| Hotline: 0983.970.780

Tôm bố mẹ Việt - Úc khẳng định chất lượng vượt trội qua 10 thế hệ

Thứ Sáu 20/12/2019 , 11:10 (GMT+7)

Sự kiên trì và đầu tư của Việt- Úc đã mang lại “trái ngọt”. Sau 10 thế hệ tất cả các gia đình trong quần đàn tôm thẻ chân trắng bố mẹ tại Việt- Úc đã có tỷ lệ phần trăm tăng trọng bình quân hơn 60% so với quần đàn ban đầu...

Nhập giống ngoại: Đắt đỏ và rủi ro 

Con tôm- đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, chiếm gần phân nửa kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản, nhưng trong một thời gian dài, chúng ta lệ thuộc rất nhiều vào nguồn tôm bố mẹ nhập ngoại. Nếu nhìn toàn chuỗi ngành tôm từ tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn, tôm thương phẩm, tôm đã qua chế biến thì việc đầu tư cho phân khúc tôm bố mẹ là đầu tư công nghệ đỉnh cao của ngành tôm.

Hiện nay, đối với tôm sú, trên 50% nhập tôm bố mẹ từ nước ngoài, 50% chúng ta khai thác từ tự nhiên, nhưng nguồn này tỷ lệ tôm bố mẹ sạch bệnh rất thấp. Đối với tôm thẻ chân trắng, trước đây chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào nhập ngoại.

Việc nhập tôm bố mẹ từ nước ngoài có 3 điều bất lợi: một là nguồn cung hạn chế, lúc cao điểm sẽ không đáp ứng đơn hàng và thậm chí rủi ro cho cả ngành nếu không còn nguồn nhập; thứ hai là giá cao, thứ ba là chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng đến tôm giống. Như vậy, sự lệ thuộc quá lớn, không thể chủ động nguồn tôm bố mẹ đã khiến người nuôi tôm ở Việt Nam phải trả giá rất đắt mà vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
 

Phá bỏ “lệ thuộc” tiến đến chủ động

Dưới sự “đỡ đầu” của Cơ quan nghiên cứu khoa học và kỹ nghệ Quốc gia của Úc là Viện CSIRO, bắt đầu từ năm 2010 đến nay chỉ có duy nhất Tập đoàn Việt – Úc là doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tôm bố mẹ.

Sau nhiều năm tiến hành di truyền và chọn giống dưới sự giám sát nghiêm ngặt từ các cơ quan Nhà nước có uy tín cũng như từ phía Viện CSIRO, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chính thức cho phép Tập đoàn Việt- Úc đưa tôm thẻ chân trắng bố mẹ vào thương mại hóa, đánh dấu bước đột phá mới cho cả ngành tôm Việt Nam.

Hiện nay, Trung tâm Di truyền và chọn giống Việt -Úc đã chọn giống và cho ra đời nhiều thế hệ tôm có sức khỏe tốt, tỷ lệ sống cao và tăng trưởng tốt. 2 Trung tâm di truyền và chọn giống đặt tại Bình Thuận có diện tích trên 2 ha và Ninh Thuận 15 ha. Mỗi năm trung tâm giống đã lai tạo và cho ra đời hơn 65.000 cặp tôm bố mẹ chất lượng cao theo quy trình an toàn sinh học, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt trong chọn giống.
 

Kết quả tăng trưởng vượt trội

Trải qua nhiều thế hệ di truyền chọn giống và áp dụng thành công công nghệ sinh học phân tử, đặc biệt là công nghệ đa hình đơn Nucleotide (SNPs), Trung tâm di truyền chọn giống đã giúp cải thiện được nguồn gen đáng kể thông qua cải thiện các tính trạng về tăng trưởng, tỷ lệ sống, sức đề kháng, tính thích nghi, khả năng sinh sản... của con tôm.

Chương trình đã ứng dụng thành công công nghệ di truyền phân tử và di truyền số lượng. Công nghệ này dựa vào sự hiểu biết về gen, họ có thể giải mã được toàn bộ gen của con tôm kết hợp ứng dụng công nghệ điện tử truyền thông nên có thể bắn chíp vào từng con tôm, cấp “Chứng minh nhân dân” (CMND) cho từng cá thể; phân tích, theo dõi và sàng lọc hệ số cận huyết để cho ra dòng tôm bố mẹ hết sức ưu việt.

Với sự kiên trì và đầu tư của Việt- Úc đã mang lại “trái ngọt”. Sau 10 thế hệ tất cả các gia đình trong quần đàn tôm thẻ chân trắng bố mẹ tại Việt- Úc đã có tỷ lệ phần trăm tăng trọng bình quân hơn 60% so với quần đàn ban đầu, trong đó trung bình của 50% gia đình tốt, tăng trọng lên đến 66% và từng cá thể riêng biệt tốt, tăng trọng lến đến 73% so với thế hệ chọn giống ban đầu.

Biểu đồ tỷ lệ phần trăm tăng trọng tôm bố mẹ chọn giống tại Tập đoàn Việt - Úc.

Bên cạnh những tính trạng về tăng trưởng thì tính trạng về khả năng thích nghi tốt với điều kiện “nhiệt độ thấp và độ mặn thấp” cũng được Việt - Úc quan tâm và phát triển trong suốt quá trình di truyền chọn giống. Đến thời điểm hiện tại Việt - Úc đã chọn giống thành công các quần đàn tôm bố mẹ có khả năng thích nghi với “nhiệt độ thấp và độ mặn thấp”, đồng thời đang tiếp tục nâng cao các khả năng thích nghi này hơn nữa.
 

