| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM chọn những bộ sách giáo khoa mới nào?

Thứ Bảy 30/05/2020 , 08:10 (GMT+7)

Các trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM đã hoàn tất việc chọn SGK lớp 1 để bắt đầu triển khai "Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 1" năm học 2020-2021.

Giáo viên các trường tham khảo các bộ sách giáo khoa tại một buổi hội thảo giới thiệu các bộ sách mới.

Giáo viên các trường tham khảo các bộ sách giáo khoa tại một buổi hội thảo giới thiệu các bộ sách mới.

Bộ sách dễ triển khai, thuận lợi cho phụ huynh

Tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Quận 1), sau thời gian thực hiện chọn sách, hội đồng chọn SGK nhà trường quyết định chọn bộ “Chân trời sáng tạo”. Đây là bộ sách do Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn.

Cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Quận 1) chia sẻ, qua đánh giá của các giáo viên, ban đầu có sự lưỡng lự ở bộ môn mĩ thuật, âm nhạc. Tuy nhiên, xét tổng thể thì bộ sách “Chân trời sáng tạo” có hệ thống bài giảng gần gũi, có giá trị liên hệ thực tiễn đến đời sống hàng ngày, môi trường xung quanh học sinh và dễ giảng dạy nên hội đồng đã quyết định chọn bộ sách này.

Bộ sách 'Chân trời sáng tạo' được nhiều trường lựa chọn vào giảng dậy từ năm học 2020-2021.

Bộ sách "Chân trời sáng tạo" được nhiều trường lựa chọn vào giảng dậy từ năm học 2020-2021.

Qua ghi nhận, hầu hết các trường đều chọn nguyên bộ sách giáo khoa (SGK) chứ không chọn từng môn của các bộ sách. Trong số 5 bộ SGK đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt là “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo”, “Cùng học để phát triển năng lực”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”, “Cánh diều” thì hầu hết các trường chọn bộ “Chân trời và sáng tạo”.

Mặt khác, nội dung bộ sách cũng phù hợp phong tục tập quán, lối sống, văn hóa người Việt Nam, trong đó chú trọng đến phong tục, tập quán lối sống văn hóa của địa phương.

Đặc biệt, hướng đến mục tiêu hội nhập, bám sát định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.

“Bước đầu nhà trường sẽ triển khai giảng dạy thử nghiệm, sau đó đánh giá kết quả rồi tiếp tục đưa ra quyết định chọn hẳn bộ sách phù hợp”, cô Thu Hương cho biết.

Tại Trường Tiểu học Thanh Đa (Quận Bình Thạnh), ban đầu hội đồng chọn SGK của trường dự định chọn theo từng môn của các bộ sách.

Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thị Lệ, Hiệu trưởng nhà trường, nếu chọn từng môn sẽ gây khó khăn trong việc tìm mua đủ bộ sách cho cả nhà trường lẫn phụ huynh học sinh.

Trong khi đó, xét về nội dung thì bộ “Chân trời sáng tạo” phù hợp nhất với định hướng giáo dục của TP.HCM. Bộ sách cũng dễ triển khai, thuận tiện cho phụ huynh hỗ trợ bài vở cho con cái tại nhà, tạo sự phối hợp nhịp nhàng với nhà trường trong giáo dục toàn diện học sinh.

Cũng theo cô Nguyễn Thị Lệ, việc thực hiện chọn SGK được nhà trường chủ động thực hiện khách quan, khoa học, theo đúng quy định Bộ GD&ĐT.

“Để chọn sách, nhà trường phải thành lập hội đồng chọn sách. Ban đầu, từng tổ bộ môn phải đọc, nghiên cứu hết các bộ sách rồi bỏ phiếu chọn. Sau đó, hội đồng chọn sách tiếp tục đánh giá dựa trên kết quả ban đầu rồi tiếp tục bỏ phiếu chọn lần nữa. Ngoài giáo viên, ban giám hiệu nhà trường còn có sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh vào chọn sách”, cô Lệ cho biết.

Đánh giá dựa trên năng lực, phẩm chất học sinh

Nhìn chung, việc lựa chọn SGK lớp 1 tại các quận/huyện trên địa bàn TP.HCM đến nay đã hoàn tất và bộ sách “Chân trời sáng tạo” chiếm ưu thế.

