| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' IUU:

Tồn tại từ lịch sử đến quy định pháp luật

Thứ Năm 09/04/2020 , 09:42 (GMT+7)

254 tàu cá ở Hà Tĩnh mặc dù công suất máy đủ điều kiện để được cấp phép khai thác xa bờ nhưng chiều dài lại không đạt theo quy định mới (trên 15 m).

Nhóm tàu cá dưới 6m lâu nay gần như các địa phương ở Hà Tĩnh thả nổi, không quản lý. Ảnh: Việt Khánh.

Nhóm tàu cá dưới 6m lâu nay gần như các địa phương ở Hà Tĩnh thả nổi, không quản lý. Ảnh: Việt Khánh.

Thả nổi nhóm tàu dưới 6 m

Hơn 2 năm qua, kể từ ngày Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” đối với hải sản của Việt Nam, ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã cùng với cả nước tăng cường lực lượng, nguồn lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, về cơ bản vẫn còn khá nhiều hạn chế trong việc thay đổi nhận thức cho ngư dân, chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm. Không những thế, một số bất cập trong quy định mới của Luật Thủy sản vô hình chung đẩy ngư dân vào thế khó.

Trước hết nói về tồn tại do lịch sử để lại, đó là việc thả nổi gần 300 chiếc tàu cá dưới 6m. Theo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, nhóm tàu này được giao cho chính quyền cấp xã quản lý nhưng thực tế các địa phương không tổ chức đăng ký, đăng kiểm cho nhóm tàu này, do đó, bây giờ công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Hơn 2 tháng nay, do ảnh hưởng của việc siết chặt khai thác thủy sản bất hợp pháp và dịch Covid-19 nên số tàu thuyền vươn khơi tại Hà Tĩnh giảm khoảng 30% so với cùng kỳ các năm trước. Đặc biệt là đội tàu chuyên khai thác cá, mực, tôm, sò xuất khẩu tiểu ngạch đi Trung Quốc.

“Tàu thuyền không đăng ký, đăng kiểm thì không được cấp giấy phép khai thác. Khi không có giấy phép khai thác, cơ quan chức năng cũng không thể cấp giấy tờ ra vào cảng cá.

Nếu EC yêu cầu truy xuất nguồn gốc đối với số hải sản của các tàu nhỏ này thì chắc chắn không đúng quy định”, một lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Tĩnh chia sẻ.

Tồn tại tiếp theo là việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho nhóm tàu có chiều dài từ 24m trở lên vẫn chưa thực hiện theo đúng lộ trình.

Hiện còn 2/14 tàu chưa lắp đặt, gồm tàu HT 96725 TS của ông Lê Văn Tư, xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh và tàu HT 96719 TS của ông Tôn Đức Vinh, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên.

Đặc biệt, việc cấp giấy chứng nhận ATTP cho các tàu cá chuyển biến rất chậm. Đến thời điểm này mới có 34/141 tàu cá có chiều dài từ 15m được cấp chứng nhận.

Ông Nguyễn Trọng Nhật, cán bộ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho hay, mặc dù đây là quy định bắt buộc nhưng chế tài thì mới nằm ở mức xử phạt hành chính nên nhiều ngư dân vẫn đang cố tình trốn tránh, lần lữa không thực hiện.

Thực trạng tàu cá không có giấy phép khai thác hoặc có giấy phép nhưng khai thác không đúng nghề ghi trong giấy phép cũng đang phổ biến ở vùng biển Hà Tĩnh.

Điển hình là vào mùa khai thác sò lụa, bình quân mỗi ngày có hàng chục tàu không có đăng ký hoặc đăng ký nghề câu, rê nhưng khai thác sò bằng phương pháp lặn.

Nhóm tàu này đại đa số cập cảng, rời cảng trong thời gian ngắn trong ngày nên lực lượng chức năng khó kiểm tra được thực tế để cấp giấy xác nhận ra, vào cảng.

Tàu cá dã cào khai thác hải sản bất hợp pháp trên vùng biển Hà Tĩnh bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: Việt Khánh.

Tàu cá dã cào khai thác hải sản bất hợp pháp trên vùng biển Hà Tĩnh bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: Việt Khánh.

“Ngoài ban quản lý các cảng cá và Chi cục Thủy sản, lực lượng tham gia kiểm soát tàu cá của Bộ đội Biên phòng chỉ bố trí thường trực tại mỗi cảng cá 1 người, không có người thay ca.

