| Hotline: 0983.970.780

Tinh giản bộ máy hành chính: Quảng Ninh tiên phong

Khó, vẫn quyết tâm làm

Thứ Tư 29/10/2014 , 10:00 (GMT+7)

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính, cho rằng, với cơ chế hiện nay, càng nhiều biên chế thì càng có nhiều tiền. Vì thế, không ai dại gì xin giảm biên chế. / Mô hình “2 trong 4”

Đây chính là nghịch lý, cũng là bài toán mà Quảng Ninh đang tìm lời giải đúng.

dsc-2767135729962Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính kiểm tra công tác tinh giản biên chế tại huyện Tiên Yên

Giảm biên chế ở phường gần 500 cán bộ

Phường Hồng Hải của TP Hạ Long (Quảng Ninh), tính đến hết năm 2013 có tới 482 người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách. Phường này cũng là địa phương xếp nhất nhì về số lượng “cán bộ” của tỉnh Quảng Ninh.

Theo lý giải của ông Trần Quốc Hùng, Chủ tịch UBND phường Hồng Hải, việc số lượng người được hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách của phường lớn như vậy là do thời gian gần đây sinh ra quá nhiều khu phố, tổ dân phố do sự nhập vào, chia tách ra. Ngoài ra còn do hướng dẫn của Sở Tài chính về việc chia phụ cấp cho một số chức danh tại khu phố…

Để tinh giản biên chế với số lượng lớn và nhu cầu công việc của phường như vậy không phải là việc làm đơn giản. Tuy nhiên, trước yêu cầu của tỉnh và TP, trong năm 2014, phường đặt ra quyết tâm sẽ thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế trên tinh thần tinh gọn, hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với thực tiễn của từng cơ sở.

Trước mắt, phường thực hiện xây dựng Đề án tinh giản biên chế trên cơ sở xác định được chức danh, vị trí việc làm cụ thể cho từng công việc. Cơ cấu lại cán bộ không chuyên trách tại các khu phố, tổ dân cư. Trong đề án cũng sẽ có phương án giảm số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước, tăng cường xã hội hóa trong công tác quản lý.

Với các biện pháp đề ra, dự kiến phường Hồng Hải sẽ giảm được trên 240 người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước với số tiền trên 500 triệu đồng/năm; giảm từ 18 xuống còn 15 khu phố và bộ máy cán bộ của khu phố từ trung bình 8 người/khu phố như hiện nay sẽ giảm xuống còn 6 người.

Đối với cơ quan phường sẽ thực hiện mô hình kiêm nhiệm các chức danh, như công chức tư pháp - hộ tịch sẽ kiêm chủ tịch hội chữ thập đỏ; công chức LĐ-TB&XH kiêm phó chủ tịch MTTQ...

Đối với khu phố sẽ thực hiện khu trưởng kiêm khu đội trưởng; chi hội trưởng phụ nữ kiêm cộng tác viên xã hội; bí thư chi bộ kiêm khu trưởng hoặc bí thư kiêm trưởng ban công tác mặt trận, áp dụng tùy theo điều kiện thực tế của từng khu phố.

Cũng theo ông Hùng, mỗi năm ngân sách TP Hạ Long chi duyệt khoảng 2,5 tỷ đồng để trả lương, phụ cấp cho cán bộ. Trước đây mỗi phường được duyệt 22 triệu đồng để trả phụ cấp cho cán bộ, nhưng hiện tại mỗi phường chỉ được duyệt 10 triệu đồng trong một năm.

Phường Hồng Hải là một trong nhiều phường, xã của TP Hạ Long tiến hành tinh giản bộ máy hành chính theo Đề án 25 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh. Để xây dựng lộ trình tinh giản biên chế, TP Hạ Long, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đã chủ động đề xuất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Trên cơ sở rà soát và phân tích thực trạng, TP Hạ Long đề xuất điều chỉnh giảm 14 đầu mối đơn vị sự nghiệp và sẽ có 1.110 người áp dụng thực hiện các chính sách và không hưởng lương từ ngân sách nhà nước sau khi sắp xếp. Dự kiến, kinh phí tiết kiệm khi thực hiện Đề án là trên 20 tỷ đồng.    

dsc-2716135728856
Giảm cán bộ tại phường Hồng Hải tạo điều kiện giải quyết tốt hơn thủ tục hành chính cho nhân dân

Triển khai từ thành phố tới hải đảo

Không thực hiện thí điểm theo từng ngành, từng địa phương, tỉnh Quảng Ninh mạnh dạn tiến hành tinh giản biên chế một cách đồng loạt, đại trà tại tất cả các huyện, TX, TP và sở, ban, ngành trong tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính, cho rằng, với cơ chế hiện nay, càng nhiều biên chế thì càng có nhiều tiền, vì thế chả ai dại gì không tăng biên chế. Tại Quảng Ninh, cũng có rất nhiều bất cập, nhất là trong ngành giáo dục và y tế.

