| Hotline: 0983.970.780

Trà Sơn đất ấm chân người

Thứ Hai 11/07/2022 , 10:37 (GMT+7)

Trà Sơn là vùng kinh tế trọng điểm của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây xưa rừng thiêng nước độc, nay xanh hoa trái bốn mùa, như bức tranh giàu đẹp, hữu tình.

Cam ngọt trên đất đồi xã Thượng Lộc, Can Lộc. Ảnh: Thanh Nga

Cam ngọt trên đất đồi xã Thượng Lộc, Can Lộc. Ảnh: Thanh Nga

Còn nhớ một thời gian kéo dài trong nhiều năm vật lộn với đất với rừng, đời sống của bà con vùng Trà Sơn vẫn chưa thoát khỏi đói nghèo và câu hỏi, tại sao đất ấy không nuôi nổi người cứ ám ảnh, ớn lạnh... 

 Từ buổi chân trần đi mở đất

 Vùng núi Trà Sơn nằm ở phía tây nam của huyện Can Lộc, trải một vệt dài từ xã Thường Nga, qua các xã Phú Lộc, Gia Hanh, Thượng Lộc, Đồng Lộc, Mỹ Lộc đến Sơn Lộc. Đây là vùng bán sơn địa, rộng khoảng 6.000 ha, đất đai khá màu mỡ. Xưa nơi đây vốn rừng rú rậm rạp, hoang vắng. Thú dữ, rắn rết, vắt rừng, bọ chét và muỗi sốt rét đã ngăn bước chân người. Đầu thế kỷ trước, dọc phía tây Quốc lộ 15A hầu như chưa có nổi vài ba chục mái nhà...

Bắt đầu từ những năm 1960 trở đi, huyện Can Lộc mới có chủ trương khai hoang vùng đất này. Các hợp tác xã vùng ven đều đưa xã viên lên xây dựng các trang trại tập thể để trồng khoai sắn, chè và chăn nuôi trâu bò. Các cán bộ, đảng viên trẻ, trung kiên được cử lên đây. Khi nông nhàn thì điều động thêm bà con xã viên tham gia sản xuất. Nhiều trại phát triển khá, trồng được nhiều hoa màu, thêm nhiều trâu bò được chăn thả, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Những người nông dân Can Lộc, nuôi khát vọng xoá đói giảm nghèo, áo vải chân trần đi mở đất, gặp muôn vàn gian lao. Nhưng trong hoàn cảnh như thế, những nhát cuốc, đường cày đã chạm vào vùng đất mới, mở đầu cho công cuộc khai khẩn, đánh thức tiềm năng.

Được đà, nhận thấy thế mạnh của vùng đất Trà Sơn, từ những năm 1970, huyện Can Lộc có chủ trương di dân các xã lên làm ăn lâu dài, ưu tiên trước hết cho các xã hạ Can đất chật người đông. Cái khó bó cái khôn, vì thế đến 1972 cũng chỉ có vài ba trăm hộ chịu ly quê, lập nghiệp ở vùng đất mới.

Thời điểm sau năm 1975, phong trào chuyển dân lên vùng đồi Trà Sơn được phát động khắp các xã ven Trà Sơn. Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Hàng ngàn hộ dân được chuyển lên các khu đất tốt được quy hoạch bài bản. Nhiều xóm như Lò Rèn, Vực Nâu (Sơn Lộc), Tân Bình (Gia Hanh), An Hùng (Thượng Lộc), Đất Đỏ (Thường Nga), Làng Lìm (Phú Lộc) v.v.. dần hình thành từ đây.

Thời kỳ Mỹ ném bom phá hoại (1965 - 1972), Quốc lộ 15A, đường chiến lược 70 chạy dọc Trà Sơn trở thành toạ độ lửa với những địa danh bất tử như Cống 19, Cầu Bạng, Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao... Trong bom đạn, người Trà Sơn vẫn bám đất, bám làng, cùng bộ đội, thanh niên xung phong anh dũng chiến đấu, thông đường cho xe ra mặt trận. Vật lộn với đất với rừng, nhưng kéo dài trong nhiều năm, đời sống của bà con ở vùng Trà Sơn vẫn chưa thoát khỏi cái nghèo đói và câu hỏi lớn được đặt ra: Tại sao đất ấy không nuôi nổi người?