Trong khi nhân sự thực hiện nhiệm vụ tại Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá đang làm kiêm nhiệm nên áp lực kiểm tra, giám sát thực tế tàu ra, vào cảng gặp rất nhiều khó khăn”, ông Bùi Tuấn Sơn, Trưởng Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá chia sẻ.

Quy định mới vô tình đẩy ngư dân phạm luật

Theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, tàu cá có chiều dài trên 15m phải vào cảng cá chỉ định do Bộ NN-PTNT công bố để bán cá. Tuy nhiên, ở Hà Tĩnh hiện chỉ được 2 cảng cá Cửa Sót (huyện Lộc Hà) và Xuân Hội (huyện Nghi Xuân) đủ điều kiện.

Trong khi đó, số lượng tàu thuyền của ngư dân các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh chiếm tương đối lớn lại chưa có cảng đủ điều kiện để cập bến, ngư dân muốn neo đậu phải đi hơn 50 hải lý ra cảng Cửa Sót hoặc vào Quảng Bình để neo đậu là rất bất cập.

“Trước khi ban hành một quy định cứng thì Nhà nước cần phải xây dựng đồng bộ hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá để hỗ trợ ngư dân vươn khơi.

Như hiện nay, ngư trường khai thác của ngư dân huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Cẩm Xuyên đã cố định, nếu bắt họ đem tàu ra Cửa Sót neo đậu thì sẽ thất thoát mỗi chuyến ít nhất 2 triệu đồng tiền dầu, đó là chưa kể các chi phí phát sinh khác.

Như vậy, vô hình chung quy định của nhà nước đẩy ngư dân vào tình thế dễ vi phạm luật”, lãnh đạo Sở NN-PTNT phân tích.

Khi hạ tầng cảng cá chưa đảm bảo, việc bắt buộc tàu trên 15 m phải vào cảng chỉ định để neo đậu vô hình chung đẩy ngư dân vào thế phạm luật. Ảnh: Việt Khánh.

Khi hạ tầng cảng cá chưa đảm bảo, việc bắt buộc tàu trên 15 m phải vào cảng chỉ định để neo đậu vô hình chung đẩy ngư dân vào thế phạm luật. Ảnh: Việt Khánh.

Theo vị này, giải pháp tháo gỡ vướng mắc bây giờ là đầu tư nâng cấp 2 cảng cá Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) và Cửa Khẩu (thị xã Kỳ Anh) đảm bảo theo quy định, tạo điều kiện cho ngư dân chấp hành pháp luật.

Một bật cập khác cơ quan chức năng cần tháo gỡ nữa là quy định cấp giấy phép khai thác xa bờ cho nhóm tàu trên 90CV, chiều dài dưới 15m. Tại tỉnh Hà Tĩnh, hiện có 254 chiếc nằm trong diện khai thác “chui”, bởi Luật Thủy sản cũ quy định tàu cá công suất trên 90CV được cấp phép khai thác xa bờ, nhưng Luật Thủy sản mới sửa đổi thành tàu có chiều dài trên 15m.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Tĩnh nói: “Số tàu này về công suất thì đủ điều kiện khai thác xa bờ nhưng chiều dài thì không đạt theo quy định. Bộ NN-PTNT cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, có thể quy định thời gian chuyển đổi hoặc thời gian cải hoán để chủ tàu bắt nhịp, tránh tình trạng quy định chung chung gây khó khăn cho địa phương, lực lượng thực thi pháp luật”.

Từ đâu năm đến nay, lực lượng Kiểm ngư, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, chính quyền địa phương các cấp ở Hà Tĩnh đã tổ chức 17 cuộc thanh tra, tuần tra, kiểm soát các phương tiện hoạt động khai thác thuỷ sản trên biển.

Trực tiếp kiểm tra, kiểm soát trên 450 lượt tàu cá; phát hiện và xử lý hơn 50 trường hợp vi phạm; phạt tiền 37 trường hợp với tổng số tiền hơn 157 triệu đồng, tịch thu nhiều bộ kích điện cùng ắc quy; 3 bộ lưới giã cào; nhắc nhở 13 trường hợp.

Các hành vi chủ yếu là vi phạm vùng biển khai thác, sai nghề, không đầy đủ hồ sơ tàu cá, không ghi sổ nhật ký khai thác theo quy định.

Đến thời điểm này, trên địa bàn Hà Tĩnh chưa ghi nhận tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền vẫn luôn được các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm nhắc nhở, quán triệt.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.