“Y tế học đường, tháng chỉ phát mấy viên thuốc cho học sinh mà cũng cần vài nhân sự. Một người đánh trống trường mỗi tháng cũng lĩnh vài triệu. Một xã có hơn 200 hộ mà có tới hơn 100 người ăn lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước.

Quy định, mỗi cấp xã đều có trạm y tế, nhưng rất nhiều phường ở gần các bệnh viện lớn nên theo tôi không cần có trạm y tế; trong khi ở không ít trạm y tế, trang thiết bị y tế tiền tỷ bỏ không vì không ai biết sử dụng. Đây chính là lãng phí và cần phải loại bỏ những cái này để giảm gánh nặng cho ngân sách”, người đứng đầu Tỉnh ủy Quảng Ninh nói.

Cũng theo ông Chính, “đây là những điều phi lý và Quảng Ninh đang làm thí điểm cho cả nước, nhằm tinh giản biên chế sao cho bộ máy hoạt động hiệu quả và tiết kiệm hơn”.

Để làm được điều này, cả hệ thống chính trị được huy động để vào cuộc. Ngay như huyện đảo Cô Tô, một địa phương thuộc khu vực hải đảo, cũng hăng hái thực hiện Đề án như nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương.

Ông Nguyễn Đức Thành, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện Cô Tô sẽ giảm 3 đầu mối các phòng ban cấp huyện, trong đó hợp nhất Ban Tổ chức Huyện ủy và Phòng Nội vụ; hợp nhất UB Kiểm tra Huyện ủy và Thanh tra huyện; hợp nhất Văn phòng Huyện ủy với Văn phòng HĐND và UBND huyện.

Chỉ sau 8 tháng triển khai thực hiện tinh giản bộ máy hành chính theo Đề án 25, các địa phương, sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng xong và từng bước hiện thực hóa đề án.
Thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2014 này, Quảng Ninh sẽ tinh giản được hơn 2.000 người hưởng lương từ ngân sách, tiết kiệm gần 200 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều đầu mối hành chính công được thu gọn, giảm bớt thủ tục hành chính cho nhân dân.

Đối với các đơn vị sự nghiệp, tiến hành giải thể, sáp nhập một số đơn vị như: giải thể Đội kiểm tra xây dựng và trật tự đô thị, giao chức năng kiểm tra xây dựng và trật tự đô thị về Phòng Tài nguyên – Môi trường và Nông nghiệp; sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGĐ với Phòng Y tế huyện; sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị với Ban Tuyên giáo Huyện ủy; sáp nhập Trung tâm phát triển quỹ đất với Ban Quản lý dự án huyện…

Sau khi đề án được thực hiện, số lượng cán bộ công chức cấp huyện giảm 10%, giảm 50% cán bộ không chuyên trách cấp xã, 20% cán bộ công chức cấp xã, 13,6% viên chức ngành giáo dục. Kinh phí tiết kiệm được gần 10 tỷ đồng.

Ở huyện Hoành Bồ, ngoài việc sáp nhập một số phòng, ban như các huyện, TP, TX trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo huyện quyết định tiếp tục thực hiện chủ trương Thường trực cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND cùng cấp; đẩy mạnh thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện. Dự kiến đến hết năm 2015, Hoành Bồ sẽ tinh giản được ít nhất 175 biên chế.

Ông Phạm Minh Chính cho rằng, để triển khai có hiệu quả đề án trên địa bàn toàn tỉnh là việc khó, nhưng “khó đến đâu cũng phải thực hiện bằng được”.

“Với đề án của từng địa phương, chúng tôi yêu cầu các địa phương phải xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế, đặc thù của từng địa phương. Bên cạnh đó, phải so sánh với một số chỉ tiêu, tình hình thực tế chung để có cách thức điều chỉnh, sắp xếp lại phù hợp, trong đó tập trung vào ngành y tế và giáo dục; đồng thời xây dựng lộ trình tự chủ kinh phí hoạt động của các đơn vị sự nghiệp”, ông Chính nói.

Ngoài ra, theo ông Chính, tỉnh Quảng Ninh sẽ triển khai công tác chuẩn bị cho việc bầu cử trực tiếp Bí thư tại Đại hội; nhất thể hóa một số chức danh của khối Đảng và chính quyền. Trong quá trình thực hiện phải lấy đội ngũ cán bộ, công chức, nguồn nhân lực làm trung tâm; tinh giản phải đi đôi với việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ.

Qua đó, đạt được mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền.

Xem thêm
Lễ đón trọng thể Chủ tịch nước Lương Cường thăm chính thức Cộng hòa Peru

Chuyến thăm chính thức Peru của Chủ tịch nước Lương Cường là dấu mốc quan trọng, phản ánh sự phát triển tích cực của mối quan hệ song phương.

Cây bưởi góp phần xây dựng nông thôn mới ở Thượng Mỗ

Cách đây 30 năm một số nông dân xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội đã tiên phong trong việc mang giống bưởi Diễn về trồng thử ở quê mình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.