Nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Hoàng Nghĩa Hiếu khẳng định: Những năm qua địa phương có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tỉnh đã xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh với những sản phẩm chủ lực, có lợi thế gắn với hình thành các chuỗi liên kết để tạo điểm nhấn.
Doanh nghiệp, HTX, đặc biệt là số đông bà con nông dân trên địa bàn nhìn chung đã có ý thức xây dựng và quảng bá thương hiệu bằng cách chủ động cải thiện mẫu mã, nâng tầm chất lượng, tiến tới đăng ký sở hữu trí tuệ và dán tem truy xuất nguồn gốc. Với định hướng từ cơ quan chuyên môn, sự nhập cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của các bên liên quan là yếu tố tiên quyết nâng tầm rõ rệt ngành nông nghiệp địa phương.
Đổi thay đến đâu cứ nhìn vào “cam Vinh” sẽ rõ. Đây là thương hiệu đặc trưng của Nghệ An nhưng do nhiều yếu tố tác động (thị trường thả nổi, quản lý thiếu khoa học, giống má, vật tư đầu vào không đảm bảo…) đã dẫn đến tình cảnh hết sức đáng quan ngại, nếu không sớm có biện pháp khắc phục ắt hẳn sẽ mai một vốn quý. Để bảo tồn và phát triển bền vững nhất thiết phải “làm thật”, bên cạnh ý thức của người trồng, đòi hỏi ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật, lấy đó làm đòn bẩy hữu hiệu.
Chỉ sau thời gian ngắn đổi thay đã đến tức thì, hiện diện tích trồng cam áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ngày càng được nhân rộng, điển hình có thể kể đến vùng cam VietGAP rộng 18ha của HTX Nông nghiệp Thanh Đức; vùng cam VietGAP 25 ha của HTX Nông nghiệp Đỉnh Sơn; mô hình 40ha của HTX Đồng Thành, huyện Yên Thành... Ghi nhận thực tế, tổng diện tích cam được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP toàn tỉnh ước trên 150 ha, dẫu chưa nhiều nhưng đây là chất xúc tác để người trồng tự tin chuyển đổi trạng thái, từ sản xuất hàng hóa thông thường sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Biến rừng thành vàng
Giai đoạn 2010-2020, công tác quản lý bảo vệ, sử dụng, phát triển rừng; chế biến và thương mại lâm sản Nghệ An đã đạt được một số thành tựu nhất định, các chỉ tiêu về lâm nghiệp đều được lồng ghép vào kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm, mức độ lan tỏa rất đáng ghi nhận.
Đến nay giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân đạt 4,65%, cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch đúng hướng, từng bước hình thành các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giúp ngành lâm nghiệp địa phương duy trì bước tăng khá ổn định. Qua khảo sát, bình quân mỗi năm Nghệ An trồng được trên 15.000 ha rừng tập trung, diện tích rừng trồng hàng năm tăng nhanh đã vượt quá tốc độ suy thoái vốn rừng, nhờ đó mang lại hiệu quả kinh tế thực sự cho người dân địa phương.
Trong lĩnh vực kêu gọi đầu tư, Nghệ An luôn chú trọng “mời chào” các nguồn vốn đầu tư trực tiếp FDI từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là lĩnh vực trồng rừng nguyên liệu, công nghiệp chế biến gỗ và chuyển giao công nghệ được địa phương hết sức chú trọng. Từ 2010 đến 2020 toàn tỉnh đã thu hút được khoảng 161.580 triệu đồng, trong đó nguồn vốn ODA đầu tư là 58.884 triệu đồng, nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài đạt 102.696 triệu đồng…
Thành tựu đạt được là điều dễ thấy, dù vậy không thể che lấp hoàn toàn những mặt tồn tại, hạn chế mà ngành lâm nghiệp Nghệ An đang đối diện, bao gồm: Suy giảm rừng tự nhiên; tình trạng lấn chiếm đất rừng còn diễn ra phức tạp; sản xuất lâm nghiệp bị chia cắt thành các giai đoạn riêng lẻ, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; công nghiệp chế biến lâm sản chủ yếu nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, năng suất, giá trị gia tăng hạn chế; thu nhập của người làm nghề rừng chưa cao...
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, qua đó đóng góp tương xứng với tiềm năng và phù hợp với mục tiêu phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh, việc xây dựng ”Chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 -2030, tầm nhìn 2050” là chủ trương mang tính then chốt.
Từ cơ sở thực tiễn, lâm nghiệp Nghệ An xác định những mục tiêu trọng tâm sau: Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo vùng sinh thái; gắn an sinh xã hội với an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp, đảm bảo chặt chẽ từ khâu quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đến khai thác, chế biến và thương mai lâm sản để nâng cao hiệu quả kinh tế, phù hợp với tái cơ cấu kinh tế ngành, phù hợp với kế hoạch phát triển của tỉnh và định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ Việt Nam…
Với hiện trạng rừng hiện có, nhằm đảm bảo nhu cầu về đất đai, Nghệ An xác định kịch bản độ che phủ rừng ở mức 58,5%, tương đương với việc nâng tổng diện tích đất có rừng đạt và ổn định 964.846 ha. Muốn hoàn thành cần thực hiện tốt biện pháp bảo vệ, khoanh nuôi, trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn, trong đó chú trọng tăng diện tích rừng tự nhiên ở các huyện vùng núi cao, ổn định diện tích rừng hiện có khu vực trung du miền núi và đồng bằng ven biển.
Chi tiết hơn, sẽ tiến hành quản lý, bảo vệ rừng đối với 783.699 ha rừng tự nhiên và 21.213 ha rừng trồng đặc dụng, rừng phòng hộ hiện có. Mặt khác, tập trung trồng rừng mới để duy trì diện tích đất có rừng toàn tỉnh luôn đạt và ổn định khoảng 965.000 ha, đảm bảo khai thác rừng trồng 20.000 – 25.000 ha/năm để phục vụ nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn, ngoài ra có đủ quỹ đất trống để thực hiện nhiệm vụ trồng rừng mới.