Nhiều nghị quyết, chỉ thị, cơ chế chính sách được Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện ban hành; nhiều kế hoạch kinh tế cụ thể được triển khai với tầm nhìn  làm ăn lớn, cách làm quyết liệt sáng tạo đã từng bước khơi dậy khát vọng làm ăn của người dân Trà Sơn.

Các công trình thuỷ lợi lớn như đập Khe Lang, đập Cơn Bạng, hồ Vực Trống, hồ Khe Thờ - Trại Tiểu... với sức chứa hàng trên ba chục triệu mét khối nước lần lượt được tiến hành xây dựng. Hàng chục tuyến đường vào khu kinh tế mới hình thành, bê tông hoá, đường điện cũng được kéo vào tận các thôn xóm giúp người dân an cư lạc nghiệp.

Vị ngọt của cam Thượng Lộc chắt chiu từ vị mặn mồ hôi người nông dân và mạch nguồn đất, nước Trà Sơn. Ảnh: Thanh Nga

Vị ngọt của cam Thượng Lộc chắt chiu từ vị mặn mồ hôi người nông dân và mạch nguồn đất, nước Trà Sơn. Ảnh: Thanh Nga

Những năm từ 1990, huyện Can Lộc đã mở đột phá khẩu vào vùng đất Trà Sơn bằng chủ trương giao đất giao rừng cho các hộ nông dân. Hàng ngàn vườn đồi, vườn rừng, trang trại lớn nhỏ trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi ra đời.

Vùng xanh đất ấm chân người

 Từ buổi chân trần đi vỡ đất, với sức người, nay Trà Sơn đã trở thành vùng chuyên trồng cây lâm nghiệp (thông, cao su, keo lá tràm), trồng cây ăn quả có múi (cam, bưởi, chanh) và các trang trại chăn nuôi tổng hợp (lợn, gia cầm, cá).

Theo số liệu thống kê, đến nay toàn vùng Trà Sơn có 362 trang trại, trong đó có 26 trang trại quy mô lớn. Nhờ vậy dân 6 xã Trà Sơn xưa lam lụng nhặt đất, cất cỏ quanh năm vẫn thiếu ăn, nghèo túng thì nay đã đổi đời, không còn hộ đói, hộ nghèo chỉ còn khảng 2% và nhiều hộ giàu lên nhanh chóng.

Chúng tôi về thăm thôn Tân Bình (xã Gia Hanh) vào một ngày cuối năm. Tháp chuông nhà thờ tinh khôi màu sơn mới. Những ngôi nhà ngói khang trang ẩn hiện trong bạt ngàn màu xanh của cây trái. Những vườn cam, bưởi quả mọng chín vàng ươm. Mùi mật ong thơm bay trong gió núi. Đường làng xưa nhỏ bé, lầy lội nay được thay bằng những con đường mới phẳng lỳ, sạch sẽ. Đất lành chim đậu, 35 hộ từ Bình Lộc di cư lên từ năm 1978, nay đã phát triển thành một khu dân cư trù mật với trên 100 hộ dân.

Xưa đời sống bà con đói nghèo quay quắt, chặt củi đốt than chạy bữa từng ngày. Nay nhà nhà thi đua làm giàu từ vườn đồi, vườn nhà mà trở nên khá giả. Riêng hộ ông Lê Xuân Hồng được giao 30 ha đất rừng. Gia đình ông trồng keo, cứ năm sáu năm thu hoạch một lứa cây, bình quân thu 50 triệu/ ha, mang về 1,5 tỷ đồng. Vườn nhà ông rộng 1 ha, trồng hàng trăm cây cam và bưởi, mỗi năm cũng thu về thêm trên 200 triệu đồng. Ông xúc động kể về những ngày đầu gian khó và tâm sự: "nhờ tỉnh, nhờ huyện gia đình tôi và bà con Tân Bình mới có cuộc sống ấm no như ngày hôm nay.

