| Hotline: 0983.970.780

Tìm hướng phát triển ổn định, bền vững cho chanh dây

Thứ Năm 04/07/2024 , 06:05 (GMT+7)

Nhà khoa học các nước châu Á - Thái Bình Dương đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế và giải pháp để phát triển ổn định, bền vững ngành hàng chanh dây.

Hội thảo thu hút 50 đại biểu là các nhà khoa học đến từ châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Tuấn Anh.

Hội thảo thu hút 50 đại biểu là các nhà khoa học đến từ châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Tuấn Anh.

Ngày 2/7, tại Gia Lai, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) phối hợp với Trung tâm Công nghệ thực phẩm và phân bón châu Á - Thái Bình Dương (FFTC-ASPAC) tổ chức hội thảo quốc tế “Tăng cường quản lý chất lượng cho chuỗi giá trị chanh dây ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương’’.

Mối lo sâu bệnh hại

Cây chanh dây (chanh leo) có nguồn gốc từ Nam Mỹ nhưng hiện nay đã nhanh chóng trở thành loại trái cây phổ biến ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Á. Với ưu điểm vượt trội về hương vị, giá trị dinh dưỡng, nhu cầu tiêu thụ chanh dây trên thế giới ngày càng tăng cả về tiêu thụ tươi và chế biến.

Tuy nhiên, để khai thác triệt để tiềm năng của chanh dây, cần phải tăng cường quản lý chất lượng trên toàn bộ chuỗi giá trị. Trong đó, yếu tố hạn chế lớn nhất ảnh hưởng đến sản xuất chanh dây là kiểm soát chất lượng cây giống và các sinh vật gây hại.

TS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật trực (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, một số địa phương như Gia Lai, Nghệ An, Đắk Lắk đã quan tâm công tác bình tuyển, công nhận vườn cây đầu dòng chanh dây. Tại tỉnh Gia Lai, Sở NN-PTNT đã công nhận 14 vườn chanh dây đầu dòng. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành hệ thống sản xuất giống chanh dây 3 cấp trong nhà lưới tiên tiến, sạch bệnh với quy mô hàng triệu cây giống/năm.

Quản lý dịch bệnh trên cây chanh dây được xem là yếu tố then chốt để cây trồng này phát triển bền vững. Ảnh: Tuấn Anh.

Quản lý dịch bệnh trên cây chanh dây được xem là yếu tố then chốt để cây trồng này phát triển bền vững. Ảnh: Tuấn Anh.

Mặc dù vậy, bệnh virus vẫn là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sản xuất chanh dây bền vững. Đặc biệt, virus gây bệnh cứng trái đã gây thiệt hại lớn nhất đối với sản xuất chanh dây tại Việt Nam.

Để quản lý bệnh virus, TS Ngọc cho rằng, cần phải sử dụng cây giống được sản xuất trong nhà lưới 3 cấp. Trong đó, cây mẹ phải được kiểm tra bệnh virus hàng năm. Trong quá trình canh tác, cần thu dọn sạch cỏ dại, tàn dư thực vật, đồng thời nhổ bỏ các cây là ký chủ của virus và môi giới truyền bệnh như nhãn lồng, bầu bí, dưa chuột, mướp đắng, su su, cà tím, ớt… trên khu vực dự định trồng chanh leo. Xử lý mối, tuyến trùng và các sâu hại dưới đất bằng các thuốc bảo vệ thực vật trước khi trồng.

“Trồng mới bằng cây giống sạch bệnh làm giảm thiệt hại bệnh virus gây ra trên cây chanh leo. Đồng thời áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp để chống tái nhiễm bệnh virus, giảm nguồn bệnh bằng vệ sinh đồng ruộng, điều tra loại bỏ sớm cây bị nhiễm bệnh, quản lý môi giới truyền bệnh từ khi mới trồng. Quản lý các sâu bệnh hại khác, đồng thời quản lý vườn cây bằng các giải pháp quản lý đất, nước tưới, phân bón”, TS Ngọc chia sẻ.

TS Rozieta Binti Laboh (thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Malaysia) cho biết, thời gian qua, sản lượng chanh dây ở Malaysia đang có xu hướng giảm. Một trong những nguyên nhân chính làm suy giảm sản lượng chanh dây là do nhiễm bệnh. Có 2 bệnh chính đối với chanh dây ở Malaysia đó là virus khảm chanh dây và bệnh héo rũ do nấm Fusarium. Ngoài ra, sự phá hoại của ruồi đục quả chanh dây cũng là mối lo ngại lớn.

Hầu như tất cả các trang trại chanh dây ở Malaysia đều bị nhiễm virus khiến năng suất giảm đáng kể, dẫn đến chưa đạt đến mức sản xuất thương mại.

Chanh dây đang phát triển mạnh ở Việt Nam và các nước châu Á. Ảnh: Tuấn Anh.

Chanh dây đang phát triển mạnh ở Việt Nam và các nước châu Á. Ảnh: Tuấn Anh.

“Chanh dây cần được chú trọng bởi tiềm năng dinh dưỡng lớn. Điều quan trọng nhất là phải có giống sạch bệnh để thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng này. Sự hợp tác và kết nối giữa các quốc gia trồng chanh dây có thể tạo điều kiện thuận lợi và đẩy nhanh sự phát triển của các công nghệ để khắc phục các rào cản trong sản xuất chanh dây”, TS Rozieta Binti Laboh chia sẻ.

