Mặc dù không thiệt hại về người, nhưng 5 căn nhà cùng phần lớn tài sản đã bị nhấn chìm dưới lòng sông, khiến hàng chục người lớn, trẻ em trong phút chốc lâm cảnh màn trời chiếu đất.
|
Cảnh tan hoang sau vụ sạt lở ở ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè rạng sáng 27/6. |
Vụ sạt lở một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối nguy của hàng trăm gia đình đang sống ven sông ở TP.HCM.
Khi chúng tôi đến, tại hiện trường vụ sạt lở bên bờ con Kinh Lộ - Rạch Giồng, khu vực sạt lở cách đó vài trăm mét đã được lực lượng xã phong tỏa, đảm bảo an toàn. Những căn nhà chỉ còn lại một phần, tường và nền bị xé toang. Nhiều vật dụng của người dân đang lộn nhào dưới mặt nước sông đục ngầu. Gần 30 người trong 5 căn nhà sập đã được bố trí chỗ nghỉ tạm, nhưng trên khuôn mặt bơ phờ còn nguyên nét bàng hoàng. Những đứa trẻ toàn thân nhem nhuốc, thất thần.
Rạng sáng 27/6, người dân có nhà sát mép Kinh Lộ - Rạch Giồng đang say ngủ bỗng giật mình khi nghe những tiếng động lạ. Linh tính cho biết bờ sông đang sạt lở nên ngay lập tức hô hoán báo động rồi tháo chạy ra khỏi nhà trước ngay khi căn nhà đang rung chuyển, nghiêng xuống sông. Chỉ vài phút sau, căn nhà cùng nhiều đồ đạc bị sập. Theo người dân, đây là lần thứ 4 khu vực này bị sạt lở, nhưng lần này là nặng nhất.
Trong phút chốc, hàng chục người dân trong 5 căn nhà bị sập do sạt lở trắng tay. |
Có mặt tại hiện trường, ông Đỗ Minh Toàn, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Hiệp Phước cho biết, khu vực bị sạt lở có chiều dài khoảng 50m, sâu vào đất hơn 20m. Đây là một trong 6 điểm sạt lở nguy hiểm trên địa bàn xã. Điểm sạt lở này có 8 hộ với 42 nhân khẩu, 5 căn đã sập và 3 căn còn lại đang bị uy hiếp.
Theo nhận định ban đầu của một cán bộ Khu Quản lý đường thủy nội địa (KQLĐTNĐ), Sở GTVT TP.HCM, đơn vị quản lý đoạn sông bị sạt lở thì nguyên nhân sạt lở có thể do đoạn sông chưa có bờ kè, nền đất mềm, trong khi đó, dưới sông xuất hiện hố xoáy, khi triều cường dâng cao, nước xoáy mạnh đã gây vụ sạt lở trên. Hiện khu vực trên đã có dự án xây bờ kè nhưng đang chờ phê duyệt.
Theo thống kê của cơ quan liên ngành TP.HCM gồm Sở NN-PTNT, Sở GTVT và báo cáo của các quận, huyện, toàn TP có đến 42 điểm sạt lở thuộc địa bàn các quận 2, 7, 8, Thủ Đức, Bình Thạnh và các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ. Trong đó có 25 điểm sạt lở nguy hiểm.
Vết nứt trên đường Lê Văn Lương, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè hồi cuối tháng 5 vừa qua là phát sinh, không nằm trong danh sách các điểm sạt lở đã được khảo sát, thống kê. |