Tại quận Tân Phú, có 19 trường tiểu học thì gần 90% trường lựa chọn bộ sách “Chân trời sáng tạo”, còn lại chọn bộ sách “Cánh diều”.

Trong khi đó, tại quận Bình Tân có 22 trường tiểu học thì hơn 60% chọn bộ “Chân trời sáng tạo”, còn lại chọn bộ “Cánh Diều”. Tương tự, quận Tân Bình, có 27 trường tiểu học thì 70% trường chọn bộ “Chân trời sáng tạo”, còn lại chọn bộ “Cánh diều”…

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã cụ thể hóa mục tiêu giáo dục trọng tâm chuyển từ việc dạy học, kiểm tra, đánh giá theo cách tiếp cận kiến thức, kĩ năng sang định hướng hình thành, phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã cụ thể hóa mục tiêu giáo dục trọng tâm chuyển từ việc dạy học, kiểm tra, đánh giá theo cách tiếp cận kiến thức, kĩ năng sang định hướng hình thành, phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất.

Tuy nhiên, nhiều người đặt vấn đề, một chương trình với nhiều bộ SGK thì việc quản lý cũng như đánh giá năng lực học sinh thực hiện như thế nào?

Trước vấn đề trên, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân cho hay, thực hiện một chương trình nhiều bộ sách sẽ không kiểm tra kiến thức nội dung trong sách mà kiểm tra, đánh giá dựa trên phẩm chất, năng lực học sinh đạt được. Như vậy, giáo viên sẽ dựa trên khung chương trình để đánh giá sự tiến bộ của học sinh.

Theo một số giáo viên, chương trình giáo dục phổ thông mới đã cụ thể hóa mục tiêu giáo dục trọng tâm chuyển từ việc dạy học, kiểm tra, đánh giá theo cách tiếp cận kiến thức, kĩ năng sang định hướng hình thành, phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất. Như vậy, chương trình SGK hiện hành đánh giá đầu ra theo chuẩn kiến thức kĩ năng, thái độ thì Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đánh giá người học theo chuẩn năng lực, phẩm chất.

Hơn nữa, hiện nay Bộ GD&ĐT cũng đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học để thay thế cho Thông tư số 41 năm 2010 ban hành Điều lệ trường tiểu học. Việc xây dựng thông tư mới về điều lệ trường tiểu học nhằm đáp ứng các yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như yêu cầu thực tế cuộc sống.

Sở GD&ĐT TP.HCM cần có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các bộ sách

UBND TP.HCM đề nghị Sở GD&ĐT TP.HCM phải chủ động bám sát các chỉ đạo của Bộ GD&ĐT để triển khai hướng dẫn đảm bảo tính công bằng, khách quan trong việc thực hiện các bộ sách giáo khoa cho Chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2020-2021.

Đặc biệt cần lưu ý một số nội dung khi các bộ SGK lớp 1 đưa vào áp dụng như nội dung bài giảng của từng sách có thể khác nhau; cùng một vấn đề nhưng khía cạnh tiếp cận khác nhau, cách giảng dạy khác nhau dẫn đến học sinh có thể tiếp thu không đồng đều hay chênh lệch về kiến thức hoặc bị chênh về chương trình.

Qua đó, Sở GD-ĐT phải dự báo trước các tình huống và có văn bản hướng dẫn các trường triển khai thực hiện nhằm đảm bảo việc học cho học sinh được đồng đều và đạt chuẩn.

Về Dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.HCM cần chủ động đề xuất, kiến nghị Bộ rút gọn quy trình, tránh rườm rà nhưng phải đảm bảo tính khách quan.

Đối với các đợt chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông thời gian tới, UBND TP.HCM yêu cầu Sở GD-ĐT phải chủ động bám sát các chỉ đạo của Bộ GD-ĐT để triển khai, hướng dẫn đảm bảo tính khách quan, công bằng, tạo điều kiện cho các bộ sách được tiếp cận và giới thiệu công khai cho các đơn vị để lựa chọn, đồng thời đưa các bộ SGK đã được Bộ phê duyệt lên cổng thông tin điện tử của ngành để lấy ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, phụ huynh học sinh.

(Kiến thức gia đình số 22)

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.