Các thành viên thu gom rác thải sinh hoạt tại thôn 1A
Các thành viên trong tổ có nhiệm vụ đi đến các trục đường chính ở 5 thôn, gồm 1A, 1B, 2A, 2B và thôn 3 bằng xe công nông để thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đến bãi tập trung của xã để xử lý. Định kỳ, một tuần 3 lần thu rác vào các ngày thứ 3, 5 và 7. Người dân có trách nhiệm bỏ rác thải sinh hoạt vào bịch, bao... và đem ra trước cổng để.
Để duy trì hoạt động của tổ, mỗi hộ dân đóng góp 15.000 đồng/tháng và hộ sản xuất kinh doanh đóng góp 20.000 đồng/tháng. Thấy được lợi ích của mô hình đem lại, đến nay sau gần 1 năm đi vào hoạt động đã có khoảng 90% hộ gia đình trên các trục đường chính đã đăng ký tham gia.
Vừa cùng các thành viên trong gia đình đưa rác ra tập kết trước nhà, ông Phạm Tịnhm thôn 1B vui vẻ nói: “Khi xã phát động, gia đình tôi tham gia ngay. Giờ có xe rác đến thu tôi thấy rất tiện lợi. Trước đây, rác được gia đình gom lại thành bao rồi mang vào rẫy để đốt, rất mất thời gian”.
Chứng kiến hoạt động của tổ mới thấy hết được vất vả của các thành viên. Với gần 400 hộ gia đình nhưng tổ chỉ có 2 người, 1 người lái xe và 1 người gom rác. Mỗi lần thu gom mất gần như cả buổi sáng. Những hôm rác nhiều, phải kéo dài hơn. Vất vả là vậy nhưng thù lao mỗi người chỉ được 1,8 triệu đồng/tháng.
Ông Lê Kiến Thiết, tổ trưởng nói: “Khi mới thành lập, tổ có 4 thành viên, do thu nhập thấp nên 2 thành viên đã xin nghỉ. Lúc đầu, các hộ dân yêu cầu một tuần đi thu gom rác 2 lần nhưng do khối lượng rác dồn lại quá nhiều, chúng tôi phải chịu khó đi thêm 1 buổi nữa. Có ngày thu được 2 xe rác đầy”.
Mô hình tổ thu gom rác thải sinh hoạt ở xã EaM’Nang đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đây là lời giải cho bài toán thu gom rác thải ở khu vực nông thôn, nhất là những xã đang xây dựng NTM.