Đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá cao kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của TP.HCM |
Ngày 7/8, đoàn Công tác Trung ương do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát kết quả 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của BCH TW Đảng khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT tại TP.HCM. Tham dự có ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân; ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM; cùng đại diện các sở, ban ngành của TP.HCM.
Theo báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, hiện toàn TP có 1.208 trường mầm non (nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi); 100% giáo viên đạt chuẩn, 63,4% giáo viên đạt trên chuẩn. Bên cạnh đó, TP cũng đã triển khai thí điểm “Hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ ở khu công nghiệp - khu chế xuất” tại Quận 7, Quận Bình Tân, Quận Thủ Đức và huyện Củ Chi với 514 trẻ.
Ở bậc Tiểu học đã đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học, hình thức tổ chức dạy học; 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn; 96,7% trên chuẩn; 100% học sinh được học tiếng Anh từ lớp 1. Ở bậc THCS có 100% giáo viên đạt chuẩn; 85,3% giáo viên trên chuẩn. Đối với THPT có các hoạt động dạy học tích hợp liên môn, hoạt động trải nghiệm, tiết học ngoại khóa… được đưa vào thực hiện. Bên cạnh đó, cũng phối hợp với các trường cao đẳng chuyên nghiệp đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết, TP đang hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Toàn TP có 320 trung tâm học tập cộng đồng, đạt tỷ lệ 100% đạt chỉ tiêu đề ra. Cùng với nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lí, TP chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm TP xây thêm 55 trường học, trong đó số trường công lập là 13 trường. Trong đó, mỗi năm tăng thêm hơn 1.300 phòng học, công lập là 927 phòng học (chiếm đến 67%). Bình quân mỗi năm TP tăng 47.000 học sinh, các trường công lập gánh tỷ lệ 69%. Do trường lớp ít nên hiện nay, ở bậc tiểu học sĩ số là 44 học sinh/lớp...
Mục tiêu TP.HCM phấn đấu đến năm 2030, hệ thống GD-ĐT được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới nhưng vẫn giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc, đưa TP.HCM trở thành trung tâm giáo dục – đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á...
Lãnh đạo TP kiến nghị Trung ương cho phép ngành GD-ĐT TP.HCM cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới như tổ chức thi tốt nghiệp THPT, định hướng mở trong biên chế năm học, linh hoạt về sĩ số lớp học theo đặc điểm địa phương… Bên cạnh đó, cho phép TP thực hiện thí điểm những dự án xây dựng trường học ở các quận nội thành không còn quỹ đất được nâng tầng cao phù hợp thực tế từng địa bàn để giải quyết tình trạng thiếu phòng học ở khu dân cư đông đúc như hiện nay.
Đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá cao kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của TP.HCM; trong đó kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển giáo dục của TP ở mức cao, dẫn đầu trong cả nước trong. TP đã chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá, coi trọng giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phẩm chất công dân, lý tưởng cách mạng với nhiều hình thức thu hút học sinh tham gia và xã hội ủng hộ; chất lượng đội ngũ không ngừng được bồi dưỡng nâng cao trình độ. Thành phố cũng có nhiều cơ chế, chính sách nâng cao đời sống giáo viên. Trong thời gian tới, thành phố cần tiếp tục kết nối hiệu quả với các trường đại học trên địa bàn trong việc nghiên cứu chính sách vĩ mô, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố, vùng và cả nước. Làm sao để TP không chỉ là nơi để con em ở các vùng miền trên cả nước về học tập, mà ngay cả sinh viên quốc tế của các nước trong khu vực, trên thế giới cũng có thể đến Thành phố để học.