| Hotline: 0983.970.780

Trái bơ sẽ "xưng vương"?

Thứ Tư 26/09/2012 , 10:29 (GMT+7)

Thị trường tiêu thụ bơ phát triển nhanh không những ở thế giới mà còn bùng nổ ở VN.

Mặc dù mới “dzô” vài vòng nhưng khi nghe nói ở huyện Krông ana (Đắk Lắk) có cây bơ cho trái chín vào tháng 9 thì ông Nguyễn Kỳ Khôi (có 8 ha cà phê ở xã Ea HDing, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk) đã vội vã giục mọi người “tốc hành”.

SĂN LÙNG BƠ TRÁI VỤ

Huyện Krông ana cách huyện Cư Mgar chỉ khoảng 1 giờ ô tô, lại có “hướng dẫn viên” là cán bộ huyện nên việc tìm ra cây bơ không đến nỗi khó. Ông chủ cây bơ cho biết, vườn ông có 2 cây nhưng chỉ có một cây ra trái trễ, chín vào tháng 9 và cho thu nhập từ 13-15 triệu đ/năm, tùy theo năm. Cây này đã được Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên xuống cắt chồi. Sau 30 phút hỏi han kỹ lưỡng, ông Khôi phán: "Cây này chỉ được điểm chín muộn nhưng tán to quá, trái lại chỉ 500 gr, khi chín có màu tím nên năng suất tính trên đơn vị diện tích sẽ không cao và bán cũng không được giá".

Không chỉ ông Khôi mà rất nhiều nhà vườn khác ở Đắk Lắk cũng đang ráo riết quan tâm đến cây bơ vì giá trị kinh tế cao của nó. Ông Tùng, nguyên giám đốc Nông trường 19/8 đã nghỉ hưu cũng đang gây dựng vườn bơ nhà mình. Vườn nhà ông Tùng rộng 2,5 ha, đang trồng cà phê xen tiêu nhưng ông cho rằng cây tiêu sẽ xuống giá sau vài ba năm nữa nên chọn cây bơ thay thế.


Cây bơ trái vụ của chị Lê Thị Vân, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk 
cho thu nhập cao

Theo ông Tùng, bơ chính vụ ở Đắk Lắk chín vào khoảng tháng 6 đến tháng 8, giá lúc đó chỉ khoảng 8.000-12.000 đ/kg, bơ sớm chín từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau với giá khoảng 30.000 - 40.000 đ/kg. Chỉ riêng bơ chín vào các tháng 9,10,11 là bán được giá nhất (40.000-70.000 đ/kg) nhưng rất hiếm nên ai cũng săn lùng.

Ngày 25/8 vừa qua, người viết bài này muốn mua một giỏ bơ làm quà. Tìm mãi ở chợ không có buộc phải cầu cứu “thổ địa”. Theo hướng dẫn, một thanh niên người Ê Đê đã đợi sẵn ở cổng chợ Đạt Lý (cách TP Buôn Mê Thuột 10 km) trao giỏ bơ và tính tiền. Khi hỏi cây bơ này ở đâu, có to không thì anh thanh niên chỉ cười trừ, bởi bí mật cây đầu dòng đang được tất cả các nhà làm giống áp dụng.

Không những ở Đắk Lắk mà cơn sốt giống bơ trái vụ còn lan xuống Đồng Nai, Bình Phước. Anh Đông, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước dám cưa bỏ 10 ha cao su đang khai thác để trồng bơ với cơ cấu giống bao gồm cả chín sớm, chính vụ và chín muộn được mua từ Đắk Lắk.

CÁC GIỐNG MỚI

Hiện ở Đắk Lắk có 3 cơ sở cung ứng giống bơ trái vụ. Đầu tiên là ông Trịnh Xuân Mười. Ông Mười tuy chưa học đến bậc trung học nhưng là người có chí, có tầm nhìn nên trở thành người tiên phong trong việc tìm kiếm và thương mại giống bơ trái vụ. Thành quả ban đầu của ông Mười được các cơ quan quản lý nhà nước và phương tiện truyền thông "chiếu cố", nên mỗi năm hàng chục vạn cây bơ ghép từ vườn ông đã được "phát tán". Tuy nhiên qua thời gian các khuyết tật về các giống bơ từ vườn ông Mười dần bộc lộ nên sức hấp dẫn của "Bơ ông Mười" ngày một kém.

