| Hotline: 0983.970.780

Tỉnh thứ 2 của ĐBSCL hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm 08/10/2020 , 14:44 (GMT+7)

Hiện Bạc Liêu có 49/49 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đồng thời là tỉnh thứ 2 của ĐBSCL (sau TP Cần Thơ) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trọng Linh.

Tỷ lệ hộ nghèo còn 1%

Vừa qua, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2011 - 2020.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, cho biết: Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến nay, toàn tỉnh Bạc Liêu đã có 49/49 xã đạt chuẩn NTM (vượt 100% chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra), có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 7 xã đang thực hiện quy trình thẩm định công nhận, có 67/67 ấp đạt chuẩn ấp NTM kiểu mẫu.

Trong đó, huyện Phước Long được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM (năm 2017), ngoài ra, có 4 đơn vị cấp huyện đang thực hiện quy trình đề nghị công nhận NTM (thành phố Bạc Liêu, huyện Hồng Dân, huyện Vĩnh Lợi, thị xã Giá Rai) và 02 đơn vị huyện còn lại (huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải) đang từng bước hoàn thành 09 tiêu chí cấp huyện và thực hiện quy trình đề nghị công nhận trong thời gian tới.

Theo ông Ly, trong 2 giai đoạn triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh kết quả đạt được là rất lớn. Có thể nói, nhìn lại chặng đường 10 năm, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã khắc phục những khó khăn, trở ngại.

Trong giai đoạn 10 năm đã đầu tư nâng cấp nhiều tuyến đường ô tô  đến trung tâm xã, đến nay có 49/49 xã có đường ô tô đến trung tâm, hệ thống thủy lợi kênh trục, kênh cấp I và kênh cấp II phục vụ tương đối cho nhu cầu sản xuất và dân sinh đáp ứng khoảng 90 - 95% đối với Tiểu vùng chuyển đổi sản xuất và khoảng 80 - 90%  đối với vùng Nam Quốc lộ 1A và 100% đối với vùng ngọt ổn định.

Đặc biệt, Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2015 - 2020, góp phần đưa tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,8%. Vùng nông thôn, có 152/198 trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở có cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc quốc gia Ngoài ra, có 49/49 trạm y tế xã đều đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất y tế, tỷ lệ hộ nghèo ước đến cuối năm 2020 giảm còn dưới 1%.  

Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy xem sản phẩm OCOP trưng bày tại hội nghị. Ảnh: Trọng Linh.

Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy xem sản phẩm OCOP trưng bày tại hội nghị. Ảnh: Trọng Linh.

Năm 2030 có 100 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu  

Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Trong 5 năm qua mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh Bạc Liêu đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ và đạt được những thành tựu rất quan trọng.

Quan trọng đã hoàn thành toàn bộ 20/20 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ, tăng trưởng đạt mức bình quân trên 7%/năm, thuộc nhóm đầu của ĐBSCL. Trong đó, 5 chỉ tiêu quan trọng đều nằm trong tốp 5 của vùng ĐBSCL gồm: Tốc độ tăng trưởng, GRDP bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư toàn xã hội/quy mô GRDP, sản lượng tôm và Tỷ lệ giảm nghèo.

“Tại hội nghị, cũng đã lắng nghe nhiều ý kiến phát biểu tham luận về các vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của các Sở ngành, địa phương, những khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp. Nhìn chung, phát biểu tham luận của các đơn vị đều có trọng tâm, có liên hệ thực tiễn công việc, qua đó, làm rõ hơn bức tranh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Dương Thành Trung, nhận định. 

Ông Trung cho rằng, kết quả của ngày hôm nay là động lực, là cơ sở để tỉnh Bạc Liêu tiếp tục nổ lức phấn đấu trong giai đoạn khó khăn tiếp theo, chúng ta cần mạnh dạn xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 làm mốc để phấn đấu thực hiện.Theo dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh xác định đến năm 2025 tỉnh Bạc Liêu sẽ đạt chuẩn nông thôn mới. 

“Có 5/7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó, huyện Phước Long và TP Bạc Liêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và có 15/49 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu

Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 -2020, với tổng nguồn vốn huy động là 12.043.003 triệu đồng. Trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: 1.953.447 triệu đồng, vốn lồng ghép từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án khác: 3.170.409 triệu đồng, vốn doanh nghiệp là 1.490.737 triệu đồng, vốn tín dụng là 3.939.891 triệu đồng, vốn dân đóng góp là 1.354.253 triệu đồng và vốn huy động khác là 134.296 triệu đồng. 

Ông Trần Văn Môn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua. Theo ông Môn, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, sự vào cuộc tích cực của tổ chức đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, với nhiều cách làm sáng tạo, chủ động đã đưa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp. Bộ mặt nông thôn từng bước khởi sắc; kết cấu hạ tầng nông thôn được phát triển đồng bộ.

UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã trao tặng 84 bằng khen cho 24 tập thể, 60 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bạc Liêu, trong đó có Văn Phòng đại điện Báo nông nghiệp Việt Nam tại ĐBSCL.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.