| Hotline: 0983.970.780

Keo chết đồng loạt, chủ rừng đảo chu kỳ cây trồng

Thứ Năm 06/04/2023 , 06:00 (GMT+7)

Thời điểm này, mật độ keo chết do nấm bệnh tại các cánh rừng ở Tuyên Quang không còn lớn như trước, nhưng vẫn còn tồn tại và ảnh hưởng đến sản lượng rừng trồng.

Một số địa phương ở tỉnh Tuyên Quang diễn ra hiện tượng keo chết đồng loạt. Ảnh: Đào Thanh.

Một số địa phương ở tỉnh Tuyên Quang diễn ra hiện tượng keo chết đồng loạt. Ảnh: Đào Thanh.

Theo Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang, hiện tại một số địa phương vẫn có hiện tượng keo chết rải rác do nấm bệnh gây ra, nguy hại nhất là bệnh chết héo do nấm Ceratocystis gây ra.

Loại bệnh này thường xuất hiện nhiều tại những cánh rừng đã trồng và khai thác được từ 3 đến 4 chu kỳ. Do trong quá trình khai thác, trồng lại nhiều chu kỳ, bà con không thực hiện khử trùng, vệ sinh cẩn thận, mầm bệnh lưu trú nên gặp thời tiết thuận lợi là phát tán gây hại trên cây non.

Hiện nay, tại huyện Sơn Dương, hiện tượng keo chết héo diễn ra mật độ dày nhất với diện tích khoảng 20ha. Những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề là xã Trung Yên, Tân Trào và xã Phú Lương.

Ông Viên Văn Ánh, thôn Cả, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương cho biết, diện tích rừng keo rộng 1ha của gia đình ông bắt đầu xuất hiện tình trạng chết cây cách đây hơn 1 tháng và đến nay diện tích đã lan rộng khoảng 0,5ha.

Lúc mới bị bệnh, cây có biểu hiện là ở phần ngọn cây bị khô, lá vàng, sau khoảng vài tuần cây chết, lan rất nhanh, không thể cứu vãn. Cũng theo ông Ánh thì hiện tượng keo bị chết héo đã xuất hiện từ những năm trước nhưng chỉ lác đác 1 vài cây, không đáng kể.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, trước thực trạng keo bị chết rải rác tại một số địa phương thì giải pháp mà ngành NN-PTNT Tuyên Quang đưa ra trong giai đoạn hiện nay là khuyến cáo người trồng rừng thực hiện tốt việc vệ sinh tiêu độc khử trùng. Với những diện rừng trồng được 3 đến 4 chu kỳ khai thác, thực hiện luân canh bằng các giống cây trồng khác thay thế cây keo.

Trước tình trạng keo chết, nhiều chủ rừng đã chuyển sang trồng các cây trồng khác như mỡ, bồ đề. Ảnh: Đào Thanh.

Trước tình trạng keo chết, nhiều chủ rừng đã chuyển sang trồng các cây trồng khác như mỡ, bồ đề. Ảnh: Đào Thanh.

Công ty TNHH lâm nghiệp Tuyên Bình, hiện nay đang quản lý trồng 1.700ha rừng, trong đó có 1.400ha rừng FSC. Hiện tượng keo chết héo xảy ra đã mấy năm nay, chủ yếu trên các cánh rừng thâm canh nhiều chu kỳ và rừng ở độ tuổi từ 2 đến 3 năm.

Tuy diện tích keo bị chết không đồng loạt tập trung tại khoảng rừng, nhưng hiện tượng chết rải rác sẽ ảnh hướng đến năng suất rừng khi được thu hoạch. Nhiều cánh rừng trung bình đạt sản lượng 100m3/ha, nhưng nếu bị keo chết héo chỉ đạt khoảng 50 đến 60m3/ha.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tháp, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Tuyên Bình trước thực trạng nhiều diện tích rừng keo bị chết héo, sau khai thác công ty đã chuyển đổi sang trồng các giống cây trồng khác như bạch đàn, mỡ, bồ đề… Đến nay, diện tích rừng đã chuyển đổi của công ty là gần 400ha.

Công ty lâm nghiệp Chiêm Hóa thời kỳ cao điểm diện tích rừng keo bị chết lên đến cả 100ha vào những năm 2019, 2020. Đến thời điểm này keo chết vẫn diễn ra rải rác và mật độ không dầy như trước.

Ông Dương Minh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa cho biết, hiện nay diện tích đất lâm nghiệp do Công ty quản lý là khoảng 5.600ha, trong đó diện tích đất có rừng là 3.300ha rừng trồng chủ yếu là cây keo.

Trước hiện tượng keo chết héo ngoài các biện pháp kỹ thuật xử lý trên đất thì việc thay thế giống cây trồng mới cũng được công ty đưa ra.

Như nếu chọn tiếp tục trồng cây keo thì công ty sẽ chọn cây giống hạt nhập ngoại thay thế cây giống nội địa. Hoặc chủ rừng có thể thay thế các giống cây trồng khác như bồ đề, mỡ đây cũng là những giống cây khá phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở Tuyên Quang.

Đến nay, diện tích rừng công ty đã trồng giống keo nhập ngoại thay thế là khoảng 1.000ha, trồng cây trồng khác như mỡ, bồ đề thay cây keo là khoảng hơn 200ha.

Trước thực trạng keo tiếp tục chết tại một số địa phương trong tỉnh, cùng việc khuyến cáo chủ rừng đảo chu kỳ cây trồng ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cũng đưa ra khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trồng rừng.

Đó là với các vườn ươm cần chọn cây vật liệu lấy hom khỏe, sạch bệnh. Xử lý bầu đất ươm cây giống bằng các chế phẩm sinh học để hạn chế mầm bệnh và giúp cây con phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng kháng bệnh.

Với rừng trồng, trước khi trồng cần dọn thực bì, cuốc hố trước 15 ngày, xử lý hố trước khi trồng bằng vôi bột, Trichoderma, xử lý mối, côn trùng bằng các loại thuốc PMC 90DP, Metavina 10DP, Regent 0.3GR, thường xuyên kiểm tra, theo dõi phát hiện và phòng trừ sớm đối với các loại côn trùng, mối gây hại cây trồng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.