Trước cả ông Mười, vị trí và tiềm năng cây bơ ở Tây Nguyên đã được Viện Cây ăn quả miền Nam và Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng. Chính 2 cơ quan nghiên cứu này đã có những bước đi nghiên cứu bài bản, hệ thống về giống bơ bản địa và nhập nội. KS Huỳnh Ngọc Tư, Trung tâm Cây ăn quả Đông Nam bộ (Viện Cây ăn quả miền Nam) là người thực hiện những đề tài nghiên cứu đầu tiên, sau đó có sự giúp sức của vợ là Th.S Võ Thị Thanh Hiền, chuyên nghiên cứu về di truyền giống (cũng là cán bộ của Viện Cây ăn quả miền Nam).

Trước đây công việc nghiên cứu của họ bó hẹp trong đề tài nghiên cứu của viện và hỗ trợ của Sở KH-CN Đắk Lắk nhưng kinh phí hạn hẹp, thủ tục rườm rà của nhà nước đã không còn thích hợp. Thế là Cty TNHH Dak Farm của vợ chồng anh Tư ra đời. Đến nay đã có 3 dòng bơ chín muộn mang tên Dak Farm 41.01, 41.02, 41.03 và 1 dòng bơ chín sớm 41.04, 1 dòng bơ rải vụ (tứ quý) 41.05 được Sở NN-PTNT Đắk Lắk công nhận. Năm 2011 đã có gần 10 vạn cây giống thuộc 5 dòng bơ trên của Dak Farm đã được tiêu thụ trên cả nước.

Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng thành công với một số giống, trong đó đáng kể nhất là giống bơ Booth được nhập từ Úc (thường gọi là bơ Mỹ). So với giống bản địa, trái bơ Booth dạng tròn, bé hơn, vỏ dày và không bóng bẩy bằng (tuy nhiên gu trái nhỏ vừa cho 1 ngưới ăn lại đang thịnh hành ở nước ngoài) nhưng lại có ưu điểm nổi trội là chín muộn và có thể trồng ở khí hậu nóng.

XUẤT KHẨU HAY TIÊU THỤ NỘI ĐỊA?

Vì chưa có tín hiệu thị trường XK nên các tiêu chí chọn giống thương mại hiện nay đều nghiêng theo thị hiếu thị trường nội địa, nghĩa là trái phải to (từ 700 gr/trái trở lên), da phải bóng, da mỏng chín có màu xanh, hạt nhỏ, thịt sáp. Các tiêu chí giành cho XK (trái nhỏ, vỏ dày) chưa được ưa chuộng.

Thị trường tiêu thụ bơ phát triển nhanh không những ở thế giới mà còn bùng nổ ở VN. Trước đây do còn nghèo nên chất béo và đạm thực vật không được coi trọng nhưng hiện nay đã phổ biến từ Bắc chí Nam, nhất là các thành phố lớn.

VN có 3 vùng trồng bơ, Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Quảng Trị, trong đó Đắk Lắk là nơi có diện tích và sản lượng lớn nhất. Khảo sát năm 2006 cho thấy 126 vựa trái cây của tỉnh này cung cấp cho thị trường 450 tấn/ngày (thời điểm chính vụ), mang về lợi nhuận 7 triệu USD/năm. Ngoài 2 huyện trọng điểm là Eakar và Krông năng, cây bơ đang được phổ biến nhanh ra toàn tỉnh Đắk Lắk vì rất phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây, người dân cũng có nhu cầu trồng xen cà phê và thay thế cà phê già cỗi.

Như cà phê, Tây Nguyên (nhất là Đắk Lắk) rất có lợi thế về cây bơ nhưng trồng bơ để tiêu thụ nội địa hay XK lại chưa có câu trả lời. Theo số liệu của FAO, sản lượng trái bơ của toàn cầu khoảng 3,7 triệu tấn/năm, trong đó có gần 1 triệu tấn dành cho XK. Nếu VN muốn gia nhập thị trường toàn cầu thì cần có những nghiên cứu thị trường trước lúc có chính sách phát triển.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm