| Hotline: 0983.970.780

Tội ác ẩn nấp trong những cơn gió mùa: [Bài 4] Vì sao Nam Định 'nóng' tình trạng bẫy bắt chim?

Thứ Năm 25/01/2024 , 11:15 (GMT+7)

Những cơn gió mùa không có tội. Nó chỉ là bạn đồng hành cùng những loài chim di cư. Những kẻ nắm bắt được đặc tính tự nhiên, mượn gió mùa che giấu tội ác...

Bẫy bắt chim hoang dã “nóng” ở các huyện ven biển

Trả lời câu hỏi này, ông Mai Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN-PTNT Nam Định) lý giải: đó là nơi tập trung nhiều chim trời, chim hoang dã tìm về làm nơi trú ẩn, di cư theo mùa. Ngoài ra, lý do quan trọng khác, nơi đó có nguồn thức ăn đa dạng, phong phú, phù hợp với sinh trưởng và phát triển của chim tự nhiên.

Những đàn chim di cư tìm đường về di trú tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy mỗi năm.

Những đàn chim di cư tìm đường về di trú tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy mỗi năm.

Nam Định có 72km đường ven biển, nằm hoàn toàn trong Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng gồm một vệt dải rừng ngập mặn từ Hải Phòng, Thái Bình nối với hai huyện ven biển Nghĩa Hưng, Giao Thủy, bên kia là vùng rừng ngập mặn Kim Sơn (Ninh Bình).

Ngoài ra, vùng nuôi trồng thủy sản rộng hàng ngàn ha của các xã ven biển là nguồn thức ăn trù phú thu hút chim tìm về.

Ông N.V.C - một hộ dân nuôi trồng thủy sản khu vực Cồn Xanh (xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng) cho biết: mùa chim di trú bắt đầu khoảng tháng 7 hằng năm cho tới đầu đông, có những đêm ông C. mất ngủ vì tiếng chim di trú chao chát bên ngoài. Không cần ra xem ông cũng đoán được đó là loài chim gì, dựa vào tiếng kêu của chúng. Diệc, cò, vạc… - những loài chim nước thường xuyên xuất hiện ở vùng rừng ngập mặn ven biển là những loài chim lớn, sải cánh dài tới trên 1m, quạt gió rào rào ngỡ như có thể thổi bay cả những mái nhà cấp 4 của những người canh đầm.

Một cán bộ Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy phụ trách lĩnh vực bảo tồn, đa dạng sinh học, động vật hoang dã chia sẻ: Việt Nam nằm trên đường bay Đông Á - châu Úc, và Việt Nam có vị trí rất quan trọng trong hành trình di cư của các loài chim. Ở Việt Nam, 2 vùng đồng bằng rộng lớn là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long là 2 vùng dừng chân và trú đông quan trọng của các loài chim nước.

Rừng ngập mặn ven biển là nơi cư trú của những loài chim hoang dã.

Rừng ngập mặn ven biển là nơi cư trú của những loài chim hoang dã.

VQG Xuân Thủy là vùng chim quan trọng nhất và đại diện cho hệ chim ở khu vực đồng bằng sông Hồng, phía Bắc Việt Nam. Từ những năm 1989 các nhà bảo tồn và Chính phủ đánh giá đây là vùng đất ngập nước và vùng chim quan trọng nhất, do đó Xuân Thủy đã đại diện cho Việt Nam trở thành điểm Ramsar đầu tiên của Đông Nam Á thời đó, Việt Nam là thành viên thứ 50 tham gia công ước này. (Ramsar là công ước về những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của loài chim nước - PV).

Hằng năm, từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, hàng nghìn cá thể chim nước di cư từ phương Bắc về và trú ngụ tại Xuân Thủy và đây là điểm trú đông của quần thể chim nước lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Hiện tại, nơi đây có trên 220 loài chim, trong đó có trên 150 loài chim di cư và trên 100 loài chim nước và đặc biệt có 10 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam 2007; 17 loài ở tình trạng sắp bị đeo dọa (NT) đến rất nguy cấp (CR) theo danh lục đủ của IUCN như: rẽ mỏ thìa (Eurynorhynchus pygmeus), vịt đầu đen (Aythya baeri), sẻ đồng ngực vàng (Emberiza aureola), cò thìa (Platalea minor), choắt lớn mỏ vàng (Tringa guttifer), rẽ lớn ngực đốm (Calidris tenuirostris), cò trắng Trung Quốc (Egretta eulophotes), mòng bể mỏ ngắn (Larus saundersi)… Trong đó, cò thìa là loài chim di trú rất quý hiếm đã trở thành biểu tượng của VQG - Khu Ramsar quốc tế Xuân Thủy.

Những cá thể chim tự nhiên bị dính bẫy may mắn được lực lượng chức năng giải cứu...

Những cá thể chim tự nhiên bị dính bẫy may mắn được lực lượng chức năng giải cứu...

Đường đi của chim trời từ những chiếc bẫy, phần lớn điểm đặt chân tiếp theo và cũng là cuối cùng của chúng, đó là những nhà hàng 'chim to dần' mọc lên nhan nhản, công khai ở nhiều tỉnh thành.

Đường đi của chim trời từ những chiếc bẫy, phần lớn điểm đặt chân tiếp theo và cũng là cuối cùng của chúng, đó là những nhà hàng "chim to dần" mọc lên nhan nhản, công khai ở nhiều tỉnh thành.

Với những ưu ái của tự nhiên ban tặng, các loài chim hoang dã từ khắp nơi trên thế giới đã chọn Ramsa Xuân Thủy làm nơi cư trú hàng trăm năm qua, coi đó là quê hương của chúng để cứ đến mùa sẽ lại tìm về.

Thế nhưng, những kẻ coi bẫy bắt chim trời là nghề mưu sinh, đã lợi dụng thói quen, tập quán của loài chim để hành nghề trong thời gian dài. Việc săn bắt động vật hoang dã chim trời, có lẽ không có gì dễ và thuận tiện hơn khi bủa lưới vây bắt chúng ngay trước cửa “ngôi nhà” mà chúng tìm về cư trú, ngay tại khu vực mà chúng vẫn thường xuyên kiếm ăn, bắt mồi…

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nam Định Mai Quang Tuấn thông tin: Theo các chuyên gia, nhà khoa học, nhiều loài chim quý hiếm vẫn thường di trú về VQG Xuân Thủy được gắn chíp điện tử để theo dõi, bảo tồn hằng năm đã vắng bóng trong mấy năm gần đây. Không biết chuyện gì xảy ra với chúng, nhưng cũng có thể, chúng đã không kịp về nhà, bởi trên hành trình di cư, những tấm lưới bẫy, những chiếc loa gọi chim, con người lấy đồng loại của chúng ra để làm mồi nhử… đã khiến chúng dừng chân ở những chiếc bẫy sập, bẫy giăng?

Bẫy bắt chim trời là tội ác!

Theo lời của P., một dân bẫy bắt chim trời đã “hoàn lương, giải nghệ”, lợi nhuận của việc bẫy bắt chim trời là rất lớn, bởi bộ dụng cụ lưới vây, loa phát âm thanh, âm ly, ắc quy điện… trang bị rất dễ. Bỏ 1-2 triệu đồng, đi nửa buổi sáng là trang bị đủ dụng cụ hành nghề từ A -Z. Đó là chưa nói tới việc có thể đặt mua trên mạng xã hội, các trang mạng rao bán công khai các loại bẫy bắt chim trời, chim hoang dã.

Lưới 'tàng hình' - một trong những loại lưới bẫy bắt chim trời được giăng trên những cánh đồng của huyện Giao Thủy.

Lưới "tàng hình" - một trong những loại lưới bẫy bắt chim trời được giăng trên những cánh đồng của huyện Giao Thủy.

Những mẻ lưới trúng nguyên cả đàn vài chục con diệc, ngày hôm sau đã có vài chục triệu đồng. Một mùa chim, có những năm dân “đánh” chim kiếm được vài trăm triệu đồng. “Nhưng phải hiểu, bẫy bắt chim trời là tội ác", sau tất cả những câu chuyện, P. nói với tôi một cách đầy thành thực.

“Anh có bao giờ tự tay lấy chỉ, khâu mắt một con cò, con vạc, rồi cột chân nó để lấy nó làm mồi nhử bẫy bắt chính đồng loại của nó? Bản thân tôi bây giờ mới thấy, đó là tội lỗi”. Một lần, đứa con 5 tuổi của P. nhìn thấy bố làm cái việc dã tâm ấy, hỏi bố: “Bố ơi, bố bịt mắt nó, nó có nhìn thấy đường không? Có ai khâu mắt của con người không?”. Câu hỏi của đứa trẻ khiến P. bừng tỉnh. Từ đận ấy, P. bỏ nghề, đốt lưới, hoàn lương.