 Xã Thượng Lộc có vùng đất tốt về thổ nhưỡng, thuận hoà về khí hậu nên vài chục năm nay đã bén duyên với các giống cây ăn quả có múi, trở thành "thủ phủ cam" của vùng Trà Sơn. Cam Thượng Lộc nổi tiếng với sản phẩm cam đường ngọt lịm và cam giòn thơm ngon. Cả xã có trên 400 hộ trồng cam, ít thì dăm ba chục, nhiều thì đến cả hàng ngàn gốc. Mỗi năm sản lượng lên 500 -  600 tấn, doanh thu không dưới 15 tỷ đồng.

Nổi tiếng nhất là vườn cam nhà anh chị Thanh Hiền ở thôn An Hùng, với hàng ngàn gốc cao sản. Ở đây có giống cam quý, có những "gốc cổ thụ" đậu 400-500 quả mỗi mùa, bán được hơn 30 triệu đồng.

Hợp tác xã Gia Phúc của ông Lê vạn Hải (xóm Đất Đỏ, xã Thường Nga)có quy mô lên đến 38 ha, được đầu tư lớn với số vốn hàng tỷ đồng theo hướng chuyên canh, bước đầu sản xuất trái cây đạt sản lượng cao, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người lao động...

Nhiều trang trại kinh tế vùng Trà Sơn cho thu nhập cao, góp phần làm giàu cho người nông dân nơi đây. Ảnh: Thanh Nga

Nhiều trang trại kinh tế vùng Trà Sơn cho thu nhập cao, góp phần làm giàu cho người nông dân nơi đây. Ảnh: Thanh Nga

Khu chăn nuôi lợn tập trung 150 ha của Công ty Khoáng sản Thương mại tại Làng Lìm (Phú Lộc), với quy mô trên 2000 lợn nái bố mẹ, hàng vạn lợn thịt thương phẩm mỗi lứa, trở thành điểm sáng của công nghệ chăn nuôi tiên tiến, an toàn, hiệu quả. Nhiều trang trại, gia trại tổng hợp, vệ tinh đã tạo ra chuỗi cung ứng đa dạng, phong phú với nhiều sản phẩm thịt, trứng, cá... dần thay thế lối chăn nuôi truyền thống, lạc hậu.

Thành công của vùng kinh tế Trà Sơn, đã khẳng định bài học lớn về vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng ở Can Lộc từ huyện đến cơ sở, sự năng động của chính quyền huyện xã, tính hiệu quả thiết thực của các cơ chế chính sách (về quản lý đất rừng, khuyến nông) và sự tham gia tích cực của các đoàn thể quần chúng như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên và Hội Cựu chiến binh.

Để nâng tầm vùng kinh tế Trà Sơn theo hướng làm nông nghiệp công nghệ cao, an toàn, bền vững, hiệu quả, huyện Can Lộc đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã củng cố, nâng cao chất lượng các mô hình, gắn chuyên canh với thâm canh, bám sát thị trường, lấy hộ nông dân làm chủ thể, khai thác mạnh mẽ tiềm năng lợi thế, để cùng với sản xuất lúa, tạo thế hai chân vững chắc cho nền kinh tế của một huyện nông nghiệp vươn lên tầm cao mới.

Rời Trà Sơn sau một ngày thăm quan, tìm hiểu, chúng tôi thực sự vui mừng trước sức vươn mạnh mẽ của một vùng kinh tế huyện nhà và ấn tượng mãi với câu nói sâu sắc, xúc động, đầy tự hào của lão nông Lê Xuân Hồng: Trà Sơn xưa chân trần đi mở đất, Trà Sơn nay, đất đã ấm chân người. 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.