Nội dung này được đề cập trong công văn khẩn của UBND TP.HCM do Phó Chủ tịch Dương Anh Đức ký gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Ngoại giao ngày 30/3.
Theo UBND TP.HCM, sau khi phát hiện ổ dịch Covid-19 từ nhóm nhân viên bốc xếp hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất thời gian vừa qua và đánh giá các yếu tố nguy cơ ở khu vực này.
Do đó, UBND TP.HCM đề xuất đưa nhóm nhân viên làm việc trong sân bay, có tiếp xúc với hành khách vào đối tượng ưu tiên tiêm vacxin phòng Covid-19 đợt đầu.
Bởi đây một cơ sở trọng yếu trong hoạt động kinh tế, giao thông của TP.HCM cũng như cả nước cần được đảm bảo an toàn, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ, không để cho dịch xảy ra ở Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất,
Chính quyền TP.HCM đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia cấp bổ sung 6.000 liều vacxin phòng Covid-19 cho TP.HCM để kịp thời tổ chức tiêm trong đợt đầu cho nhóm nguy cơ cao tại sân bay Tân Sơn Nhất.
TP.HCM tiếp nhận 8.000 liều vacxin Covid-19 AstraZeneca trong Chiến dịch tiêm chủng đợt một toàn thành phố diễn ra từ ngày 22/3 và hoàn thành trước ngày 19/4. Số vacxin này được tiêm cho 8.000 nhân viên chống Covid-19. Mục tiêu của TP.HCM là 95% nhân viên tham gia chống dịch Covid-19 được tiêm chủng và phải đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vacxin phòng Covid-19.
Vacxin sử dụng trong đợt tiêm này thuộc lô 117.600 liều vacxin AstraZeneca đầu tiên được nhập về Việt Nam hôm 22/4 thông qua VNVC.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo yêu cầu an toàn tối đa trong tổ chức cách ly tập trung, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly và lây lan ra cộng đồng, UBND TP.HCM đề xuất chỉ tiếp nhận tối đa 350 giường cho mỗi đợt cách ly ở các khu cách ly tập trung của quân đội trên địa bàn do cần tập trung nguồn lực cho công tác quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động cách ly tập trung có thu phí tại các cơ sở lưu trú du lịch với công suất 4.000 giường.
Hiện trên địa bàn TP.HCM có 2 khu cách ly tập trung của quân đội với tổng công suất 378 giường, phục vụ việc cách ly y tế cho công dân Việt Nam nhập cảnh trên các chuyến bay giải cứu gồm Khu C Trường Quân sự Thành phố tại huyện Củ Chi (300 giường) và Trụ sở Trung đoàn 10, Bộ Tư lệnh Thành phố tại huyện Nhà Bè (78 giường).
Bên cạnh đó, Trường Quân sự Thành phố (huyện Củ Chi) còn là địa điểm thiết lập Bệnh viện Dã chiến Củ Chi với công suất 300 giường, phục vụ công tác thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 của TP.HCM hoạt động suốt từ đầu mùa dịch Covid-19 cho đến nay.
Theo UBND TP.HCM, dựa trên nhu cầu thực tiễn, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, TP.HCM đã tổ chức các khu cách ly tập trung có thu phí tại 42 cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn), với tổng công suất 4.000 giường, phục vụ cách ly y tế cho chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào làm việc tại Việt Nam, các tổ bay quốc tế và một số công dân Việt Nam nhập cảnh có nguyện vọng cách ly tại khách sạn có thu phí. Các cơ sở cách ly tập trung tại khách sạn đều được thẩm định nghiêm để đảm bảo đầy đủ điều kiện tổ chức cách ly y tế theo quy định của Bộ Y tế.