Vườn ngon, chấm xong không có hàng mà bán
Hội thi bưởi có nhiều vòng, chấm vườn xong tổ chức sơ khảo vào giữa tháng 12 với các màn thi màn chào hỏi, kiến thức, giới thiệu nhãn hiệu. Sau đó, tại vòng chung khảo, ngoài công bố kết quả còn có lễ hội nông sản để kích cầu tất cả nhãn hiệu nông sản, sản phẩm OCOP của Hà Nội cũng như các tỉnh thành.
“Hội thi bưởi là nơi để cho nông dân trồng bưởi gặp gỡ, tọa đàm với nhau, cũng như được các nhà khoa học tập huấn để hiểu rõ hơn về kỹ thuật trồng và chăm sóc. Bên cạnh đó là quảng bá sản phẩm. Khi chấm một vườn bưởi ngon, chúng tôi sẽ đưa các đoàn doanh nghiệp và người tiêu dùng đến để kết nối, tiêu thụ ngay tại chỗ. Mấy năm nay bưởi có xu hướng bị giảm giá thì qua hội thi bưởi, không những thành phố giúp nâng cao về mặt kỹ thuật cho bà con mà vườn nào ngon sẽ giúp bán được giá hơn.
Đây cũng là dịp chúng tôi tổ chức các đoàn nông dân đến thăm những hộ làm vườn giỏi, học cách sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, cách làm thương hiệu, sản xuất theo chuỗi giá trị và bán hàng online. Bên cạnh đó chúng tôi cũng tổ chức 6 cửa hàng để quảng bá các sản phẩm bưởi của Thủ đô”, bà Hòa thông tin.
Theo GS.TS Vũ Mạnh Hải- chuyên gia về cây ăn quả, Hà Nội rất có tiềm năng trong phát triển nông nghiệp nói chung và cây ăn quả nói riêng. Một trong những cây ăn quả đặc sắc nhất của Hà Nội chính là bưởi. “Việt Nam có rất nhiều giống bưởi nổi tiếng như bưởi năm roi (Vĩnh Long), bưởi da xanh (Bến Tre), bưởi Tân Triều (Đồng Nai), bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh)…, còn Hà Nội có bưởi Diễn. Hà Nội, cụ thể là vùng sông Đáy được coi là một trong những cái gốc phát tích ra các giống bưởi rất đa dạng.
Cuộc thi lần này khẳng định Hà Nội là vùng có thế mạnh về bưởi. Thành phố và Sở NN- PTNT sau khi quảng bá sản phẩm phải làm sao nâng cao kỹ thuật và gắn chặt giữa sản xuất và kinh doanh. Thực tế trong những năm gần đây, giá bưởi bị giảm nhưng có nhiều vườn ở Hà Nội vẫn bán được giá tốt, thậm chí thương lái đặt hàng hết ngay từ chưa thu hoạch bởi chất lượng tốt”.
Theo thống kê năm 2022 diện tích bưởi của Hà Nội là 7.500 ha, năng suất bình quân 185 tạ/ha, sản lượng 100.000 tấn, giá trị đạt 1.998 tỷ đồng/năm. Thành phố có 12 giống bưởi các loại (bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi đường La Tinh, bưởi Quế Dương, bưởi Thồ, bưởi chua đầu tôm…) kéo dài thời vụ thu hoạch quả từ tháng 8 năm trước đến tháng 1 năm sau. Định hướng rải vụ cho cây bưởi không chỉ có từ bây giờ mà đã được Hà Nội hiện thực hóa từ năm 2010 đến nay một cách kiên trì và bền bỉ.
Ngày 30/11/2021, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 5343 về phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi phương thức sản xuất từ tự túc sang hàng hóa, hướng tới xuất khẩu.
Kết quả giai đoạn 2021-2023, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp đã tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân tham gia trồng mới 42,4 ha với 181 hộ tham gia và hỗ trợ chăm sóc 127,4 ha năm thứ hai với 215 hộ tham gia, gồm các giống bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Tam Vân, bưởi thồ.
Bước đầu đánh giá thấy cây sinh trưởng tốt, là tiền đề để phát triển trong cả giai đoạn kiến thiết cơ bản và kinh doanh sau này.
Trung tâm đã phối hợp với Viện Cây ăn quả để làm thực nghiệm nâng cao năng suất, bảo quản bưởi, trên cơ sở đó tham mưu Sở NN-PTNT ban hành 3 quy trình kỹ thuật. Tổ chức thâm canh bưởi hữu cơ quy mô 8 ha; hỗ trợ ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP quy mô 45 ha; hỗ trợ ứng dụng tiêu chuẩn GlobalGAP với quy mô 7,5 ha.
