| Hotline: 0983.970.780

Trái cây nào nguy cơ 'vỡ trận'? - Nguy cơ khôn lường

Thứ Hai 14/05/2018 , 16:05 (GMT+7)

Trong khi triển vọng để chế biến và XK là điều không thể, thì tình trạng diện tích cây có múi bung ra một cách tràn lan đang tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường.

Trao đổi với NNVN mới đây về triển vọng XK trái cây, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV đã thẳng thắn đánh giá: Đối với cây có múi, ngoại trừ mặt hàng bưởi da xanh ra, phải khẳng định triển vọng XK đối với các đối tượng cây có múi của Việt Nam là rất hạn chế, nhất là cam, quýt.

16-44-19_100_1870
Theo các chuyên gia, cam là cây trồng có nguy cơ “vỡ trận” cao nhất trong thời gian tới

Hạn chế ở mấy điểm. Một là cam của chúng ta SX nhìn chung còn rất manh mún, không đồng nhất. Không đồng nhất từ mẫu mã, chất lượng và cả về bộ giống. Mỗi một tỉnh hiện nay cơ cấu một giống cam khác nhau, nào cam sành Hà Giang, cam Tuyên Quang, cam Cao Phong, cam Xã Đoài, cam đường Canh... Ngay trong một tỉnh thôi, cơ cấu giống cũng đã rất khác nhau.

Về chất lượng, cam quýt Việt Nam khó mà cạnh tranh được với nhiều nước như Mỹ, Brazil, Ai Cập... Bên cạnh đó, giá thành SX đang cao hơn mặt bằng thế giới rất nhiều, ngay cả cam SX trong nước cũng đang cạnh tranh không nổi với cam NK. Hiện nay, rất nhiều nước cũng đang làm đơn xin được XK cam vào ta. Vì vậy, phát triển cây có múi tại phía Bắc cần phải rất thận trọng và chắc chắn, chủ trương là phải phục vụ trước hết cho thị trường trong nước.

“Chúng ta phải thực tế, đó là XK phải lựa chọn những mặt hàng mà chúng ta có lợi thế mà các nước lại không trồng được. Đừng hi vọng viển vông là chúng ta có thể XK cam đi Mỹ, đi Úc được cả, đó là điều chắc chắn”, ông Hoàng Trung khẳng định.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đinh Cao Khuê, TGĐ Cty CP Thực phẩm XK Đồng Giao (Doveco), người rất am tường về các mặt hàng rau quả chế biến XK không khỏi lo lắng khi cho rằng, nếu để chỉ ra một cây ăn quả đáng lo ngại và cần cảnh báo nhất hiện nay, thì đó chính là cây cam.

Bởi cam Việt Nam chỉ có thể phục vụ cho nhu cầu ăn tươi trong nước, khả năng để đưa vào chế biến và XK hiện nay là không thể. Tại Việt Nam, hiện cũng chưa có DN nào chế biến sâu sản phẩm nước ép, nước cam cô đặc.

Theo ông Khuê, các giống cam đang phát triển nhanh nhất ở phía Bắc hiện nay vẫn là dòng cam sành tập trung tại Hà Giang, Tuyên Quang và dòng cam Vinh, cam Cao Phong (Hòa Bình). Trong đó, riêng dòng cam sành thì phải khẳng định “chắc như đinh đóng cột” rằng không thể XK, và cũng không thể nào đưa vào để chế biến sâu thành nước ép được, bởi dòng cam này vỏ quá dày, không có một dây chuyền công nghệ chế biến cam nào có thể xử lí được khi chế biến nước ép.

Với dòng cam Vinh, cam Cao Phong vỏ mỏng hơn, ông Khuê cho biết hiện Doveco vẫn có thể đưa vào SX nước ép nếu cải tiến, bổ sung thêm một số linh kiện trong dây chuyền chế biến. Đây cũng là dòng cam có chất lượng khá, có thể cạnh tranh được về chất lượng với các nước trên thế giới.

Tuy nhiên hiện nay, nếu so với các “cường quốc” về cam như Brazil, Mỹ hay một số nước Nam Mỹ khác thì năng suất cam nước ta đang có khoảng cách một trời một vực, còn giá cam tại Việt Nam đem so sánh với mặt bằng giá cam của thế giới thì đang cao hơn.

Bên cạnh đó, với đặc thù khí hậu SX cam chỉ theo mùa nhất định trong năm, diện tích lại quá manh mún, rất khó để có đủ sản lượng ổn định cho việc chế biến. Việc canh tác cam hầu như thủ công 100%, trong khi đó tại các “thủ phủ” cam của thế giới, việc canh tác đã gần như 100% bằng cơ giới. Điều này khiến việc cam Việt Nam có thể chế biến và cạnh tranh trên thị trường quốc tế là điều không tưởng!

“Hiện nay, thị trường nước ép cam vẫn rất lớn. Tuy nhiên, giá thành lẫn giá bán ở nước ta còn quá cao, rẻ nhất cũng 15.000 – 20.000 đ/kg, lúc cao thì phải tới trên 30.000 đ/kg. Trong khi đó theo tính toán, để có thể đưa vào chế biến và có khả năng cạnh tranh, cam Việt Nam phải hạ được giá thành xuống mức từ 7.000 – 8.000 đ/kg thì các DN mới có thể chế biến được. Vì vậy, ngành nông nghiệp, các địa phương cần phải sớm có cảnh báo, quy hoạch theo hướng mục tiêu cung cấp cho thị trường nội địa là chính. Nếu để diện tích bung ra quá lớn, sẽ hết sức nguy hiểm”, ông Đinh Cao Khuê cảnh báo.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.