó, phát triển dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và trên thế giới. Đặc biệt, sâm Ngọc Linh đã được công nhận là Quốc bảo của nước ta và đang có nhiều chính sách, cơ chế giúp phát triển loài thảo dược quý hiếm và có giá trị kinh tế cao này.

"Với hơn 5.000 loài cây dược liệu, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật dược liệu, hương liệu, được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau cho con người như sản xuất thuốc điều trị bệnh, thực phẩm, thực dưỡng, đồ uống, hóa mỹ phẩm… Ngoài ra, cây dược liệu còn được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc cho thủy, hải sản", ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM nói.

Cũng theo ông Hoàng, ước tính tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 khoảng 230 tỷ USD và dự kiến có thể đạt 430 tỉ USD vào năm 2028.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã giới thiệu các sản phẩm sâm, dược liệu, hương liệu của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã giới thiệu các sản phẩm sâm, dược liệu, hương liệu của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nguồn lực đầu tư còn hạn chế

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tổng sản lượng dược liệu trồng ở Việt Nam hiện ước đạt khoảng 100.000 tấn/năm. Trong đó, có nhiều loài cây dược liệu quý, hiếm, đặc hữu, vừa có giá trị kinh tế cao vừa có công dụng chữa bệnh như sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, lan kim tuyến, tam thất hoang, thông đỏ, hoàng liên gai…

Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư hiện nay cho phát triển dược liệu vẫn còn hạn chế, các sản phẩm phần nhiều mang tính tự cung tự cấp, thiếu sự liên kết và đặc biệt là thiếu thông tin về thị trường quốc tế.

Do đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế khuyến khích đầu tư, phát triển ngành sâm và hương dược liệu.

Trong đó, 8 vùng dược liệu trọng điểm của Việt Nam theo quy hoạch của Chính phủ bao gồm: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.

Riêng về sâm, theo Bộ NN-PTNT, việc phát triển cây sâm và sản phẩm từ sâm còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam vì thiếu nguồn giống đảm bảo chất lượng hợp pháp; chưa tạo ra sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành, các nguồn lực; thiếu cơ sở sơ chế, chế biến sâu và công tác quảng bá cũng như xúc tiến thị trường tiêu thụ…

Một sản phẩm nấm làm dược liệu được giới thiệu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Một sản phẩm nấm làm dược liệu được giới thiệu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trước tình hình đó, ngày 1/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 611/QĐ-TTg phê duyệt chương trình "Phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Theo đó, chủ trương phát triển sâm thành thương hiệu quốc gia, đồng thời xây dựng thương hiệu quốc tế cho sâm Việt Nam.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về sâm như Kon Tum, Quảng Nam, Gia Lai… đang tập trung đầu tư nhằm phát triển cây sâm cũng như vùng nguyên liệu sâm tập trung, phấn đấu đạt khoảng 21.000ha trồng sâm vào năm 2030.

Trong đó, đối tượng bảo tồn, phát triển, chế biến, thương mại ở quy mô hàng hóa là sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu. Công tác tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cũng sẽ được tăng cường trong thời gian tới.

Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, thông qua hội thảo lần này, sẽ góp phần hiện thực hóa chủ trương nhằm phát triển bền vững và hợp tác quốc tế ngành công nghiệp sâm và hương liệu, dược liệu tại Việt Nam.

Các loại dược liệu được Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM (Sở NN-PTNT TP.HCM) nghiên cứu, phát triển. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các loại dược liệu được Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM (Sở NN-PTNT TP.HCM) nghiên cứu, phát triển. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực sâm, hương liệu, dược liệu trong nước và quốc tế. Hội thảo tập trung thảo luận về ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình trồng, sản xuất, chế biến, bảo quản sâm và hương liệu, dược liệu tại Việt Nam; định hướng phát triển bền vững và hợp tác quốc tế ngành công nghiệp sâm và hương liệu, dược liệu tại Việt Nam.

Xem thêm
Nhiều công nghệ mới được giới thiệu tại Agri Vietnam 2024

TP.HCM Hơn 100 doanh nghiệp đến từ 14 quốc gia, vùng lãnh thổ giới thiệu, trưng bày máy móc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sản phẩm nông nghiệp tại Agri Vietnam 2024.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Phân Bón Cà Mau công bố chiến lược phát triển bền vững

Phân Bón Cà Mau công bố chiến lược phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng tương lai xanh, thịnh vượng và đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan.

Bất động sản hàng hiệu đang có tiềm năng phát triển rất lớn

Bất động sản hàng hiệu (branded residences) đang có tiềm năng phát triển rất lớn, nhờ 'cú bắt tay' giữa chủ đầu tư Việt Nam với các thương hiệu danh tiếng hàng đầu thế giới.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm