Huyện Cam Lâm đã đình chỉ cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường. |
Theo văn bản UBND huyện Cam Lâm, sở dĩ đình chỉ hoạt động cơ sở tái chế nhựa phế liệu do ông Phạm Văn Duy làm chủ, vì vị trí cơ sở tái chế nhựa không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của huyện Cam Lâm giai đoạn 2010 - 2020 và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 với mục đích sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, chủ cơ sở này không có hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, cơ sở cũng không có hệ thống xử lý nước thải sản xuất theo quy định của pháp luật, mà xả thải trực tiếp ra môi trường. Chất rắn chưa được thu gom, lưu giữ và xử lý theo quy định.
UBND huyện giao phòng Tài chính - Kế hoạch thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cấp ngày 5/6/2019 cho ông Phạm Văn Duy. Đồng thời đề nghị huyện Điện lực Diên Khánh – Khánh Vĩnh chấm dứt việc cung cấp điện cho cơ sở tái chế nhựa này, để đảm bảo chủ cơ sở chấp hành việc đình chỉ sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Cát, cho biết, sau khi đình chỉ chủ cơ sở đã chấp hành thực hiện việc tháo dỡ.
Trước đó người dân khổ sở khi cơ sở này hoạt động làm khói bốc ra khiến họ hít phải làm đau đầu nhức óc. |
Trước đó, ngày 7/8/2019, Báo NNVN có bài viết ”Sống dở chết dở bên cơ sở tái chế nhựa” phản ánh bức xúc của người dân ở cầu Suối Đá, thôn Khánh Thành Bắc, xã Suối Cát rằng: từ giữa năm 2018, cơ sở tái chế nhựa đã qua sử dụng để sản xuất bột nhựa bắt đầu hoạt động trên địa bàn cũng là lúc người dân ở đây “sống dở chết dở”. Vì mùi khói từ cơ sở này bốc ra làm họ đau đầu nhức óc, chịu không thấu.
Điều đáng nói, mặc dù địa phương đã vào cuộc nhắc nhở, lập biên bản, xử phạt cơ sở này nhiều lần và yêu cầu ngừng hoạt động vì chưa hoàn tất giấy tờ liên quan cho phép hoạt động, nhưng cơ sở vẫn lén lút hoạt động vào ban đêm, có lúc vào 1- 2 giờ sáng.