Các nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới đã tập trung tại thành phố Kazan của Nga để tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 diễn ra từ ngày 22 - 24/10.
"Đây là một cuộc họp có tầm quan trọng lớn đối với Liên hợp quốc, do các nước BRICS đại diện cho khoảng một nửa dân số thế giới. Tổng thư ký sẽ có cơ hội tổ chức một số cuộc họp song phương với các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh", Farhan Haq, phó phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ, phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 22/10.
Tuyên bố này nhằm đáp lại câu hỏi của một phóng viên liên quan đến việc Ukraine chỉ trích Tổng thư ký Guterres vì tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nga, đặc biệt là sau khi ông từ chối tham dự "hội nghị hòa bình" Ukraine do Thụy Sĩ tổ chức hồi tháng 6 năm nay.
Việc Tổng thư ký LHQ tham dự "các cuộc họp của các tổ chức có số lượng lớn các quốc gia thành viên quan trọng", như G7 và G20, được xem là "thông lệ tiêu chuẩn", ông Haq giải thích.
"Tổng thư ký LHQ sẽ tái khẳng định lập trường của mình về cuộc chiến ở Ukraine và các điều kiện cho một nền hòa bình công bằng", cũng như đề cập đến tự do hàng hải ở Biển Đen trong hội nghị thượng đỉnh ở Kazan, người phát ngôn nói thêm.
Trước đó, Thụy Sĩ đã tổ chức một hội nghị xoay quanh "công thức hòa bình" của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, một danh sách gồm 10 điểm mà Moscow đã bác bỏ là ảo tưởng. Nga đã không được mời tham dự hội nghị này, vốn bị giới chuyên gia đánh giá là một thất bại và không mang lại kết quả cụ thể nào.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ tổ chức các cuộc đàm phán song phương cấp cao và các cuộc thảo luận tập trung vào chủ nghĩa đa phương toàn cầu. Với việc hàng chục quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS hoặc tăng cường hợp tác với khối, các thành viên hiện tại đã đồng ý thảo luận về việc cung cấp quy chế đối tác cho một số quốc gia trong hội nghị thượng đỉnh năm nay.
Các thành viên BRICS hiện tại bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Khối kinh tế này đại diện cho khoảng 46% dân số thế giới và hơn 36% GDP toàn cầu, theo ước tính từ các tổ chức tài chính hàng đầu.