| Hotline: 0983.970.780

Tín hiệu vui trồng bắp chuyển gen

Thứ Ba 06/10/2015 , 09:50 (GMT+7)

Chỉ mới vụ thu hoạch đầu tiên nhưng bắp chuyển gen đã và đang mang lại niềm vui cho hàng ngàn hộ dân tại các tỉnh ĐBSCL.

Sống khỏe thêm

Đón chúng tôi ngay từ đầu cổng, bác Hồ Thanh Tuyền, nông dân ngụ tại xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) không giấu nổi sự háo hức khi kể về cơ duyên đưa mình đến với giống bắp chuyển gen NK66 Bt/GT.

Trước đó qua thông tin từ báo đài, bác đã rất vui mừng và mong ngóng từng ngày được tham gia hội thảo nông dân để nghe giới thiệu thêm về giống cây này. Ai ngờ tên bác lại vô tình bị… sót khi lên danh sách khách mời. Vậy là mới đi ăn cỗ bên hàng xóm về, bác quyết tâm chạy thẳng ra đại lý mua 23 kg giống về trồng trên 0,8 ha ruộng của mình. Bác bén duyên với cây bắp chuyển gen từ đó.

Bác Tuyền chia sẻ: “Ngày xưa tui với thằng con phải xịt thuốc cỏ mất 2 ngày. Vác cả bình thuốc nặng sau lưng, ở ngoài nắng cả ngày, bịt khẩu trang rồi nhưng mỗi lần phun xong về nhà mệt lả người. Giờ thì bỏ thuốc vào máy làm mỗi 15 phút là xong”.
Thời gian rảnh bác giúp con gái trông đứa cháu ngoại đang học mẫu giáo hoặc tranh thủ đi tham gia sinh hoạt làng xã, thấy cuộc sống xem ra nhàn hơn. “Trồng bắp chuyển gen này là tui nghĩ mình sẽ sống khỏe thêm được 5 năm nữa”, bác hớn hở khoe.

Kết quả vụ đầu tiên, bác Tuyền thu được trung bình 10 tấn hạt khô/ha, năng suất tăng đến 30% so với giống bắp thường, lợi nhuận thu được 35 triệu đ/ha. Nếu so với bắp lai thông thường trước giờ vẫn trồng thì thu nhập của bác đã tăng hơn 15 triệu đ/ha.

Điều bác tâm đắc nhất là giảm hẳn công chăm sóc. Nếu như với giống bắp thường, phải phun thuốc cỏ đến 2 - 3 lần, mỗi lần phun là một lần tốn tiền thuốc, tiền công, lại vừa lo ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ khi chuyển sang NK66 Bt/GT, chỉ cần phun một lần duy nhất là cây đã phát triển tốt đến khi thu hoạch mà hơn nữa công phun chỉ bằng một nửa vì không phải che chắn cứ phun trùm lên cây rất thuận tiện dễ dàng.

Còn bác Nguyễn Văn Minh, ấp Tân Bình Hạ, xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình(Đồng Tháp) với 1,5 công ruộng trồng bắp trước đây khi trồng giống thường mỗi vụ phải phun 4 - 5 lần thuốc sâu vậy mà sâu vẫn còn cắn phá, vụ này trồng bắp chuyển gen chẳng phun lần nào mà ruộng vẫn cứ sạch bong, đến kỳ thu hoạch cũng chẳng có bắp nào bị sâu đục phá.

Bác Ngô Văn Bao, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) lại cho rằng bắp chuyển gen không chỉ mang lại cho bác một vụ mùa bội thu mà còn là cơ hội để cải thiện kinh tế gia đình. Vụ rồi bác thu được năng suất trung bình 6 tấn/ha, tính ra lợi nhuận tăng thêm 4,5 triệu đồng/ha so với giống bắp thường.

Cũng phải thôi, bởi theo lời bác kể thì cây lên đều và phát triển tốt, đến khi thu hoạch rồi mà lá vẫn xanh mướt, khỏe mạnh, ruộng thì sạch bóng cỏ. Những ruộng trồng bắp thường xung quanh thì nhiều sâu, riêng ruộng của bác thì “vạch lá tìm sâu” mãi cũng khó tìm ra con nào. Bắp trái nào trái nấy đầy và chắc hạt. Giờ đây bác có thể sử dụng sản phẩm do chính mình trồng ra để phục vụ chăn nuôi cho gia đình, không phải tốn thêm chi phí để mua bắp bên ngoài như các năm trước.

“Tôi rất hài lòng với bắp chuyển gen này vì nó giúp tôi tiết kiệm chi phí bỏ ra đầu tư, giảm công lao động”, bác Bao cho biết.

Lựa chọn mới

Với những lợi ích rõ rệt, bắp chuyển gen là một lựa chọn mới cho nông dân tại khu vực ĐBSCL trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo ước tính, cây lúa hiện chiếm gần 90% diện tích đất nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL và là nguồn thu nhập chính của hơn 74% tổng số hộ làm nông nghiệp trong toàn khu vực. Tuy nhiên, giá lúa bấp bênh khiến đời sống những hộ này gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, tình hình xuất khẩu lúa gạo của ta hiện đang gặp khó khăn trên thị trường thế giới.

Trong khi đó, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước thiếu hụt, phải nhập khẩu từ nước ngoài, làm cho giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, từ đó giá thành sản phẩm chăn nuôi tăng cao.

Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng tại khu vực ĐBSCL theo hướng gia tăng giá trị cho nông dân là việc làm cần thiết giúp giải quyết nguyên liệu cho chế biến thức ăn chăn nuôi, cân đối SX lúa gạo tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, giúp nâng cao đời sống xã hội.

Nhiều mô hình chuyển đổi canh tác lúa – lúa sang luân canh lúa – bắp tại nhiều tỉnh như An Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho thấy, trong điều kiện một số vùng thường thiếu nước tưới vào mùa khô, cây bắp tốn ít công chăm sóc hơn và mang lại hiệu quả cao hơn.

Ngoài hạt dùng chế biến thức ăn gia súc, các bộ phận khác cũng được tận dụng như thân cây làm thức ăn nuôi bò, cùi bắp thì làm chất đốt, chưa kể giá bắp khá ổn định và không lo đầu ra.

Cây bắp chuyển gen thừa kế những ưu thế của cây bắp thường và bổ sung thêm lợi thế từ công nghệ sinh học, ví dụ như giống NK 66 Bt/GT có thể kháng sâu đục thân và chống chịu thuốc trừ cỏ gốc glyphosate. Do đó, bắp chuyển gen có khả năng sinh trưởng tốt, bảo vệ năng suất tiềm năng của cây và mang lại lợi ích kinh tế cao.

Cty Syngenta Việt Nam, đơn vị đầu tiên được phép thương mại hóa bắp chuyển gen tại Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các chính quyền địa phương để chuyển giao công nghệ và phổ biến rộng rãi hơn nữa nhằm giúp người nông dân nâng cao năng suất và cải thiện kinh tế.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm