| Hotline: 0983.970.780

Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp Nghệ An cao nhất Bắc Trung Bộ

Thứ Ba 28/12/2021 , 09:31 (GMT+7)

Đông Xuân, Hè Thu được mùa toàn diện, tốc độ tăng trưởng nông lâm, lâm, ngư cao nhất vùng Bắc Trung Bộ, đó là những con số ấn tượng của ngành nông nghiệp Nghệ An.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành NN-PTNT Nghệ An trong năm 2021. Ảnh: Việt Khánh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành NN-PTNT Nghệ An trong năm 2021. Ảnh: Việt Khánh.

Vượt khó và đạt nhiều kết quả quan trọng

Mở đầu Hội nghị “Tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2021, triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2022”, Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An, ông Nguyễn Văn Đệ khẳng định thời tiết năm qua diễn biến phức tạp, hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm luôn tiềm ẩn nguy cơ, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục, khảm lá sắn... đã tác động, gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

“Đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, Bộ NN-PTNT, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của toàn ngành và hàng triệu bà con nông dân… tức thì tạo nên sự đồng thuận, nhất quán từ trên xuống dưới, góp phần giúp ngành nông nghiệp Nghệ An vượt khó và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bủa vây”, ông Nguyễn Văn Đệ nhấn mạnh.

Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An khẳng định, trong muôn vàn khốn khó bủa vây, ngành nông nghiệp vẫn thể hiện được vai trò. Ảnh: Việt Khánh.

Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An khẳng định, trong muôn vàn khốn khó bủa vây, ngành nông nghiệp vẫn thể hiện được vai trò. Ảnh: Việt Khánh.

Theo bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT các chỉ tiêu cơ bản của ngành trong năm qua đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch được giao, điển hình như vụ Đông Xuân 2020 – 2021 và Hè Thu 2021 được mùa khá toàn diện, sản lượng gỗ và thủy sản tăng mạnh, giá trị sản xuất ước đạt 38.212 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nông, lâm, ngư (GRDP) tăng khá, đạt 5,59%/KH4,5-5,0%, (cả nước tăng 2,94%), cao nhất vùng Bắc Trung Bộ.

Cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, đến cuối năm 2021 nông nghiệp chiếm 77,52%, lâm nghiệp 6,17%, ngư nghiệp 16,31%. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp ước đạt 47,94%. 

Từ thực tiễn cho thấy, ngành nông nghiệp Nghệ An tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi và cả mùa vụ. Công tác bảo vệ thực vật, thú y được đảm bảo thường xuyên, liên tục. Năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế có bước chuyển rõ rệt. Đấy là những nét tích cực, ghi nhận sự nỗ lực của toàn ngành trong một năm không ít biến động.

Ở khía cạnh sản xuất lương thực, tổng diện tích gieo trồng cả năm ước đạt 224.568/KH229.600 ha. Lúa vẫn là cây trồng chủ lực, dù quy mô giảm nhưng chất lượng tăng cao, năng suất cả năm đạt 58,07 tạ/ha, (riêng vụ Xuân 2021 đạt 68,73 tạ/ha cao nhất từ trước đến nay), sản lượng ước đạt 1.039.162 tấn.

Cơ cấu giống lúa chuyển dịch theo hướng giảm dần lúa lai, thay vào đó người dân chủ động thâm canh các mặt hàng chất lương (AC5, QJ1, DT52, BTE1, Vật tư NA6, lúa nếp, lúa thảo dược...), vừa đảm bảo giá trị lại dễ tiêu thụ trên thị trường (trên 80.000 ha), điều này góp phần tăng nhanh thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành…

Công tác thú y trong năm qua cũng tạo được nhiều dấu ấn đậm nét. Ảnh: Việt Khánh.

Công tác thú y trong năm qua cũng tạo được nhiều dấu ấn đậm nét. Ảnh: Việt Khánh.

Đối với công tác chăn nuôi, thú y, Sở NN-PTNT tập trung chỉ đạo, thực hiện rốt ráo các biện pháp phòng chống, nhờ đó kịp thời khống chế, giảm thiếu tối đa mức độ thiệt hại. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 525 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 21 huyện, thành, thị, số lợn buộc tiêu hủy là 35.539 con. Điều đáng nói, các ổ dịch đều xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ bản không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, đây là yếu tố khách quan khi hình thức chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm phần đa.

Về lĩnh vực lâm nghiệp, năm 2021 Nghệ an tạo dựng bước đột phá lớn khi tập trung phát triển, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư chế biến sâu, nâng tầm giá trị sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

Toàn ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, sản lượng gỗ toàn tỉnh tăng mạnh, trồng rừng nguyên liệu chuyển nhanh sang sản xuất kinh doanh gỗ lớn, trồng rừng bằng cây bản địa. Đặc biệt, trong năm địa phương đã có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư gây được tiếng vang, nét chấm phá đến từ việc triển khai Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao với Nghệ An là đầu não, kế đó là chủ trương thành lập Hiệp hội gỗ...

Thành lập Khu lâm nghiệp công nghệ cao là điểm nhấn đáng chú ý nhất của lâm nghiệp Nghệ An trong năm 2021. Ảnh: Việt Khánh.

Thành lập Khu lâm nghiệp công nghệ cao là điểm nhấn đáng chú ý nhất của lâm nghiệp Nghệ An trong năm 2021. Ảnh: Việt Khánh.

Về Chương trình MTQG xây dựng NTM, dù gặp bất lợi lớn về phân bổ nguồn trong giai đoạn chuyển giao nhưng Nghệ An vẫn biết cách để “vượt thác ghềnh” khi tích cực chỉ đạo các địa phương chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Ngoài ra, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được quan tâm sâu sát, các làng nghề được hình thành, nhân rộng đã giải quyết đáng kể nhu cầu việc làm cho hàng vạn người dân, nhất là những người trở về quê hương sau đại dịch Covid-19.

Tính ra, tổng nguồn vốn huy động, lồng ghép thực hiện chương trình năm 2021 của Nghệ An ước đạt 12.445 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp là 1.159 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án 1.120 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 535 tỷ đồng, vốn tín dụng 8.920 tỷ đồng, riêng kinh phí nhân dân đóng góp lên đến 709 tỷ đồng. Nói thế để thấy, chủ trương lớn thực sự đã hòa vào nhịp đật thường nhật, được toàn dân ủng hộ. 

Dù gặp khó khăn trong quá trình phân bổ nguồn vốn nhưng chương trình NTM vẫn thu về được nhiều thành quả nổi bật. Ảnh: Việt Khánh.

Dù gặp khó khăn trong quá trình phân bổ nguồn vốn nhưng chương trình NTM vẫn thu về được nhiều thành quả nổi bật. Ảnh: Việt Khánh.

Trên dưới ra sức, đồng lòng, cứ thế quả ngọt hình thành như một lẽ tất yếu. Dự kiến đến cuối năm 2021 toàn tỉnh sẽ có 20/KH 20 xã đạt chuẩn NTM; 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã đạt NTM kiểu mẫu; 1/KH 1 huyện (Quỳnh Lưu) đạt chuẩn NTM; lũy kế có 300/411 xã cán đích NTM, đạt 72,99%; 7 đơn vị cấp huyện (thị xã Thái Hòa, thành phố Vinh, huyện Nam Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu) hoàn thành chỉ tiêu đạt chuẩn NTM; có thêm 46 thôn, bản đạt chuẩn NTM theo tiêu chí của tỉnh.

Phải nỗ lực từng giờ, từng phút, từng giây

Chỉ đạo Hội nghị, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn do diễn biến cực đoan của thời tiết, cùng với đó là tác động kinh hoàng của đại dịch Covid-19.

Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đạt mức tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm nhưng Nghệ An đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa tập trung, ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch, lại kết hợp linh hoạt, sáng tạo, hài hòa, hiệu quả các yếu tố để phát triển kinh tế-xã hội. Nghệ An Là một trong ít các địa phương có tăng trưởng kinh tế trên 6%. Thu ngân sách cả năm ước đạt 17.678 tỷ đồng, đạt 126% dự toán được HĐND tỉnh giao.

Từ nền móng 2021, ngành nông nghiệp Nghệ An tự tin hướng đến năm 2022 thắng lợi trọn vẹn. Ảnh: Việt Khánh.

Từ nền móng 2021, ngành nông nghiệp Nghệ An tự tin hướng đến năm 2022 thắng lợi trọn vẹn. Ảnh: Việt Khánh.

Trong bức tranh đa chiều đó, lĩnh vực nông nghiệp được xem là điểm sáng với tăng trưởng GRDP đạt 5,59 %/ KH 4,5-5%. Ngành NN-PTNT có đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển chung, duy trì ổn định đời sống cho gần 84,5 % dân số nông thôn, nhất là giải quyết việc làm cho hàng ngàn chục ngàn lao động thiếu, mất việc làm cả trong và ngoài nước phải về quê sinh sống do ảnh hưởng của dịch Covid -19.

Thực tiễn đang đặt ra những cơ hội và thách thức đan xen, để dành thắng lợi trọn vẹn trong năm 2022 đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao độ trong từng giờ, từng phút, từng giây của toàn ngành NN-PTNT, sự chung tay của các bên liên quan và toàn thể nông dân trên địa bàn".

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.