NNVN đang thực hiện loạt bài “Tinh giản bộ máy hành chính” phản ánh một số kết quả bước đầu ở một vài địa phương thí điểm việc tinh giản bộ máy, biên chế. Sơ bộ ở nơi thí điểm cho thấy, việc tinh giản có khả thi. Tuy nhiên nhìn một cách toàn cục thì còn nhiều vấn đề.
Đó cũng là ý kiến của ông Phạm Văn Cường (ảnh) – Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, trao đổi với PV bên lề kỳ họp Quốc hội.
Thưa ông, việc tinh giản cán bộ, biên chế thì nên giảm ai và giảm ở bộ phận nào?
Điều này hóc búa lắm đây. Có lẽ cũng chẳng riêng gì tôi phải không anh? Chúng ta đã có nhiều báo cáo, đánh giá và thực tế bao năm qua việc tinh giản bộ máy, biên chế rõ ràng chưa thực sự làm được.
Quốc hội kỳ này cũng đã nêu, đến giờ phút này thì chưa địa phương hay bộ, ngành nào phê chuẩn đề án, vị trí việc làm. Bởi trên cơ sở vị trí việc làm thì chúng ta mới xác định được là giảm ở đâu, giảm ở cơ quan nào? Thông qua đó, may ra mới tiết giảm được ngân sách.
Có một thực tế, theo ngành dọc thì cứ trên có ban, ngành nào, ở dưới cũng sẽ có như thế. Phải chăng đây là lý do bộ máy của chúng ta phình ra mà túi ngân sách teo lại?
Cùng với việc triển khai đề án giảm biên chế thì Quốc hội kỳ này cũng đang xây dựng dự án Luật chính quyền địa phương. Qua đó thiết lập nền hành chính bao gồm mấy cấp và cần có những ban bệ nào.
Rồi mỗi bộ phận sẽ cần bao nhiêu con người, chế độ chính sách của từng vị trí sẽ ra sao cũng được quy định. Điều này phải có lộ trình. Dự kiến 2015 Luật này được thông qua và 2016 có thể thực hiện được.
Vậy thì lúc này cần làm gì để có nguồn thu cho tăng lương, thưa ông?
Tại kỳ họp này, Chính phủ có trình Quốc hội lộ trình tăng lương. Song bối cảnh kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn nên điều này lại không bàn tới được.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã tham mưu để Chính phủ có những cơ chế tạo điều kiện cho các địa phương những phần vượt thu được trích lại theo nguyên tắc điều tiết 50% để tăng cho đầu tư phát triển trong năm 2015. Đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Ông nghĩ như thế nào khi mà lương thấp nhưng người ta vẫn đứng xếp hàng dài, chờ rất lâu để nộp được hồ sơ dự thi tuyển công chức vào các cơ quan Nhà nước?
Do ở mình còn ít việc làm, trong khi lao động thì nhiều. Hằng năm chúng ta có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường. Đây là điều mà tôi cho rằng rất nan giải.
Chúng ta vẫn chưa giải quyết được bất cập trong mối quan hệ giữa đào tạo, định hướng nghề với nhu cầu sử dụng lao động. Hay trong công tác tuyển dụng lao động nó cũng đã bộc lộ những bất cập chưa khắc phục được.
Tại tỉnh Lào Cai những năm gần đây có thực hiện tốt việc tinh giản biên chế không, thưa ông?
Hằng năm Lào Cai bố trí và sử dụng cán bộ, công chức theo chỉ tiêu giao của Chính phủ. Biên chế hành chính Nhà nước hầu như không tăng nhưng cũng chẳng giảm được.
Do đặc thù của tỉnh miền núi, nhiều vùng xa nên các lĩnh vực giáo dục và y tế có tăng thêm biên chế. Nhất là đội ngũ giáo viên mầm non và đội ngũ y tế.
Xin nói thật lòng một điều để các bạn chia sẻ là mặc dù có chỉ tiêu đấy nhưng vẫn không tuyển dụng được. Cho nên tình trạng nơi thừa thãi, chỗ thiếu hụt vẫn còn xảy ra.
Vấn đề không tuyển được ngoài chính sách ưu đãi ra còn nguyên nhân chính là địa bàn xa xôi, các điều kiện sống chưa thực sự đáp ứng tốt cho họ làm việc.
Thưa ông, thực tế có những vị trí nhìn vào là biết thừa vì có cũng được, mà không có cũng được nhưng không thể tinh giản vì đó là con, cháu của quan chức hay vì mối quan hệ nào đó?
Có chuyện đó và không của riêng một ngành, địa phương nào cả.
Ở Lào Cai điều này không lớn lắm. Xuất phát điểm của Lào Cai cũng thấp, cán bộ cũng có rất nhiều người từ các địa phương khác lớn lên, lập nghiệp ở đây.
Mặt khác, tỉnh có các chính sách thu hút người tài vào làm việc. Một lực lượng khác là con em đồng bào dân tộc theo chính sách cử tuyển nên sau khi học xong sẽ được bố trí tại các vị trí, địa bàn mà trước đó xác định sẽ cần thiết.
Cảm ơn ông!