| Hotline: 0983.970.780

Tổng chủ biên sách Cánh Diều nói 'bình tĩnh để nhận đúng, sai'

Thứ Hai 12/10/2020 , 17:51 (GMT+7)

Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều bị nhiều ý kiến cho là không phù hợp với học sinh lớp 1, GS. Nguyễn Minh Thuyết đã chia sẻ về vấn đề này.

GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - bộ sách Cánh Diều. Ảnh: Phạm Hiếu.

GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - bộ sách Cánh Diều. Ảnh: Phạm Hiếu.

Sau một tháng tổ chức dạy và học theo chương trình và sách giáo khoa lớp 1 mới, nhiều phụ huynh, giáo viên đánh giá việc dạy, học môn Tiếng Việt nặng và khó hơn so với chương trình cũ. Đặc biệt có ý kiến cho rằng bộ sách Cánh Diều có nhiều chi tiết khó hiểu, chưa phù hợp với trẻ mới vào lớp 1.

Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - bộ sách Cánh Diều, triết lý giáo dục và mục tiêu giáo dục của bộ sách là triết lý và mục tiêu chung của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đó là triết lý thực học - thực nghiệm và dân chủ. Mục tiêu là hình thành và phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Sách giáo khoa Cánh Diều kế thừa nhiều điểm tích cực của sách giáo khoa Tiếng Việt cũ. Còn những điểm khác biệt chính với sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 cũ là:

- Về thời lượng học: Sách cũ dạy toàn bộ phần chữ và vần trong 22 (hoặc 24) tuần với 10 tiết một tuần. Còn sách Cánh Diều dạy toàn bộ phần chữ và vần trong 26 tuần với 12 tiết một tuần. Như vậy, thời lượng dạy chữ và vần của sách Cánh Diều nhiều hơn sách cũ tới 92 tiết (hoặc 72 tiết). Điều này giúp nội dung của sách mới nhẹ nhàng hơn.

- Về các hoạt động trong một bài học chữ (hoặc học vần): Theo sách cũ, học sinh phải thực hiện 6 hoạt động (làm quen và đánh vần, tìm chữ và vần mới học, luyện nói, luyện đọc, viết bảng con, viết vào vở). Theo sách mới, học sinh chỉ thực hiện 4 hoạt động. Việc luyện nói được dành một tiết riêng trong tuần, gọi là kể chuyện. Việc viết vào vở cũng được dành hai tiết riêng trong tuần. Với sự thay đổi này, sách mới nhẹ nhàng hơn.

- Sách mới cố gắng tạo ra các bài tập đọc (các đoạn văn ngắn) sớm hơn, giúp học sinh gắn chữ và vần mới học với những câu chuyện, bài thơ cụ thể, làm việc học hấp dẫn hơn.

Một trong những nội dung trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (bộ Cánh Diều) bị nhiều ý kiến cho là không phù hợp với học sinh lớp 1. Ảnh: Phạm Hiếu. 

Một trong những nội dung trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (bộ Cánh Diều) bị nhiều ý kiến cho là không phù hợp với học sinh lớp 1. Ảnh: Phạm Hiếu. 

Trước những ý kiến cho rằng chương trình sách giáo khoa mới quá nặng đối với học sinh lớp 1, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng mục đích chính của môn Tiếng Việt ở lớp 1 là dạy trẻ biết đọc biết viết. Muốn biết đọc biết viết thì phải học đủ 29 chữ cái, hơn 10 chữ ghép (ch, ng, ngh, tr, kh,…). Chương trình lớp 1 trước đây, hiện nay và mai sau vẫn như vậy cho nên nói chương trình mới nặng là không đúng.

“Từ chương trình, mỗi bộ sách giáo khoa có cách tiếp cận khác nhau để dạy trẻ. Tôi cho rằng dạy thêm học thêm để giảm tải cho trẻ là không đúng. Điều đó càng gây áp lực cho trẻ. Tốt nhất là các thầy cô thực hiện dạy học phân hóa, chú ý kèm cặp, hướng dẫn các cháu còn chậm. Các bậc cha mẹ cũng không nên vì sốt ruột mà gây áp lực cho con. Các cháu còn học cả năm. Mới hơn một tháng đầu chưa nói lên điều gì”, Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1 đưa ra ý kiến.

GS. Nguyễn Minh Thuyết cũng chia sẻ: “Vừa qua, tôi có về huyện Đông Anh (Hà Nội) và huyện Xuân Trường (Nam Định). Giáo viên Đông Anh cho biết học sinh, giáo viên và cả phụ huynh học sinh rất hứng thú với sách giáo khoa mới. Ở huyện Xuân Trường, một số giáo viên phản ánh mỗi lớp hiện có khoảng 20 học sinh đã đọc trơn được, các học sinh khác đang còn phải đánh vần và 1-2 em còn gặp khó khăn ở cả đọc và viết".

“Theo tôi, đó là chuyện bình thường. Năng lực trời cho mỗi người một khác. Có em đọc viết chậm, nhưng có khi lại thông minh ở môn khác, hoạt động khác, nên đừng coi việc đọc viết chậm là bi kịch mà cần kiên nhẫn hướng dẫn, có giải pháp riêng cho những học sinh đó.

Tôi cũng mới về Hải Phòng dự hội nghị chuyên đề và dự hai tiết dạy. Tôi thấy các cô giáo dạy rất nhẹ nhàng, học sinh tiếp thu tốt, đọc và viết tốt. Một số tác giả trong nhóm chúng tôi cũng dự giờ ở Hà Nội, tôi cũng được giáo viên ở nhiều nơi gửi các clip ghi lại các tiết học. Chúng tôi thấy kết quả thực hiện tốt, đúng như dự tính. Tôi hy vọng với sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan giáo dục địa phương, những khó khăn ban đầu sẽ được sớm khắc phục”, GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.

“Trong cuộc sống, không ai không nhận được những ý kiến phê bình. Tôi đã nhiều tuổi rồi nên cảm xúc của tôi là bình tĩnh. Có bình tĩnh thì mới nhận ra được cái đúng cái sai, giải quyết được vấn đề”, GS. Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ khi nhận được những ý kiến từ dư luận.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

68 ngày đêm thần tốc thi công khu tái định cư Làng Nủ

Lào Cai tổ chức lễ bàn giao 40 căn nhà mới ở Làng Nủ; 15 căn nhà mới ở Nậm Tông cho 48 hộ dân bị mất nhà do lũ quét, thiên tai.