TS Ogata Tatsushi, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nông nghiệp Quốc tế Nhật Bản (JIRCAS) cho biết, khó khăn chính của người trồng chanh dây là do virus và các bệnh lây truyền qua ghép. Chính vì vậy, để có giống chanh dây khỏe mạnh, không có virus, cần thực hiện bằng cách ghép chồi đỉnh trong điều kiện vô trùng. Theo đó, cần cắt bỏ chồi đỉnh rồi thực hiện kỹ thuật vi ghép in vitro để tái sinh chồi sạch virus.

Ưu điểm của kỹ thuật vi ghép in vitro là không cần các thiết bị đặc biệt. Trong khi quy trình tương đối đơn giản, cây giống tăng trưởng nhanh sau khi ghép.

Phát triển thiếu ổn định

Cây chanh dây lần đầu tiên được du nhập vào Thái Lan vào năm 1995 và đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

TS Jenjira Choonpukam (Khoa Nông nghiệp, Đại học Kasetsart Thái Lan) cho biết, năm 1998, cây chanh dây được Bộ Nông nghiệp Thái Lan dành chính sách sản xuất theo hướng dẫn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) để phát triển sản xuất thương mại. Sau đó, Quỹ Dự án Hoàng gia Thái Lan bắt đầu quảng bá chanh dây như một loại cây trồng thương mại cho nông dân tại các vùng dự án.

Nâng cao chất lượng chanh dây được là mục tiêu cần được ưu tiên hàng đầu. Ảnh: Tuấn Anh.

Nâng cao chất lượng chanh dây được là mục tiêu cần được ưu tiên hàng đầu. Ảnh: Tuấn Anh.

Để nâng cao chất lượng chanh dây, Thái Lan rất chú trọng đến cây giống. Ngoài các giống chất lượng được nhập khẩu, Thái Lan cũng chú trọng đến việc nhân giống. Theo đó, những giống chanh dây khỏe mạnh được trồng từ hạt để cung cấp gốc ghép. Khi cây gốc được 2 - 3 tháng tuổi, sẽ tiến hành ghép cành giống sạch bệnh vào gốc ghép.

“Người tiêu dùng có nhu cầu lớn và sản xuất chanh dây tại Thái Lan vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Cần có những giống mới có thể sinh trưởng tốt ở vùng cao, có khả năng kháng bệnh, cho năng suất cao, chất lượng quả tốt. Các giống chanh dây mới cho thấy tiềm năng sản xuất thương mại nhằm thúc đẩy mở rộng hơn nữa diện tích trồng. Nông dân nên được khuyến khích trồng và tuân theo các tiêu chuẩn để đạt được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt”, TS Jenjira Choonpukam chia sẻ.

Những năm gần đây, do nhu cầu cao của thị trường nước ngoài đối với trái cây tươi nguyên quả và các sản phẩm nước uống chế biến sẵn, chanh dây Việt Nam có triển vọng xuất khẩu cao với 80% sản lượng dành cho thị trường quốc tế với kim ngạch tăng trưởng ổn định.

So với một số nước sản xuất chanh dây lớn trên thế giới, Việt Nam có thể sản xuất chanh quanh năm. Trong đó, Tây Nguyên là vùng sản xuất chanh dây thương mại chính, chiếm hơn 90% diện tích trồng chanh dây cả nước.

Tuy nhiên, sản xuất chanh dây của Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh cũng như hạn chế về kỹ thuật canh tác. Bên cạnh đó là sự biến động của thị trường do cung vượt cầu và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chủ trì hội thảo. Ảnh: Tuấn Anh.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chủ trì hội thảo. Ảnh: Tuấn Anh.

TS Nguyễn Văn Viết, Viện Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Nafoods (thuộc Công ty Cổ phần Nafoods Group) cho biết, để quản lý chất lượng nhằm nâng cao chuỗi giá trị, những năm qua, Nafoods Group đã tập trung nghiên cứu sản xuất các giống chanh dây sạch bệnh virus, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Mặt khác, Nafoods Group chuyển giao công nghệ cho người dân về kỹ thuật canh tác, quản lý sâu bệnh, thu hái, bảo quan sau thu hoạch… để hướng đến phát triển bền vững.

“Ngành hàng chanh dây Việt Nam tuy nhỏ nhưng có tiềm năng tăng trưởng nhanh chóng. Chính vì vậy, những vấn đề cấp thiết cần được nhanh chóng giải quyết hiện nay là phát triển giống kháng mới với công nghệ sản xuất tiên tiến, quản lý sâu bệnh hiệu quả và bền vững”, TS Viết đặt vấn đề.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, diện tích chanh dây có sự biến động liên tục do tác động của thị trường và dịch bệnh. Vào thời điểm thịnh vượng nhất (2017 - 2020), diện tích chanh dây của Việt Nam đã lên tới 8 nghìn ha và dự kiến mở rộng lên 12 nghìn ha vào năm 2025. Tuy nhiên, hiện nay diện tích không tăng mà còn có xu hướng giảm do tác động của dịch bệnh và yếu tố thị trường. Chính vì vậy, việc tăng cường quản lý chất lượng cho chuỗi giá trị được xác định là khâu then chốt. 

Xem thêm
Nuôi heo Japfa là muốn nuôi tiếp

Tỷ lệ hao hụt thấp, tiêu tốn thức ăn thấp, vật nuôi tăng trưởng nhanh là những yếu tố giúp nhiều trang trại yên tâm khi chăn nuôi heo gia công cho Japfa.

Thu lợi kép nhờ chăn nuôi gà an toàn sinh học

VĨNH PHÚC Phát triển chăn nuôi gà an toàn sinh học đang giúp người dân trên địa bàn Vĩnh Phúc tiết kiệm được nhiều chi phí phòng trị bệnh, công lao động, gia tăng lợi nhuận…

'Bí kíp' trồng xoài giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng

Không chỉ tiết kiệm chi phí đầu vào, nông dân áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây xoài còn giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.