Nhờ tiếp cận vốn tín dụng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, (Agribank) nhiều nông dân, tổ hợp tác, HTX ở ĐBSCL đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng thu nhập.
Nông nghiệp là thế mạnh của vùng ĐBSCL, đặc biệt với sự đồng hành cùng “tam nông” Agribank luôn xác định ĐBSCL là một trong những khu vực phát triển kinh tế trọng điểm, đồng thời là khu vực có mức độ tăng trưởng tín dụng cao nhất của Agribank.
Agribank luôn quyết liệt triển khai, đồng bộ các chính sách tín dụng phục vụ "tam nông" và các chương trình tín dụng đặc thù. Để đáp ứng kịp thời nguồn vốn tín dụng cho khách hàng, Agribank chú trọng đến các giải pháp tăng cường hoạt động của Agribank chi nhánh tại địa phương và triển khai áp dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ tín dụng nông thôn.
Đặc biệt, Agribank tập trung nâng cao năng lực của các chi nhánh trong khu vực nhất là các chi nhánh có tỷ trọng lớn về cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tại địa bàn hoạt động, các chi nhánh thường xuyên kiểm tra nắm bắt các khó khăn vướng mắc của khách hàng để tháo gỡ kịp thời.
HTX Khiết Tâm ở xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ được xem là hình mẫu của một HTX làm ăn hiệu quả nhờ thắt chặt liên kết trong các khâu sản xuất từ làm đất, gieo sạ, chăm sóc lúa đến khâu thu hoạch. Các cánh đồng của HTX đều mang dấu ấn của cơ giới hóa nông nghiệp nhờ sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp TP Cần Thơ, sự hỗ trợ của địa phương. Bên cạnh đó, còn có sự đồng hành, tiếp sức từ Agribank.
Theo ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm, nhờ đầu tư bài bản nên HTX chủ động cung cấp đầy đủ các dịch vụ nông nghiệp cho xã viên trong HTX. Bên cạnh đó, HTX cũng kết nối với Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại TP Cần Thơ để tiếp cận máy nông nghiệp phục vụ cho các cánh đồng của HTX cũng như cung cấp dịch vụ cho nông dân trong và ngoài huyện khi có yêu cầu.
Nhờ những ưu điểm như lãi suất cho vay thấp, thủ tục vay dễ dàng nên HTX đã chủ động tiếp cận vốn vay từ Agribank cũng như khuyến cáo cho thành viên HTX khi có nhu cầu vay vốn đầu tư vào sản xuất”.
Ông Lê Hồng Duyên, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang canh tác 2ha vườn cây ăn trái và 2ha sản xuất lúa, cho biết: Nhiều năm qua trong làm ăn của gia đình luôn được ngân hàng Agribank đồng hành hỗ trợ vay vốn, chính vì vậy nông dân có vốn làm ăn và phát triển vươn lên khá giàu ở khu vực nông thôn.
Theo ông Lê Viết Quyền, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Hậu Giang, cho vay nông nghiệp công nghệ cao là một phần ưu tiên của Agribank cũng như Chi nhánh Hậu Giang. Agribank cũng linh hoạt hình thức cho vay.
Đối với những hộ dân cần vốn, ngoài cho vay thế chấp, Agribank cũng xem xét cho vay tín chấp với mức độ phù hợp. Thời gian qua Agribank Chi nhánh tỉnh Hậu Giang đã triển khai cho vay đối với một số doanh nghiệp và hộ dân để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp sạch và công nghệ cao.
Trên thực tế, hoạt động tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank đã cơ bản đáp ứng đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả nguồn vốn cho nhu cầu phát triển toàn diện các đối tượng khách hàng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của người nông dân, đẩy lùi “tín dụng đen”.
Khuyến khích các trang trại mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm, thu hút lao động, các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đã giúp khách hàng vay vốn trang trải chi phí giống, cải tạo thâm canh vườn, ao, chuồng, thậm chí cả chi phí trả công lao động thời vụ. Vốn bình quân cho vay một khách hàng trên 180 triệu đồng, bình quân một trang trại trên 2 tỷ đồng. Hiện nay, cả khu vực có trên 14.200 trang trại (ước tăng 2.200 trang trại cùng kỳ 2021), với số diện tích đất, mặt nước sử dụng khoảng 663.000ha, tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động.