Hình thành các chuỗi liên kết
Không chỉ hỗ trợ để nâng cao kỹ thuật sản xuất, với mục tiêu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, Trung tâm đã tuyên truyền và đến nay đã hình thành được 7 chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ có hiệu quả. Năm 2022, Trung tâm đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hoá xây dựng 1 chỉ dẫn địa lý bưởi đường La Tinh của huyện Hoài Đức và đã được Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 6689 chấp nhận đơn hợp lệ; tổ chức xây dựng được 3 nhãn hiệu cho xã Vân Hà - Phúc Thọ, Bạch Hạ - Phú Xuyên và bưởi chua đầu tôm Quốc Oai. Tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã, huyện, trên báo, đài và website, qua đó giúp người tiêu dùng thủ đô và các tỉnh bạn kết nối để tiêu thụ sản phẩm.
Cũng trong giai đoạn 2021-2023, đơn vị đã tổ chức đào tạo cho 200 chủ trang trại, nông dân tiêu biểu và tập huấn cho 1.950 nông dân sản xuất bưởi tại các huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Hoài Đức, Phú Xuyên, Mê Linh, Thường Tín, Mỹ Đức, Thạch Thất, Sóc Sơn... về kiến thức kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản, thu hoạch, sản xuất bưởi an toàn, VietGAP, hữu cơ và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Đến nay đã cơ bản đã tổ chức tập huấn được cho 70% nông dân trong vùng trồng bưởi.
Với mục tiêu để tạo quản lý vùng trồng và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, Trung tâm đã tổ chức hỗ trợ cấp được 3 mã vùng trồng bưởi bằng hệ thống/ tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu với quy mô 36,32 ha tại 3 điểm: HTX NN hữu cơ xã Nam Phương Tiến - huyện Chương Mỹ: 1 mã vùng, quy mô 10 ha (9 hộ); HTX NN xã Yên Sở - huyện Hoài Đức: 1 mã vùng, quy mô 13,04 ha (224 hộ); HTX bưởi Quế Dương xã Cát Quế - huyện Hoài Đức: 1 mã vùng, quy mô 13,28 ha (101 hộ). Trên cơ sở đó, Trung tâm đã tuyên truyền, vận động chính quyền địa phương và nông dân vùng trồng bưởi tiếp tục phát triển, đến nay đã có 14 vùng trồng được cấp mã.
Đến nay diện tích bưởi của Hà Nội đã đạt được 7.600ha tăng hơn so với năm 2020 là 10,6 %, và rải vụ thu hoạch với 10 loại bưởi như bưởi thồ, bưởi Diễn, bưởi chua đầu tôm, bưởi Tam Vân, bưởi Đường Cát Quế, bưởi La Tinh, bưởi đỏ Tráng Việt, bưởi Tháng Mười, bưởi đỏ bánh men, bưởi đường Hiệp Thuận, góp phần đẩy mạnh hình thành nên 114 vùng trồng bưởi. số.
Với mục tiêu cung cấp mắt ghép, giống chuẩn và bảo tồn giống đặc sản địa phương, Hà Nội đã xây dựng được 5 vườn cây đầu dòng (bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi Tháng Mười, bưởi đỏ Tân Lạc) và 112 cây đầu dòng của 11 giống bưởi. Đồng thời công nhận đặc cách 4 giống bưởi gồm bưởi đường La Tinh, bưởi đường Quế Dương, bưởi thồ, bưởi đỏ bánh men...
Qua quá trình đào tạo, tập huấn, xây dựng quy trình hữu cơ, VietGAP, làm mô hình đã đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất bưởi như cắt tỉa, tạo tán, thụ phấn bổ sung, sử dụng túi bảo quả, tưới tiết kiệm, bảo quản bưởi đã góp phần nâng cao năng suất bưởi (năm 2023 đạt: 170 tạ/ha tăng 12,9% so với năm 2020 là 150,5 tạ/ha); sản lượng năm 2023 đạt 110.000 tấn, tăng hơn so với năm 2020 (92.950 tấn) là 10,7%. Giá trị sản xuất năm 2023 ước đạt 2.176 tỷ đồng tăng 279 tỷ đồng so với năm 2020 (đạt 1.897 tỷ đồng).