| Hotline: 0983.970.780

Khi chim trời, thú rừng đổ máu: Những cuộc tàn sát thảm khốc

Thứ Sáu 12/01/2024 , 06:04 (GMT+7)

Được đi theo những tay săn chim lão luyện, tận mắt chứng kiến cảnh chim trời bị tàn sát thảm khốc ngay trên cánh đồng, khu rừng nguyên sinh, chúng tôi không khỏi xót xa

LTS: Hệ thống bẫy săn bắt chim trời và thú rừng như thiên la địa võng chính là nguyên nhân làm cho cánh đồng, làng quê ngày nay không còn cảnh đàn chim bay liệng mỗi khi chiều về. 

Chim trời đang bị săn bắt tận diệt không thương tiếc. Bẫy chim là một nghề mưu sinh, kiếm lời. Cứ như vậy thì chẳng bao lâu nữa, loài chim trời bị “xóa sổ” nếu không có biện pháp ngăn chặn.

Loạt bài Điều tra độc quyền “Khi chim trời, thú rừng đổ máu” của phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về thực trạng đang diễn ra với những mạng lưới săn bắt, buôn bán chim trời và động vật hoang dã xuyên các tỉnh thành.

Khi săn bắt chim được coi là một nghề

Nhiều du khách nước ngoài ngạc nhiên khi đến du lịch tại thị trấn Trạm Tấu, bởi hàng trăm chiếc bẫy chim được giăng khắp cánh đồng công khai bày ra trước mắt. 

Mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây điều kiện tự nhiên phong phú với những cánh đồng bạt ngàn, rừng nguyên sinh đồ sộ xanh mướt. Lẽ thường, đó là ngôi nhà cho các loài chim trú ẩn, kiếm ăn. Tuy nhiên, số lượng chim trời ở đây đang có xu hướng ngày càng giảm dần, do nạn săn bắt tận diệt của người dân.

Những chiếc bẫy chim trời đã phá mất khung cảnh hoang sơ tại Trạm Tấu. Ảnh: Hùng Khang.

Những chiếc bẫy chim trời đã phá mất khung cảnh hoang sơ tại Trạm Tấu. Ảnh: Hùng Khang.

Nhiều người còn coi đây là nghề mưu sinh kiếm sống. Số lượng chim bị bắt ngày càng nhiều, có người dân nói vào tai tôi rằng rau của họ bị hỏng do sâu bệnh phá, ruộng lúa của họ thì dịch bệnh hơn trước. Đặc biệt khách du lịch khi thấy cảnh tượng những con chim đầm đìa máu và thương thích họ rất hoảng sợ và bị ám ảnh.

Theo những người dân sinh sống tại đây, trước đó hơn một tháng, bên những đám ruộng lúa vừa gặt còn phơi gốc rạ hàng nghìn con chim én và hàng trăm con cò trắng vẫn nhởn nhơ kiếm ăn. Thế nhưng chỉ ít ngày sau khi các “kẻ sát chim” đi săn, cả cánh đồng vắng hẳn bóng dáng các đàn chim.

Những cuộc đi săn đẫm máu của thợ săn chim

Sau nhiều lần thuyết phục một thợ săn có tiếng tại đất Trạm Tấu, phóng viên mới được đồng ý cho theo chân nhóm bẫy chim với điều kiện “tuyệt đối không được quay phim, chụp ảnh”.

6 giờ sáng, tôi cùng đoàn săn chim vượt hơn 1km đường rừng để đến khu vực cánh đồng rộng lớn. Trong lúc phóng viên còn ngồi thở dốc vì mệt thì nhóm bẫy chim của anh H bắt tay vào việc.

Những con chim mồi được đặt lên cành cao, chiếc điện thoại có sẵn file ghi âm tiếng én kêu được mở với âm lượng tối đa để gọi bầy. Từ xa đã bắt đầu nghe tiếng chim rừng đáp trả.

Hệ thống bẫy như thiên la địa võng để tận diệt chim trời. Ảnh: Hùng Khang.

Hệ thống bẫy như thiên la địa võng để tận diệt chim trời. Ảnh: Hùng Khang.

Kéo tôi vào vị trí ẩn nấp, anh H bảo: “Muốn bắt én phải đến những cánh đồng lúa rộng như thế này, vì én rất thích bay lượn kiếm mồi ở cánh đồng. Én rất tinh khôn và cảnh giác, chúng thường bay rất nhanh và bay theo đàn khi thấy an toàn mới bay xuống ruộng, do đó phải chọn vị trí mà giăng bẫy”.

