Rà soát nội dung liên quan
Ngày 13/5/2020, Báo Nông nghiệp Việt Nam có đăng bài "Ô nhiễm từ mỏ đồng lớn nhất Đông Nam Á" phản ánh việc khai thác tại mỏ đồng Sin Quyền - mỏ đồng lớn nhất Đông Nam Á - gây ảnh hưởng tới những hộ dân ở xã Cốc Mỳ (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai).
Cụ thể, đã nhiều năm nay, cuộc sống của những hộ dân ở thôn Minh Tân (xã Cốc Mỳ) sống gần khai trường của Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền bị đảo lộn do mỏ này nổ mìn khai thác và bụi bẩn…
Sau khi xem xét nội dung bài báo, Thường trực UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các sở: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải - Xây dựng, Công thương, UBND huyện Bát Xát, Tổng Công ty Khoáng sản - TKV, Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền rà soát, triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai tại văn bản số 1940/UBND-TNMT ngày 8/5/2019 về việc di chuyển dân cư chịu ảnh hưởng tác động môi trường; rò rỉ nước từ hồ, sự an toàn đập các dự án của Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền - Vimico và văn bản số 4447/UBND-NLN ngày 25/9/2019 về việc khó khăn trong thực hiện di chuyển các hộ dân trong vùng có nguy cơ ô nhiễm môi trường các dự án của Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền.
Thường trực UBND tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổng hợp kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại các văn bản nêu trên, báo cáo UBND tỉnh, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 5/6/2020.
Thường trực UBND tỉnh Lào Cai giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp UBND huyện Bát Xát và các đơn vị liên quan rà soát, làm rõ những nội dung bài báo đã nêu; đôn đốc Tổng Công ty Khoáng sản - TKV, Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại các văn bản nêu trên.
Từ đó, có văn bản phản hồi cung cấp thông tin làm rõ nội dung báo chí nêu để thông tin đầy đủ, khách quan, chân thực về vấn đề này tới độc giả. Thời gian yêu cầu thực hiện và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/6/2020.
Việc sản xuất của Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền tạo thêm công ăn việc làm cho bà con, phát triển kinh tế địa phương nhưng mong muốn của những người dân ở thôn Minh Tân (xã Cốc Mỳ) sống gần khu mỏ này là phải đảm bảo môi trường và ổn định cuộc sống của họ.
Cơ sở để giải quyết phản ánh của người dân
Liên quan vấn đề trên, ông Đinh Tiến - Giám đốc Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền – cho biết, phản ánh của người dân liên quan đến môi trường đã có tương đối lâu.
Từ những phản ánh đó, từ năm 2017 phía Tổng Công ty khoáng sản - TKV cũng như chi nhánh đã có nhiều cuộc làm việc với người dân và các cơ quan liên quan, đồng thời phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai mời các đơn vị tư vấn như: Viện Công nghệ môi trường (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện quan trắc và lấy mẫu môi trường; Viện vật lý địa cầu thực hiện quan trắc đánh giá rung chấn động do nổ mìn.
Theo báo cáo số 37/BC-STNMT ngày 08/02/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai cho thấy kết quả các chỉ tiêu quan trắc, đánh giá đều nằm trong giới hạn cho phép.
Và để đảm bảo quyền lợi cho người dân, việc này đã được thực hiện trong một quá trình.
“Cho đến thời điểm hiện nay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai, Tổng công ty và Chi nhánh tiếp tục mời đơn vị tư vấn độc lập đánh giá môi trường một lần nữa, dự kiến cuối tháng 5/2020 sẽ có báo cáo đánh giá tổng thể môi trường khu mỏ. Qua đó, có cơ sở khách quan để giải quyết các nội dung phản ánh của người dân” – ông Tiến cho hay.
Bên cạnh những phản ánh trực tiếp của người dân tới mỏ, các ý kiến ý phản ánh của người dân khi gửi đến chính quyền địa phương, thì các cơ quan chức năng cũng đều làm việc với chủ đầu tư, Chi nhánh để đánh giá, giải quyết kịp thời.
Hiện nay, tại thôn Minh Trang (xã Cốc Mỳ), phía Chi nhánh đã chi trả kinh phí đền bù, tái định cư cho người dân tới nơi ở mới tại khu vực xã Bản Vược (huyện Bát Xát, Lào Cai).
Tuy nhiên, các hộ dân chưa chuyển đến nơi ở mới với lý do nơi ở mới cách nơi ở cũ khoảng 3-5km, nên hằng ngày người dân vẫn phải quay lại nơi ở cũ canh tác trên phần đất nông nghiệp.
Vì vậy, những hộ dân này mong muốn được đền bù hết 13,9ha đất nông nghiệp còn lại để việc canh tác, sinh sống của họ thuận lợi hơn.
Còn tại thôn Minh Tân, báo cáo đánh giá tổng thể môi trường khu mỏ sẽ là căn cứ khách quan, là cơ sở để Chi nhánh giải quyết phản ánh của người dân.