Máy bay J-10 của Trung Quốc (Ảnh: Wikipedia) |
Theo báo cáo mang tựa đề "Sức mạnh Quân sự Trung Quốc" do Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ công bố ngày 15/1, Trung Quốc đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể về quân sự trong những năm gần đây, một phần nhờ các quy định trong luật pháp của nước này buộc các đối tác nước ngoài phải chia sẻ các bí mật công nghệ để đổi lấy việc tiếp cận thị trường rộng lớn tại Trung Quốc.
Trong bài viết giới thiệu đính kèm báo cáo, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, Trung tướng Robert Ashley, cho biết Trung Quốc đã sử dụng nhiều phương thức khác nhau để đạt được công nghệ tiên tiến nhằm tăng cường năng lực quân sự của mình, mặc dù một số quốc gia đã tìm cách hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ của Trung Quốc do lo ngại về các chính sách nhân quyền của Bắc Kinh.
"Trung Quốc đã dùng tiền và nỗ lực để có thể đạt được công nghệ bằng mọi cách có thể. Luật pháp nội bộ (Trung Quốc) buộc các đối tác nước ngoài của các tổ chức liên doanh đặt trụ sở tại Trung Quốc phải tiết lộ công nghệ của họ để đổi lấy việc tiếp cận thị trường màu mỡ của Trung Quốc, đồng thời Trung Quốc cũng sử dụng các phương thức khác để đảm bảo tiếp cận được các công nghệ và chuyên môn cần thiết", tướng Ashley cho biết thêm.
Báo cáo thừa nhận rằng Trung Quốc chi cho quốc phòng ít hơn nhiều so với khoản đầu tư 700 tỷ USD của Mỹ trong năm 2018. Tuy nhiên, Bắc Kinh có lợi thế do không phải đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới tốn kém như Mỹ.
"Thay vào đó, Trung Quốc thường áp dụng các nền tảng tốt nhất và hiệu quả nhất của quân đội nước ngoài thông qua việc mua trực tiếp, trang bị thêm hoặc đánh cắp tài sản trí tuệ. Bằng những cách như vậy, Trung Quốc có thể tập trung vào việc nâng cấp hiện đại hóa quân đội mà chỉ mất một phần chỉ phí rất nhỏ ban đầu", báo cáo của Mỹ cho biết.
Theo tướng Ashley, Trung Quốc đang tiến rất gần tới việc sở hữu những hệ thống vũ khí hiện đại nhất thế giới. Thậm chí trong một số lĩnh vực, Bắc Kinh đã vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới.
Theo báo cáo của Mỹ, "Trung Quốc đã xây dựng và đạt được nhiều nền tảng tiên tiến", bao gồm các tàu ngầm, tàu tác chiến, tàu tuần tra tên lửa, máy bay tấn công và các hệ thống đặt trên mặt đất có khả năng phóng các tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm, một hệ thống được thiết kế đặc biệt để tấn công tàu sân bay của đối phương.
"Ban lãnh đạo Trung Quốc hy vọng việc sở hữu các năng lực quân sự như vậy sẽ ngăn chặn các phong trào ủng hộ độc lập của Đài Loan, thậm chí trong trường hợp không thể ngăn chặn, cũng sẽ cho phép mở ra nhiều phương án quân sự đối với Đài Loan cũng như đối với hành động can thiệp quân sự từ bên thứ 3", báo cáo của Mỹ nêu rõ.
Theo một quan chức quốc phòng cấp cao, Mỹ lo ngại năng lực ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ dẫn tới việc các chỉ huy quân sự của nước này sẽ cố vấn cho các nhà lãnh đạo rằng, Bắc Kinh đủ tự tin để giành chiến thắng trong một chiến dịch quân sự nhằm vào Đài Loan.
"Mối lo ngại lớn nhất là khi các lãnh đạo quân sự Trung Quốc nói với ông Tập Cận Bình rằng họ tự tin về năng lực của mình", quan chức quốc phòng cho biết.
Kế hoạch thống nhất Đài Loan
Báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ cho biết trong vài năm qua, Trung Quốc đã tiến hành một loạt cải cách quân sự đầy tham vọng và đạt được những công nghệ mới nhằm cải thiện năng lực của nước này trong những cuộc xung đột khu vực, bao gồm Đài Loan.
"Mối quan tâm lâu dài của Bắc Kinh, bao gồm việc thúc đẩy thống nhất Đài Loan với đại lục và ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của Đài Loan trong việc tuyên bố độc lập, đã trở thành động lực chính cho quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc", báo cáo nêu rõ.
Theo báo cáo trên, "dự đoán của Bắc Kinh về việc các lực lượng nước ngoài sẽ can thiệp vào một kịch bản Đài Loan đã khiến (quân đội Trung Quốc) phát triển một loạt hệ thống nhằm ngăn chặn và loại bỏ khả năng các lực lượng nước ngoài trong khu vực sẽ can dự".
Báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ chỉ ra rằng phần lớn kho tên lửa của Trung Quốc có khả năng tấn công Đài Loan. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng phát triển các hệ thống vũ khí mới như máy bay ném bom H-6 được trang bị tên lửa hành trình CJ-20 có khả năng tấn công các khu vực tầm xa như các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam.
Báo cáo ước tính số tiền Trung Quốc chi cho lực lượng vũ trang của nước này "có thể vượt quá 200 tỷ USD" trong năm 2018, "tăng gấp 3 lần kể từ năm 2002". Cũng theo báo cáo, sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc đồng nghĩa với việc nước này đã nâng cao năng lực cả trên không, trên biển, trong không gian vũ trụ, an ninh mạng, từ đó "cho phép Trung Quốc áp đặt ý chí của mình trong khu vực".
Một quan chức quốc phòng tiết lộ Trung Quốc vẫn giữ nhiều bí mật về chương trình phát triển quân sự của nước này bằng cách tiến hành các hoạt động nghiên cứu bên trong các tổ hợp ngầm nhằm tránh "mắt" theo dõi của các vệ tinh.