Tôi hỏi anh H: “Săn chim thế này, anh có nghĩ mình đang làm hại thiên nhiên?”. Anh H. cười, trả lời: “Mình không săn thì người khác cũng săn. Ở khắp các cánh đồng đang mùa lúa chín, nơi nào chả có người giăng bẫy. Nó là lộc của trời mà”.

Theo quan sát cứ cách 5 mét thì lại có một chiếc bẫy, hệ thống bẫy tại đây như thiên la địa võng để tận diệt chim trời. Đúng như lời anh H nói, chưa đầy 15 phút, từ trong bụi cây tôi thấy rất nhiều én bay về, kêu râm ran vang trời. Chúng đậu trên đường dây điện cao chót vót, bay qua bay lại một hồi rồi bắt đầu lượn gần những đám ruộng hơn.

La liệt những con én rơi xuống cánh đồng máu me be bét, con thì đứt cổ, con thì lìa đầu. Ảnh: Hùng Khang.

La liệt những con én rơi xuống cánh đồng máu me be bét, con thì đứt cổ, con thì lìa đầu. Ảnh: Hùng Khang.

1 con, 2 con, 3 con… hàng chục con én bắt đầu đậu vào bẫy chỉ trong tích tắc. Đợi đến khi “lưới nặng chim đầy” nhóm của anh H mới rời chỗ nấp ra kéo phăng chiếc giây thép đã được bắc ngang trên hai cây cột. La liệt những con én rơi xuống cánh đồng máu me be bét, con thì đứt cổ, con thì lìa đầu, nhóm của anh H cứ hết lần này đến lần khác thu hoạch chiến lợi phẩm khi chim trời đổ máu.

Một buổi sáng, nhóm bắt được gần 300 con, chim bẫy được đến đâu chỉ cần một cú điện thoại là có người vào tận nơi để thu mua. Được anh H giới thiệu cho đầu mối thu mua chim trời, chúng tôi tìm đến nhà bà Lập, ở khu 5, thị trấn Trạm Tấu.

Tại đây có rất nhiều tủ đông để bảo quản chim rừng, sau một hồi trò chuyện thấy chúng tôi có nhã ý mua hàng với số lượng lớn, bà Lập xởi lởi: “Nhà chị thì rất uy tín, em muốn lấy bao nhiêu là có bấy nhiêu. Hàng sống thì giá khác mà hàng mổ hút chân không thì giá khác, hàng chim én dao động từ 3.000 đến 5.000 đồng/con, cò giá 50.000 đồng/con”. 

Những chiếc tủ lạnh nhà bà Lập chứa đầy chim trời. Ảnh: Hùng Khang.

Những chiếc tủ lạnh nhà bà Lập chứa đầy chim trời. Ảnh: Hùng Khang.

Để tăng độ uy tín, người phụ nữ này liên miệng nói đã có thâm niên hơn chục năm đi gom chim trời. Những người bán chim cho bà ta không chỉ ở thị trấn mà còn ở các xã lân cận trong huyện. Do luôn thu mua chim trời ở mức giá cao hơn các mối khác nên được dân săn bắt tin tưởng tuyệt đối.

Vụ săn chim, mỗi ngày bà Lập cung cấp cho các mối ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội hàng trăm con. Sau cuộc trò chuyện, lấy lý do sẽ cân nhắc thêm và liên hệ lại sau, chúng tôi ra về. Tiễn khách, bà Lập không quên dặn: “Nếu muốn chủ động hàng thì phải lấy nhiều, thịt sẵn hút chân không để tủ chứ hàng tươi sống thì hơi khó em ạ”.

Phải chăng đây chỉ là việc “đến hẹn lại săn” của những thợ bẫy vẫn ngày đêm tất bật chuẩn bị bẫy để tận diệt chim trời. Không biết cơ quan chức năng nghĩ gì và đứng ở đâu, khi tình trạng này phổ biến không chỉ ở Yên Bái, mà còn ở khắp các địa phương như Hà Nội và Vĩnh Phúc cùng nhiều nơi khác nữa. Rằng các đối tượng thỏa sức tàn sát chim trời, rồi buôn bán đủ loài chim, loại thú rừng được pháp luật nghiêm cấm bắt giết. Những đầu mối thu mua chim trời sẽ chuyển hàng đi đâu và được phân phối như thế nào, tất cả sẽ được chúng tôi hé lộ phần sau.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Thủy lợi - nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Đồng Tháp Các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm với năng suất tăng 15% so với trước đây.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.