Tuy nhiên, một câu hỏi chưa có lời đáp, đó là những con chim trời bẫy bắt được, chúng đi đâu? Chúng không có cơ hội để bay về nơi cũ hay trở lại tự nhiên. Chúng cũng không thể vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ để sang quốc gia khác. Trong khi đó, những quán chim trời, những nhà hàng “chim to dần” mọc lên mỗi ngày một nhiều ở các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam…, có những chủ hàng mở cả chuỗi nhà hàng, nhiều cơ sở khác nhau, vẫn cung cấp một thứ mà họ cho là “đặc sắc”: chim trời.

Năm 2023, Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải đã kịp thời ngăn chặn, giải thoát hàng trăm cá thể chim trời trước khi chúng được đưa tới nơi tiêu thụ.

Năm 2023, Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải đã kịp thời ngăn chặn, giải thoát hàng trăm cá thể chim trời trước khi chúng được đưa tới nơi tiêu thụ.

 
Những con chim may mắn được giải cứu.

Những con chim may mắn được giải cứu.

Một cán bộ kiểm lâm khẳng định: các loài chim hoang dã, chim tự nhiên không thể nuôi sinh sản được. Do đó, có thể khẳng định những nhà hàng “chim to dần”, 100% sử dụng chim trời, chim hoang dã để kinh doanh, bán cho thực khách. Lực lượng chức năng chỉ cần kiểm tra về giấy tờ, nguồn gốc nhập chim về bán của họ, hoàn toàn biết được đường đi của chim hoang dã từ tự nhiên lên bàn nhậu là như thế nào!

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải Đỗ Huy Thông cho biết, anh đã nhiều lần cùng đồng nghiệp giải cứu cho những chú chim mồi: những con cò, vạc, rẽ giun, choắt… bị khâu mù mắt, trở thành con mồi thu hút đồng loại. Các anh dùng kéo cắt chỉ, khai thông đôi mắt cho chim, sau đó tái thả về trời. Những chim bị bẫy bắt được sau đó cũng được tái thả về tự nhiên, để chúng được tiếp tục sống đời chim hoang dã. “Mỗi lần tái thả chim về tự nhiên, tôi thấy nhẹ lòng hơn", anh Thông chia sẻ.

Tái thả chim về với tự nhiên tại VQG Xuân Thủy.

Tái thả chim về với tự nhiên tại VQG Xuân Thủy.

 

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nam Định có 2 Hạt Kiểm lâm trực thuộc, gồm Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải và Hạt Kiểm lâm Nghĩa Hưng. Hiện tại, mỗi hạt biên chế 5 nhân sự, phụ trách địa bàn rộng lớn gồm 4 huyện ven biển với hàng trăm ha rừng ngập mặn. Trong khi đó, đối tượng bẫy bắt chim như những người đứng trong bóng tối, có nhiều cách thức để đối phó với lực lượng chức năng.

“Khi có tin báo của quần chúng nhân dân việc có đối tượng đang chăng lưới bẫy bắt chim trời, khi xuống tới hiện trường thì người đã bỏ đi đâu mất, chỉ còn tang vật là lưới, loa phát âm thanh… Theo quy định của pháp luật, phải bắt quả tang đối tượng, tang vật thu giữ và loài chim bị bẫy bắt phải nằm trong danh mục loài quý hiếm, được quy định cụ thể trong các nghị định… mới đủ điều kiện để truy tố. Do không đủ cơ sở pháp lý nên chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính, số tiền nộp phạt là rất nhỏ… nên chưa đủ tính răn đe”, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải chia sẻ.

Ngày 23/10/2023, Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải phát hiện ông Đinh Văn Định (xóm Thức Hóa Tây, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy) có hành vi săn, bắt chim hoang dã trái phép tại khu cánh đồng xóm 7, xã Giao Long. Lực lượng chức năng đã tịch thu 2 cá thể chim diệc, 2 cá thể cò trắng, 14 chim vạc, 1 lưới rập 20m, rộng 2m, máy phát âm thanh kèm 2 loa. Tất cả các cá thể chim hoang dã được tái thả về môi trường tự nhiên, ông Định bị xử phạt số tiền 3 triệu đồng.

Cũng trong năm 2023, lực lượng kiểm lâm đã tái thả về tự nhiên hàng trăm cá thể chim trời; thu giữ khoảng 20.000 mét lưới, hàng chục loa gọi chim, bình ắc quy điện… Tuy nhiên, đó mới chỉ là con số nhìn thấy!

Xem thêm
Bãi nhiệm chức vụ loạt nhân sự cấp cao ở tỉnh Vĩnh Phúc

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã bãi nhiệm nhiều chức vụ của các cán bộ đã bị bắt tạm giam hoặc đã bị kỷ luật.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm