| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM xử lý triệt để vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn khu dân cư

Thứ Ba 09/03/2021 , 18:21 (GMT+7)

Ô nhiễm tiếng ồn là vấn đề tồn tại khá lâu, đặc biệt nóng vào thời gian gần đây. Lãnh đạo TP.HCM quyết tâm xử lý triệt để theo đúng quy định pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì cuộc họp triển khai đề xuất xử lý vi phạm tiếng ồn trên địa bàn TP.HCM ngày 9/3. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì cuộc họp triển khai đề xuất xử lý vi phạm tiếng ồn trên địa bàn TP.HCM ngày 9/3. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Tra tấn” bằng tiếng ồn karaoke

Sống trong một chung cư trên địa bàn đường Cây Keo, phường Tam Phú, quận Thủ Đức (cũ), chị Phan Thị Hải Hà cho biết, chị thường xuyên bị “tra tấn” bởi những tiếng ồn do người dân tại con hẻm gần chung cư thường xuyên tổ chức tiệc tùng và lúc nào họ cũng “khuyến mãi” thêm thùng loa kéo “to tướng”.

“Họ mở nhạc rất to, hát không kể giờ giấc, không khi nào nghỉ trước 23 giờ. Trong khi đó, thùng loa thì toàn xoay về hướng chung cư tôi ở. Tiếng ồn karaoke quá to khiến tôi đau đầu nhất là mỗi lần sau giờ đi làm về mệt mỏi, lại nghe như thế thì thật không chịu nổi. Khổ nhất là trẻ nhỏ, tiếng quá to khiến chúng không tập trung học bài.

Tôi rất mong cơ quan chức năng tới từng khu phố, tuyên truyền cho người dân hiểu được sự ô nhiễm tiếng ồn ảnh hướng đến cuộc sống của người khác như thế nào. Và phải yêu cầu người dân viết cam kết, không hát quá to, quá lâu. Tạo nếp sống văn minh trên mỗi khu phố”, chị Phan Thị Hải Hà chia sẻ.

Chị Đoàn Thị Lệ Quyên, sống trong một chung cư trên địa bàn Quận 4 cũng chịu cảnh như vậy. “Tôi sống tại tầng 13 chung cư trên địa bàn quận 4, tuy nhiên khu vực xung quanh chung cư tôi ở cứ chiều đến là dân lao động lại ngồi tụ tập vài chai bia và hát inh ỏi đến khuya. Khi đọc báo thấy Chủ tịch UBND TP.HCM ra chỉ thị cấm loại hình này nhưng tôi thấy chưa khi nào họ ngưng hát cả. Tôi ở trên cao còn thế huống chi bà con ngay bên cạnh. Không những thế, họ còn đánh nhau vì hát hay hát dở”, chị Lệ Quyên tâm sự.

Tương tự, chị Lưu Thị Minh, sống tại một con hẻm trên đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9 (cũ) cũng chịu sự “tra tấn” từ hàng xóm. “Ở xóm tôi họ hát vô tội vạ, rất ồn ào và khó chịu. Tôi nghĩ, đã hát karaoke tại gia thì phải có cách âm để tránh làm phiền cho người khác và hát theo giờ quy định”, chị Minh nói.

Gặp khó khi xử lý vi phạm tiếng ồn

Tại cuộc họp triển khai đề xuất xử lý vi phạm tiếng ồn trên địa bàn TP.HCM ngày 9/3 do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì, hầu hết các đại biểu cho rằng trong các nguồn gây ồn, nhóm tiếng ồn từ hoạt động sinh hoạt của người dân là vấn đề thành phố cần tập trung giải quyết.

Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hồ Phương cho biết, những ngày qua, khi địa phương xử lý mạnh, các quán nhậu dùng loa công suất lớn tỏ ra e dè. Tuy nhiên, khi lực lượng kiểm tra rút về, tiếng ồn trở lại như cũ. Chính quyền cơ sở cũng gặp khó trong xử lý tiếng ồn từ loa karaoke kéo gắn vào xe máy chạy dọc trên đường, từng khu phố. Do vậy, cơ quan chức năng cần quy định cụ thể để xử phạt những trường hợp gây ồn di động này.

Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu cho biết trong thực tiễn, vấn đề khó nhất về xử lý tiếng ồn tại khu dân cư là có chứng cứ và bắt quả tang để xử lý. Theo quy định hiện nay, cán bộ không có thẩm quyền thuê đơn vị độc lập có chức năng kiểm tra tiếng ồn.

Ông Hiếu đề xuất, khi việc xử phạt bằng luật còn gặp khó thì địa phương cần vận dụng vai trò quản lý dựa vào cộng đồng thông qua hương ước, quy ước, để kiểm soát tiếng ồn tại các khu dân cư. Đồng thời, tăng cường lực lượng cảnh sát khu vực để thường xuyên nhắc nhở người dân thực hiện cam kết…

Karaoke kéo 'di động' khiến nhiều người dân trên địa bàn TP.HCM khổ sở vì thường xuyên bị 'tra tấn' bởi tiếng ồn không kể ngày đêm. Ảnh: Minh Sáng.

Karaoke kéo "di động" khiến nhiều người dân trên địa bàn TP.HCM khổ sở vì thường xuyên bị "tra tấn" bởi tiếng ồn không kể ngày đêm. Ảnh: Minh Sáng.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho rằng, tiếng ồn ảnh hưởng đến sức khỏe chung, giấc ngủ không ngon, nhất là những người đang phải điều trị bệnh. Khi tiếp xúc với tiếng ồn thường xuyên sẽ khiến tăng huyết áp, đặc biệt là người lớn tuổi dễ bị đột quỵ. “Trong lúc chờ quy định thì chúng ta cần nhắc nhở các hộ dân sau 21 giờ điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe, không ảnh hưởng đến người xung quanh”, ông Hưng nói.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (TN-MT), tiếng ồn phát sinh từ 4 nguồn. Thứ nhất, từ hoạt động dịch vụ karaoke, các điểm vui chơi, dịch vụ có quy mô lớn như vũ trường, quán bar, beer club…

Thứ 2 là quán nhậu vỉa hè mở nhạc, hát loa di động công suất lớn, cường độ âm thanh lớn.

Thứ 3 là hộ gia đình có trang bị dàn âm thanh, loa, karaoke, máy phát nhạc, chiếu phim; hộ gia đình thuê dàn nhạc để ca hát hoặc các sinh hoạt văn hóa gia đình như tiệc cưới, lễ tang, sinh nhật và các dạng sinh hoạt đám mừng, liên hoan khác….

Cuối cùng là các loại hình buôn bán có sử dụng loa phát quảng cáo (siêu thị, chợ, tiệm photocopy, các điểm quảng cáo…), địa điểm sinh hoạt công cộng (công viên, nhà thờ, chùa…).

Sở TN-MT cho biết, trong giai đoạn 2019-2020, Thành phố đã xử phạt 141 trường hợp vi phạm về ô nhiễm tiếng ồn tại 17 quận/huyện với số tiền xử phạt là hơn 818 triệu đồng. Trong số này, chỉ có 20 trường hợp là vi phạm tiếng ồn trong sinh hoạt tại khu dân cư.

Về việc xử lý vi phạm hành chính các trường hợp gây tiếng ồn theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, Sở TN-MT TP.HCM cho rằng, còn gặp một số khó khăn.

Cụ thể, để xử phạt vi phạm bắt buộc phải có kết quả đo đạc môi trường bởi đơn vị có chức năng được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường).

Mặt khác, chỉ có Chánh Thanh tra Bộ TN-MT; Chủ tịch UBND TP; Chánh thanh tra Sở TN-MT; Chủ tịch UBND cấp huyện; Lực lượng Công an nhân dân mới có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, việc hát karaoke, nghe nhạc là nhu cầu giải trí chính đáng của người dân, tuy nhiên phải đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật, không được gây ảnh hưởng, tác động đến môi trường xung quanh.

