| Hotline: 0983.970.780

Tổ chức ngày hội tri ân người trồng cà phê

Thứ Bảy 12/08/2023 , 18:30 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Ngày hội tri ân nhằm tạo sự gắn kết, lan toả giá trị của cây cà phê đến nông dân trồng cà phê trên địa bàn huyện Di Linh (Lâm Đồng).

Ngày 11/8, UBND huyện Di Linh phối hợp với Công ty Cổ phần Intimex Mỹ Phước và Công ty TMT Consulting tổ chức Ngày hội tri ân người trồng cà phê với sự tham gia của đại diện từ các sở, ban ngành, UBND huyện Di Linh, các hộ nông dân đến từ 4 xã trong huyện gồm: Hoà Ninh, Hoà Bắc, Hoà Nam, Hoà Trung và các tổ chức JDE, IDH, Rainforest Alliance, Global Coffee Platform, SNV…

Huyện Di Linh tổ chức Ngày hội tri ân người trồng cà phê. Ảnh: N.N.

Huyện Di Linh tổ chức Ngày hội tri ân người trồng cà phê. Ảnh: N.N.

Ngày hội tri ân người trồng cà phê là chương trình có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh sản xuất cà phê là ngành mũi nhọn của nông nghiệp huyện Di Linh hiện nay. Đây là hoạt động lớn nằm trong khuôn khổ dự án “Tiếp cận cảnh quan trong sản xuất cà phê hướng tới sự bền vững và giảm phát thải khí carbon” được triển khai thực hiện ở địa bàn 4 xã: Hoà Ninh, Hoà Bắc, Hoà Nam, Hoà Trung. Ngày hội cũng tạo sự gắn kết cũng như lan toả giá trị của dự án đến những hộ nông dân trồng cà phê tại 4 xã mục tiêu và hơn 7 nghìn hộ nông dân các vùng lân cận.

Bên cạnh đó, ngày hội cũng giúp nông dân trồng cà phê có thể hiểu sâu hơn về tất cả công đoạn từ sản xuất, quảng bá đến tiêu thụ sản phẩm cà phê chất lượng cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cho ngành hàng cà phê cũng như giúp bà con cải thiện chất lượng cuộc sống, từ đó đưa sản phẩm cà phê chất lượng cao của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Đại diện các sở, ban ngành, UBND huyện Di Linh tham dự Ngày hội tri ân người trồng cà phê. Ảnh: N.N.

Đại diện các sở, ban ngành, UBND huyện Di Linh tham dự Ngày hội tri ân người trồng cà phê. Ảnh: N.N.

Ông Trần Nhật Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết, Di Linh là địa phương sản xuất cà phê lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với diện tích hơn 45 nghìn ha, sản lượng hàng năm đạt trên 150 nghìn tấn, mỗi năm đóng góp cho nền kinh tế địa phương trên 9 nghìn tỷ đồng.

"Việc tổ chức Ngày hội tri ân người trồng cà phê ngay trước mùa thu hoạch cà phê năm 2023 là hoạt động mang nhiều ý nghĩa không chỉ với bà con sản xuất cà phê ở 4 xã mục tiêu mà với người trồng cà phê nói chung trên địa bàn toàn huyện Di Linh”, ông Thi chia sẻ.

Ngày hội giúp người trồng cà phê nắm bắt được thêm thông tin và đưa ra các phương án nhằm tổ chức sản xuất phù hợp trước các quy định của châu Âu về sản xuất cà phê không gây mất rừng. Ảnh: N.N.

Ngày hội giúp người trồng cà phê nắm bắt được thêm thông tin và đưa ra các phương án nhằm tổ chức sản xuất phù hợp trước các quy định của châu Âu về sản xuất cà phê không gây mất rừng. Ảnh: N.N.

Ông Trần Nhật Thi cho biết thêm, thông qua ngày hội, người trồng cà phê sẽ nắm bắt được thêm thông tin và đưa ra các phương án nhằm tổ chức sản xuất phù hợp trước quy định sản xuất cà phê không làm mất rừng của châu Âu (EUDR) sẽ chính thức có hiệu lực vào năm 2024 để sản phẩm cà phê Di Linh đảm bảo được các tiêu chuẩn, thuận lợi đi vào các thị trường lớn trên thế giới trong thời gian tới, góp phần nâng cao thương hiệu cà phê Di Linh và chất lượng cuộc sống cho người trồng cà phê trên địa bàn huyện.

Cũng trong dịp này, UBND huyện Di Linh đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức vinh danh nông dân sản xuất cà phê giỏi; trao các suất học bổng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn; trao quà cho người nghèo, neo đơn và khuyết tật; trao quỹ khuyến học, khuyến nông và trao quà cho bà con nông dân trồng cà phê trên địa bàn.

 

Xem thêm
Tái đàn heo theo hướng tập trung và an toàn sinh học

ĐỒNG THÁP Huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đang tập trung phát triển ngành nuôi heo tập trung quy mô trang trại lớn, hướng an toàn sinh học gắn với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.

Số người đến tiêm phòng dại tăng gần 1.000 lượt, Vĩnh Long báo động

Tỉnh Vĩnh Long ghi nhận, từ đầu năm đến nay có 8.280 lượt người bị chó, mèo cắn đến tiêm vacxin phòng bệnh dại, tăng 915 lượt so với cùng kỳ năm 2023 (7.365 lượt).

Ứng dụng công nghệ, gọi tôm cá về đồng ruộng

QUẢNG BÌNH Ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không chỉ giúp giảm chi phí, lợi nhuận tăng cao mà môi trường sinh thái đồng ruộng được phục hồi.