| Hotline: 0983.970.780

Tòa tuyên án bỏ qua lợi ích của Nhà nước

Thứ Ba 02/08/2016 , 13:15 (GMT+7)

NNVN có bài “Nhùng nhằng vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng” phản ánh việc TAND huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cố tình kéo dài việc xét xử một vụ án hết sức đơn giản...

Sau đó tòa đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm lần 2, nhưng việc tuyên án khá “lạ”.

Không tham gia tố tụng vẫn được lấy lời khai

Như đã thông tin, ngày 25/9/2013, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hết, bà Đoàn Lệ Thi, ngụ xã Việt Thắng, huyện Phú Tân ký hợp đồng mua 4 lô đất với ông Nguyễn Anh Dũng và chị Nguyễn Thị Ngọt (con gái ông Dũng), tổng diện tích 28.904m2 tọa lạc tại xã Trần Thới, huyện Cái Nước.

Hai bên thống nhất thỏa thuận hạ giá trị thực của 4 lô đất từ 1.450 triệu đồng xuống còn 650 triệu đồng. Đến khoảng cuối tháng 9/2013 vợ chồng ông Hết đã trả cho cha con ông Dũng số tiền 1 tỷ đồng.

Theo thỏa thuận đến ngày 21/12/2013, ông Hết tiếp tục trả khoản tiền còn lại là 450 triệu đồng. Tuy nhiên, đến ngày giao hẹn, ông Hết cho rằng cha con ông Dũng không thực hiện đúng hợp đồng vì không giao giấy chứng nhận QSDĐ đã sang tên qua cho ông Hết, nên số tiền còn lại vợ chồng ông Hết không trả tiếp cho bên bán.

Trong khi đó, cha con ông Dũng cho rằng ông Hết đã vi phạm hợp đồng, vì tại mục 2, điều 3 của hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa hai bên ghi rõ: “Bên B (vợ chồng ông Hết) có nghĩa vụ đăng ký quyền SDDĐ tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định”.

Xảy ra tranh chấp, ngày 22/4/2014, vợ chồng ông Hết khởi kiện cha con ông Dũng ra TAND huyện Cái Nước. Ngày 29/8/2014, TAND huyện xét xử sơ thẩm vụ án. HĐXX cho rằng, bản hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ vi phạm điều cấm của pháp luật. Do giá trị thực của 4 lô đất là 1.450 triệu đồng, nhưng hợp đồng chỉ thể hiện 650 triệu đồng. Tòa tuyên hủy hợp đồng.

Vụ kiện sau đó được TAND tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm ngày 13/3/2015 (bản án số 54/2015/DS-PT). HĐXX nhận định rằng, bản án sơ thẩm của TAND huyện Cái Nước tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa các bên là có căn cứ. Từ đó HĐXX tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Cái nước, giao xét xử lại.

Ngày 7/5/2015, TAND huyện Cái Nước ra thông báo về việc thụ lý vụ án. Tuy nhiên đơn vị này kéo dài xét xử lạ thường đến hơn 1 năm. Đến ngày 13/7/2016, mới đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lại lần 2, chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Huỳnh Minh Tính.

Điều đáng nói, tại phiên tòa mới đây, HĐXX đã không đưa bốn người làm chứng trong vụ chuyển nhượng gồm ông Phạm Hoàng Đức, Trần Văn Tám, Trần Hùng Phước và Mai Đức Xuyên vào tham gia tố tụng với tư cách là nhân chứng, nhưng lại lấy lời khai của họ tại tòa để làm chứng cứ tuyên án.

Bỏ qua lợi ích Nhà nước?

Tại phiên tòa, đại diện Viện KSND huyện Cái Nước yêu cầu HĐXX tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa hai bên là vô hiệu (do xâm hại đến lợi ích của Nhà nước như đã nói trên). Tuy nhiên, HĐXX đã tuyên theo hướng ngược lại, buộc cha con ông Dũng phải tiếp tục thực hiện hợp đồng với vợ chồng ông Hết.

Sau phiên tòa, cha con ông Dũng cho biết sẽ kháng án lên tòa phúc thẩm (TAND tỉnh Cà Mau), yêu cầu tuyên hủy án sơ thẩm lần 2, đồng thời tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa hai bên.

Tòa cho rằng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa các đương sự thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Mặc dù ở hai cấp tòa sơ thẩm (lần 1) và phúc thẩm đều cho rằng việc hai bên tự thỏa thuận hạ giá trị thực của lô đất sang nhượng là vi phạm điều cấm, xâm phạm lợi ích của Nhà nước.

Ngoài ra, HĐXX còn cho rằng do cha con ông Dũng đã nhận 2/3 tổng giá trị của hợp đồng từ vợ chồng ông Hết, và đã giao đất cho bên mua canh tác, sản xuất…

Việc cha con ông Dũng không muốn thực hiện tiếp việc chuyển nhượng QSDĐ cho vợ chồng ông Hết là “vi phạm về nghĩa vụ thực hiện hợp đồng”. Từ đó HĐXX buộc người bán phải thực hiện tiếp việc chuyển nhượng QSDĐ cho người mua.

Luật gia Trần Quốc Thông (người đại diện theo ủy quyền của cha con ông Dũng) cho rằng, bản án sơ thẩm lần hai (số 124/2016/DSST) của TAND huyện Cái Nước vừa tuyên về vụ kiện đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng về chứng cứ.

“Những người làm chứng không được đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, nhưng được HĐXX lấy lời khai để làm căn cứ tuyên án. Mặt khác, việc hai bên tự thỏa thuận hạ giá trị thực của lô đất là xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, nhưng tòa không tuyên ủy án là vi phạm tố tụng và vi phạm pháp luật về nội dung”, ông Thông phân tích.

Xem thêm
Bị giật dây chuyền khi đi tập thể dục buổi sớm

Công an huyện Lương Sơn vừa ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Văn Điền (Nhuận Trạch, Lương Sơn, Hòa Bình) để điều tra về hành vi cướp giật tài sản.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.