Lợi ích to lớn với người nuôi và ngành tôm Việt Nam

Thành tựu từ chương trình chọn giống tôm bố mẹ mang lại ý nghĩa lớn cho ngành tôm Việt Nam. Đầu tiên, chương trình đã góp phần giải quyết 1 vấn đề mà các bên từ nhà nhập khẩu, doanh nghiệp và Bộ NN- PTNT rất quan tâm đó là truy xuất nguồn gốc.

Việc này có ý nghĩa lớn, không chỉ giúp cho quy trình sản xuất được minh bạch, đảm bảo phòng ngừa dịch bệnh và kiểm soát chất lượng con giống trước khi xuất bán cho người nuôi mà qua đó, người nuôi sẽ an tâm hơn về chất lượng con giống, có thể biết được nguồn gốc xuất xứ từ đâu? Sử dụng thức ăn gì? Quá trình phát triển như thế nào?…


Ứng dụng công nghệ bắn chip điện tử để cấp “chứng minh nhân dân” cho tôm phục vụ quá trình theo dõi.

Việc chủ động nguồn tôm bố mẹ giúp sản xuất ra nguồn giống có tỷ lệ sống cao, sức đề kháng cao và thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng địa phương.  Điển hình là các hộ nuôi tôm tại khu vực miền Bắc – nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt và thay đổi, đòi hỏi con giống phải thích nghi tốt.

Hầu hết các hộ dân miền Bắc và miền Trung đều lấy giống Việt – Úc và có những đánh giá cao về tính thích nghi tốt, sự tăng trưởng nhanh, đồng đều và kích cỡ lớn của con giống, qua đó góp phần nâng cao năng suất và hiệu suất lợi nhuận cho bà con nuôi tôm tại đây.


Hợp tác xã Hà Khẩu, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), do anh Nguyễn Đăng Tới làm chủ, luôn tin tưởng giống tôm Việt – Úc, kết quả 3 ao thu về 22 tấn, size 36-30 con/kg, nuôi 96-110 ngày.


Hộ nuôi anh Nguyễn Huy Bình tại Đồng Nai, tuy vào mùa nghịch nhưng đạt kết quả tốt nhờ con giống Việt – Úc chống chịu và tăng trưởng tốt, 2 ao thu về 16 tấn, size 28 con/kg, lãi 1,4 tỷ đồng.

Tiến sĩ Greg Coman - chuyên gia nghiên cứu cấp cao Viện CSIRO, Giám đốc Chương trình chọn giống tôm thẻ và tôm sú hợp tác cùng Tập đoàn Việt - Úc: “Chọn lọc giống là khâu then chốt của việc tăng năng suất, hiệu quả kinh tế và tính bền vững trong ngành nuôi trồng và thủy sản.

Viện CSIRO có nhiều năm kinh nghiệm với chuyên môn chọn giống ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản và vận hành các chương trình chọn giống sử dụng số liệu chuyên sâu cho nhiều đối tượng thủy sản khác nhau.

Mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa CSIRO và Tập đoàn Việt-Úc đã và đang phát triển mạnh mẽ và bền vững, tận dụng tối đa thế mạnh riêng của từng bên để phát triển chương trình chọn giống này.

Cơ hội lớn cho chương trình chọn giống là khả năng cho ra sản phẩm tôm giống được chọn giống riêng, thích hợp cho người nuôi tại từng vùng miền chính ở Việt Nam”.

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản 3 kiêm Trưởng Bộ môn Nuôi thủy sản nước lợ (Đại học Nha Trang): “Hiện nay Tập đoàn Việt - Úc đã khẳng định được chất lượng tôm bố mẹ qua 10 thế hệ chọn giống với chất lượng vượt trội và kiểu gen được cải thiện đáng kể so với thế hệ chọn giống đầu tiên.

Với nguồn tôm bố mẹ chất lượng vượt trội này, Việt - Úc đã sản xuất được nguồn tôm giống có chất lượng vượt trội so với tôm giống của Việt- Úc những năm trước đây và đã đáp ứng được kỳ vọng của người nuôi tôm khắp cả nước, đặc biệt là khu vực miền Bắc và Bắc miền Trung với tiểu vùng khí hậu khắc nghiệt.

Hiệu quả của chương trình tôm bố mẹ của Tập đoàn Việt - Úc đã đóng góp rất lớn cho sự thành công của ngành công nghiệp nuôi tôm Việt Nam hiện tại và trong tương lai”.

Để đảm bảo cho sự phát triển tốt nhất và an toàn dành cho tôm bố mẹ, nguồn thức ăn đóng vai trò quan trọng.

82084700c9d7308969c6155641212
09-54-07_0e75868
Khu nuôi trùn theo quy trình an toàn sinh học (ảnh trên) và trùn trưởng thành (ảnh dưới).

Hiện nay Tập đoàn Việt – Úc đã đầu tư hệ thống trùn biển, nhằm chủ động tạo ra nguồn trùn biển đáp ứng các yêu cầu dinh dưỡng cao, nguồn cung ổn định và đặc biệt là sạch bệnh cho nhu cầu dinh dưỡng tôm bố mẹ để sinh sản ra các thế hệ ấu trùng tốt nhất.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.