Bất ngờ với 8,89 tỷ USD
Đó là lời chia sẻ của ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), về kết quả xuất khẩu thủy sản cả năm nay ước đạt 8,89 tỷ USD mà Bộ NN-PTNT vừa công bố.
Nhìn lại chặng đường xuất khẩu thủy sản năm 2021, ông Hòe cho biết, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản khá thuận lợi khi đạt hơn 4,1 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả đó tạo ra sự phấn khởi cho cả ngành thủy sản với kỳ vọng xuất khẩu cả năm cũng sẽ rất thuận lợi.
Tuy nhiên, sang tháng 7, tháng 8, dịch bệnh diễn biến căng thẳng ở TP.HCM. Thời điểm đó, ở ĐBSCL, các nhà máy chế biến thủy sản vẫn hoạt động bình thường, nhưng tốc độ xuất khẩu thủy sản đã giảm mạnh do logistics bị tác động mạnh bởi dịch bệnh và Trung Quốc tăng cường kiểm dịch Covid-19 trên hàng đông lạnh nhập khẩu.
Tháng 8, giá trị xuất khẩu thủy sản giảm tới 36% so với cùng kỳ 2020. Tháng 9, xuất khẩu thủy sản tiếp tục giảm mạnh tới 23% so với cùng kỳ. Những khó khăn lớn trong sản xuất, xuất khẩu vào thời điểm ấy, khiến cho ngành thủy sản không tránh khỏi nỗi lo ngại rằng không biết xuất khẩu cả năm có đạt được kế hoạch 8,5 tỷ USD hay không? Thậm chí, VASEP từng xác định xuất khẩu cả năm có thể chỉ đạt khoảng 8,4 tỷ USD.
Nhưng từ tháng 10, khi các doanh nghiệp thủy sản phía Nam bắt tay vào phục hồi sản xuất, xuất khẩu thủy sản nhanh chóng phục hồi trở lại khi đạt 918 triệu USD, tăng tới 47% so với tháng 9 và gần tương đương với tháng 10/2020.
Ông Hòe cho biết xuất khẩu thủy sản tiếp tục phục hồi mạnh trong tháng 11 để rồi tổng giá trị xuất khẩu trong 11 tháng đạt con số bất ngờ là 8,1 tỷ USD.
Theo ông Hòe, thủy sản Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD trong năm nay, trước hết là Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ với quyết sách chống dịch thích ứng, linh hoạt, đã mang đến luồng sinh khí mới, giúp cho sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản nhanh chóng hồi phục.
Bên cạnh đó là sự đồng hành, chỉ đạo sát sao, kịp thời của các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ NN-PTNT, đã giúp cho nhiều doanh nghiệp thủy sản vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội.
Chẳng hạn, sự hỗ trợ kịp thời của Tổ Công tác 970 Bộ NN-PTNT đã giúp cho nhiều nhà máy duy trì được khâu thu mua, vận chuyển nguyên liệu thủy sản (vốn phải thu mua từ nhiều tỉnh).
Tổng cục Thủy sản cũng thường xuyên có những chỉ đạo sát sao về duy trì sản xuất thủy sản và đảm bảo cung ứng, lưu thông thủy sản nguyên liệu cho các nhà máy trong thời gian giãn cách xã hội ở phía Nam.
Bản thân nhiều doanh nghiệp thủy sản cũng đã rất nỗ lực, linh hoạt, tìm mọi biện pháp để dự trữ nguyên liệu đảm bảo duy trì việc chế biến thành phẩm, khắc phục những khó khăn rất lớn về thiếu tàu, thiếu container, cước vận chuyển tăng cao…
Qua đó, vẫn duy trì được việc giao hàng cho nhà nhập khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp thủy sản cũng tận dụng tốt những thời điểm thuận lợi hơn về thị trường, về logistics để đẩy mạnh xuất khẩu nhằm bù lại thời gian khó khăn, bế tắc.
Ông Hòe khẳng định, các doanh nghiệp thủy sản đã thể hiện được bản lĩnh trong những thời điểm gian khó nhất. Khi xuất khẩu gặp bế tắc, họ đã không hốt hoảng, không hạ giá để bán đổ bán tháo, mà bình tĩnh đánh giá tình hình, điều chỉnh kịp thời kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, khi xuất khẩu thuận lợi trở lại, các doanh nghiệp đã tận dụng rất tốt cơ hội để tăng tốc xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Tôm vẫn là sản phẩm số 1
Xuất khẩu tôm (mặt hàng chủ lực của thủy sản Việt Nam) trong năm 2021 cũng khá tương đồng với xuất khẩu thủy sản nói chung. 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm khá thuận lợi khi đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ 2020.