Sở TN-MT đề xuất giải pháp trong thời gian tới chia 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Giai đoạn 2 là tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Sở TN-MT TP.HCM kiến nghị Bộ TN-MT sửa một số hạn chế trong quy định về ô nhiễm tiếng ồn như bổ sung thêm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn của UBND phường, xã trong Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 155/2016/NĐ-CP 18/11/2016; Bổ sung nhóm hành vi vi phạm về tiếng ồn đối với loại hình sinh hoạt trong khu dân cư; Sửa đổi quy chuẩn về tiếng ồn; Tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về tiếng ồn.

Cuối năm 2021, không còn vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định, tiếng ồn là vấn nạn đô thị mà Thành phố cần tập trung xử lý. Đô thị phát triển thì tiếng ồn từ nhiều nơi, nhiều nguồn tăng lên, tuy nhiên, cần kiểm soát và vận động người dân cùng tham gia.

“Ô nhiễm tiếng ồn là vấn nạn, là hành vi không phù hợp, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, đặc biệt nó làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân. Chúng ta cố gắng có để nâng cao đời sống, phải tìm cách để xử lý bằng được những vấn đề ảnh hưởng, giảm chất lượng cuộc sống.

Nhà nước tôn trọng quyền tự do kinh doanh, được làm ăn hợp pháp. Nhưng nhà nước dứt khoát không chấp nhận hành vi từ kinh doanh, mua bán, hoạt động của người dân mà tác động ảnh hưởng tiêu cực đến người xung quanh. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là quyết tâm, xử lý triệt để và nghiêm túc những hành vi gây ra tiếng ồn trong khu dân cư theo đúng quy định pháp luật", ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Ông Hoan cho rằng, đặt tuyên truyền là mục tiêu đầu tiên cần làm, bởi thực tế nhiều người dân chưa nhận thức được mức độ ảnh hưởng của hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trong hoạt động ca hát. Thậm chí, chính họ cũng có thể là nạn nhân sống trong chính môi trường đó, ảnh hưởng đến trí não và thần kinh, thậm trí họ cũng không hiểu được quy định của pháp luật.

"Lâu nay ta thường thiên về hướng có máy đo để xác định cường độ tiếng ồn. Nhưng nó chỉ áp dụng được trong không gian cụ thể chứ không gian công cộng không thể áp dụng được. Từ nay về sau, đừng bao giờ nhắc lại chuyện này nữa. Cứ loay hoay việc không có máy đo để buông không quản lý là không đúng. Thậm chí, cơ sở cứ vin vào máy đo, không có thì không làm được.

Lãnh đạo Thành phố thống nhất chủ trương mở đợt cao điểm từ nay đến cuối năm, có thể gọi là vấn đề tiếng ồn và hành động của chúng ta. Thành phố sẽ xử lý triệt để, mục tiêu đến cuối năm không còn tình trạng này”, ông Hoan nói.

Theo đó, Thành phố sẽ giải quyết vấn nạn tiếng ồn karaoke theo 2 giai đoạn. Từ nay đến tháng 5/2021, tập trung tuyên truyền, vận động người dân cam kết, kiểm tra, nhắc nhở, biên tập lại tài liệu về ô nhiễm tiếng ồn để phổ biến cho người dân. Giai đoạn này chưa xử lý vi phạm hành chính mà chủ yếu để người dân ý thức hơn. Đặc biệt, các khu chung cư cần có quy định dứt khoát không ca hát gây ồn.

Từ tháng 6 đến cuối năm 2021, Thành phố tập trung kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật nêu tại 4 Nghị định như Nghị định 100, 167, 155, 98.

Ông Hoan cho rằng, việc xử lý vi phạm này không khó bởi quy định có hết rồi, quan trọng là sự phối hợp, không được lấy lý do thiếu người hay thiết bị đo nữa. Chính quyền phải xử lý nghiêm vì cái chung, cán bộ địa phương có thể đóng vai thực khách, ghi âm, ghi hình lại vi phạm nếu có, rồi gọi chủ quán đến trao đổi.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.