Các nhà thầu quốc phòng Mỹ từng chứng kiến nhiều vụ tấn công mạng. (Ảnh minh họa: Getty) |
Hãng tin Wall Street Journal ngày 14/12 cho biết, Tư lệnh Hải quân Mỹ Richard Spencer đã yêu cầu rà soát lại các mối đe dọa tấn công mạng. Chỉ thị được đưa ra sau khi có thông tin nói rằng, Hải quân Mỹ đã bị đánh cắp dữ liệu mật liên quan đến các tên lửa chống hạm siêu thanh dùng trang bị cho các tàu ngầm. Các dữ liệu này bị đánh cắp hồi tháng 6 năm nay sau một cuộc tấn công mạng nhằm vào một nhà thầu làm việc cho Trung tâm nghiên cứu chiến tranh dưới nước của Hải quân Mỹ ở đảo Rhode.
Hồi tháng 1 và tháng 2, các tin tặc cũng đánh cắp khoảng 64 GB dữ liệu mật lưu trữ trong hệ thống máy tính của nhà thầu này.
Chính phủ Mỹ tuy không chỉ đích danh các vụ việc này liên quan đến Trung Quốc song có thông tin nói rằng một số phần mềm độc hại tấn công các hệ thống máy tính của nhà thầu Hải quân Mỹ được điều khiển bởi một máy tính đặt tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Các tin tặc cũng sử dụng các công cụ tấn công mà trước kia các nhóm tin tặc có liên hệ với Trung Quốc từng sử dụng.
Trong khi đó, các chuyên gia an ninh mạng cho rằng, các vụ tấn công nhằm vào Hải quân Mỹ liên quan đến một nhóm tin tặc Trung Quốc có tên Temp.Periscope hay Leviathan.
Tin tặc thường tấn công vào các nhà thầu hoặc nhà cung cấp thay vì tấn công trực tiếp vào các đơn vị quân sự chủ chốt bởi hệ thống phòng thủ an ninh mạng của các nhà thầu thường yếu hơn.
Lockheed Martin, một trong những nhà thầu quốc phòng lớn nhất thế giới, cho biết năm 2011 hệ thống máy tính của họ đã bị tin tặc tấn công. Vụ tấn công buộc họ phải thay 45.000 thẻ an ninh.