| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM đề xuất dạy học trực tiếp ở địa bàn dịch cấp độ 1, 2

Thứ Năm 28/10/2021 , 11:22 (GMT+7)

Sở GD&ĐT TP.HCM có tờ trình gửi UBND TP.HCM về dự thảo kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo từng cấp độ dịch.

Huyện Củ Chi là địa phương đầu tiên được TP.HCM lựa chọn triển khai tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 cho lứa tuổi dưới 18 tuổi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Huyện Củ Chi là địa phương đầu tiên được TP.HCM lựa chọn triển khai tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 cho lứa tuổi dưới 18 tuổi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo đó, đối với địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp) và cấp độ 2 (trung bình) thì tổ chức dạy học trực tiếp, không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường.

Những cơ sở giáo dục ngoài công lập, nếu đảm bảo các điều kiện an toàn, có thể bố trí nội trú, bán trú, xe đưa rước học sinh…

Trong đó, trường học phải đảm bảo giãn cách, đánh giá theo bộ tiêu chí an toàn Covid trong ngành giáo dục do UBND TP.HCM ban hành. Nhà trường cũng chuẩn bị các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang hình thức dạy trực tuyến khi dịch bệnh phức tạp.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học được tổ chức dạy học trực tiếp nếu đáp ứng Bộ tiêu chí an toàn trường học, đảm bảo đội ngũ giảng viên và sinh viên được tiêm đủ liều vacxin, đảm bảo quy định phòng chống dịch.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao) thì tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình, không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài lớp học.

Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định việc học dạy học cho từng lớp, khối lớp. Với cấp phổ thông ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, 2, 6, 9 và lớp 12.

Khi tổ chức học trực tiếp cho học sinh, sinh viên phải bố trí lệch ca, lệch giờ, không tập trung đông người, giãn cách tối đa, đảm bảo giới hạn về số người học/lớp theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn Covid-19 của Thành phố.

Đối với địa bàn được xác định ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), Sở GD&ĐT TP.HCM đề nghị dạy và học theo hình thức trực tuyến, qua truyền hình, giao bài tự học. Với cấp học mầm non, phổ thông, giáo viên hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, học sinh học tập, vui chơi tại nhà theo hình thức phù hợp. Phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả, an toàn các thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, học qua truyền hình, có phương án chuyển tài liệu học tập đến những học sinh còn thiếu thiết bị học tập trực tuyến, qua truyền hình.

Về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu các trường rà soát tình hình cơ sở vật chất, kể cả ngoài công lập. Có kế hoạch sửa chữa cụ thể đối với các trường đã được trưng dụng làm cách ly, tiêm chủng, xét nghiệm trong thời gian qua.

Cũng theo dự thảo này, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ chủ động phối hợp với Sở Y tế TP.HCM xây dựng phương án an toàn, phòng Covid-19 trong trường học, rà soát tham mưu việc điều chỉnh bộ tiêu chí an toàn đối với cơ sở giáo dục.

Triển khai các hướng dẫn chuyên môn về phương án tổ chức học tập trực tiếp phù hợp với từng cấp học bậc học và chuyển hình thức học tập ngay khi thay đổi cấp độ dịch tại địa phương...

Hiện TP.HCM có khoảng 1,3 triệu học sinh phổ thông, GDTX đang học tập trực tuyến, trên truyền hình do ảnh hưởng của dịch bệnh, phải giãn cách kéo dài.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, một trong những điều kiện cần để mở lại trường học là độ bao phủ vacxin phòng Covid-19. 

Ngày 27/10, TP.HCM đã khởi động chiến dịch tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Bắt đầu triển khai từ độ tuổi 16-17 tuổi, sau đó hạ thấp dần độ tuổi trong những ngày tiếp theo với 400 điểm tiêm vacxin tại điểm trường, cũng như nhân vật lực ngành giáo dục, y tế đã sẵn sàng theo kế hoạch của UBND TP.HCM.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đã chuẩn bị đầy đủ nguồn vacxin cho các khu vực trọng yếu, đảm bảo tổ chức tiêm cho các em từ 12 tuổi trở lên. Do đó, nguồn vacxin phòng Covid-19 tiêm cho trẻ tại TP.HCM hoàn toàn chủ động.

Xem thêm
Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội trước sau đó bầu Chủ tịch nước

Công tác nhân sự sẽ được Quốc hội khóa XV thực hiện từ 20-22/5, trong đó chức danh Chủ tịch Quốc hội sẽ được bầu trước, sau đó là chức danh Chủ tịch nước.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.