Sang tháng 8, do ảnh hưởng của giãn các xã hội, xuất khẩu tôm giảm mạnh tới 28% so với cùng kỳ năm 2020 và chỉ đạt 282,7 triệu USD. Tháng 9, xuất khẩu tôm tiếp tục giảm 20% đạt 308,5 triệu USD.
Tháng 10, xuất khẩu tôm đã có dấu hiệu phục hồi khi đạt 425,3 triệu USD, chỉ giảm nhẹ 1,5% so với tháng 10/2020. Tháng 11, xuất khẩu tôm đã thực sự hồi phục khi đạt 366 triệu USD, tăng 16% so vời cùng kỳ năm ngoái. Nhờ vậy, trong 11 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm đã đạt 3,555 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Ước tính trong cả năm nay, xuất khẩu tôm đạt trên 3,8 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2020.
Với giá trị xuất khẩu như trên, Việt Nam đang nằm trong Top 5 nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, đứng thứ 4 sau Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và đứng trước Thái Lan.
Điểm sáng nhất của tôm Việt Nam trong năm 2021 là giữ được sự tăng trưởng khá tốt sang thị trường Mỹ.
Theo VASEP, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam khá ổn định kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới. Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh tại Việt Nam, xuất khẩu tôm sang Mỹ chỉ giảm trong tháng 8 và nhanh chóng phục hồi trở lại trong tháng 9.
Trong 11 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đã đạt 984 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 28 % tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam. Nhu cầu tôm cỡ lớn của Mỹ đang hồi phục. Mỹ cũng có nhu cầu cao với sản phẩm tôm thịt tươi/đông lạnh (PD) của Việt Nam. Dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ tiếp tục đà tăng trưởng kéo dài đến quý I/2022.
Xuất khẩu tôm sang EU cũng tăng trưởng rất ấn tượng, nhất là trong tháng 11 vừa rồi với 66,5 triệu USD, tăng 86,4% so với tháng 11/2020. Tính chung 11 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang EU đã đạt 548 triệu USD, tăng 16% và chiếm 15,4% tổng giá trị xuất khẩu tôm của cả nước. Trong đó, 3 thị trường đơn lẻ lớn nhất của tôm Việt Nam ở EU là Hà Lan, Đức và Bỉ chiếm 69% nhập khẩu tôm Việt Nam vào EU.
Theo ông Hòe, những yếu tố quan trọng giúp cho xuất khẩu tôm vẫn thành công trong năm 2021 là Việt Nam đã tận dụng cơ hội thị trường khi Ấn Độ, Indonesia bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh (thời điểm ấy, dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát ở Việt Nam); nhu cầu sử dụng tôm vẫn cao, thị trường tiêu thụ tôm trên toàn cầu ổn định, không bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh như cá tra; các nhà nhập khẩu tin tưởng vào khả năng cung ứng của các doanh nghiệp tôm Việt Nam nên đã chuyển nhiều đơn hàng về Việt Nam khi các nguồn cung lớn khác gặp khó khăn …
Năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng
Ông Trương Đình Hòe cho rằng, nỗ lực, sản xuất, xuất khẩu thủy sản năm 2021 đã mang lại nhiều bài học quý giá cho sản xuất, xuất khẩu thủy sản năm 2022.
Tuy nhiên, việc cần làm hiện nay là phải đánh giá lại tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp thủy sản sau một thời gian dài vật lộn với những khó khăn rất lớn do dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó là đánh giá về “sức khỏe” của thị trường. Từ những đánh giá đó mới đề ra được những kế hoạch, giải pháp thích hợp cho sản xuất, xuất khẩu thủy sản trong năm 2020.
Dầu vậy, ông Hòe vẫn đưa ra nhận định, xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên toàn cầu vẫn đang tăng khoảng 5% mỗi năm. Nếu ngành thủy sản Việt Nam tận dụng tốt việc tăng nhu cầu trên thế giới để tăng thêm thị phần, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, thì hoàn toàn có thể duy trì được sự tăng trưởng trong năm tới.