| Hotline: 0983.970.780

"Trải chiếu hoa" rước DN về làm rau sạch

Thứ Tư 22/09/2010 , 10:33 (GMT+7)

Ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội - đã lặn lội vào tận TP HCM để “câu kéo” ông Nguyễn Văn Long - giám đốc Cty Hương Cảnh “vi hành” ra Thủ đô.

Giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nội trao giấy chứng nhận cho đại diện Hương Cảnh

Ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội khi nghe thông tin về Cty Hương Cảnh rất thành công trong việc kết hợp với mạng lưới khuyến nông ở TP HCM trồng rau theo hướng VietGAP đã lặn lội vào tận nơi để “câu kéo” ông Nguyễn Văn Long -giám đốc “vi hành” ra Thủ đô.

Cũng chính ông Chí đã ba lần đích thân đưa ông Long đi khảo sát ở khắp bảy huyện ngoại thành của Hà Nội nhằm tìm ra vùng canh tác rau thích hợp, lại nghiên cứu, móc nối với mạng lưới tiêu thụ rau ở chuỗi các nhà hàng, siêu thị lớn ở thủ đô để tìm hiểu đầu ra. Xã Văn Đức là cái tên cuối cùng trong danh sách nhưng trụ lại bởi như chính lời giám đốc Hương Cảnh: “Từ Bí thư, Chủ tịch xã đến Chủ nhiệm HTX đã đợi chúng tôi tận đến 9 giờ tối để chờ làm việc mà chẳng màng cơm nước gì. Hiếm có ở đâu chính quyền lại tha thiết với nông dân như vậy".

Theo ông Long: "Làm nông nghiệp muốn thành công nhất định phải có chính quyền cơ sở tâm huyết. Dù tối mù tối mịt, dù chưa nhìn thấy đồng đất Văn Đức nó ra sao nhưng ngay lúc lên xe ra về, tôi đã quyết định chấm luôn nơi đây. Trước đó, chúng tôi đã đi khảo sát nhiều địa điểm, có những nơi hứa sẽ kéo vốn đầu tư hỗ trợ của thành phố về cho dự án nhưng tôi chấp nhận bỏ 100% vốn (đầu tư cả thiết bị, kho tàng chế biến lẫn vật tư ngót 20 tỉ) để chọn Văn Đức chính là bởi tin ở sự nhiệt huyết, vào cuộc của lãnh đạo”.

Tôi có hỏi ông Long, điểm khác biệt của Cty gia đình có 3 chi nhánh chuyên sản xuất, kinh doanh rau sạch này là gì so với vô vàn cty rau sạch trong cả nước và được trả lời: Thứ nhất ở định hướng phát triển nông nghiệp đô thị. Thứ hai ở tiêu chuẩn chất lượng VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) với phân bón hoàn toàn sử dụng phân vi sinh, hữu cơ, thuốc sử dụng trong danh mục. Thứ ba là thị trường một giá cho khắp siêu thị từ Bắc vào Nam song song với hỗ trợ cho các trường học, bếp ăn tập thể nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, doanh trại quân đội một giá bán thấp hơn cũng áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Về đối tượng hợp tác chính là nông dân được hỗ trợ ứng phân bón, thuốc BVTV, vật tư đầu vào. Sản phẩm bán được định giá vào thời điểm cao nhất của thị trường cộng thêm cỡ 5-10% nữa. Khi giá thị trường xuống thấp cty vẫn mua theo giá hợp đồng. Khi giá thị trường tăng cao áp dụng 50% mua theo giá hợp đồng, 50% mua theo giá thỏa thuận mới. Chính vì vậy nông dân lúc nào cũng được lợi. Vậy ai quản lý giám sát chất lượng của cả quá trình sản xuất rau của Hương Cảnh? Cty đã ký hợp đồng với Chi cục BVTV Hà Nội giám sát song song với hệ thống giám sát chính là những nhóm trưởng nông dân được trả lương hàng tháng. 

Hà Nội đến nay mới chỉ có 3 dự án được phê duyệt trong tổng số 16 dự án xây dựng vùng rau an toàn tập trung với diện tích khá nhỏ bé. Diện tích rau theo VietGAP lại càng hiếm hoi hơn, chỉ như “muối bỏ bể” khiến “cơn khát rau sạch” của người dân Thủ đô vẫn còn dài dài. Thế nên sự kiện Cty Hương Cảnh đã liên kết tổ chức sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn theo chuẩn VietGAP tại Văn Đức với tổng diện tích 50 ha quả là một cột mốc đáng ghi nhớ.

Phương án tổ chức của đơn vị này là năm 2010 tạm sản xuất 50 ha, cuối năm 2010 đến 2011 mở rộng diện tích lên 286 ha (toàn xã) dự kiến sản lượng 26.000-28.500 tấn/năm với 35-40 chủng loại rau gồm nhóm ăn lá chiếm 60%, nhóm củ quả 30%, nhóm rau gia vị chiếm 10%. Nông dân được sắp xếp thành các tổ, nhóm sản xuất (mỗi nhóm từ 15-20 hộ) cử ra một đại diện làm nhóm trưởng để liên hệ và trực tiếp chỉ đạo, giám sát nông dân, được hưởng phụ cấp 1,2 triệu/tháng.

Với các kênh tiêu thụ như ký hợp đồng cung cấp rau cho các bếp ăn tập thể của nhà khách, trường học, bệnh viện trên địa bàn; hợp đồng cung cấp rau cho các hệ thống siêu thị như Hapro, Coop mart, Fivimart, Metro… hợp đồng phân phối bán lẻ, hy vọng về một đầu ra vững bền có thể đến với một vùng rau VietGAP quy củ đầu tiên của Thủ đô.
Ngoài Văn Đức, Cty Hương Cảnh đang bàn bạc, chuẩn bị ký hợp đồng liên kết với HTX Cự Khối của quận Long Biên để sản xuất một số chủng loại rau thơm theo hướng VietGAP. Sở NN- PTNT cũng đã cấp “Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn” cho HTX Văn Đức và “Giấy chứng nhận đủ điều kiện sơ chế rau an toàn” cho Cty Hương Cảnh còn Trung tâm Phân tích Kiểm định Chất lượng rau quả Hà Nội đã thẩm định và cấp “Giấy chứng nhận VietGAP” cho Cty Hương Cảnh.

UBND huyện Gia Lâm đã có cơ chế rất thoáng trong việc “cấp tắt” thủ tục để UBND xã Văn Đức bố trí cho Cty Hương Cảnh xây dựng nhà sơ chế rau an toàn trên diện tích 2.200m2 bao gồm các hạng mục chính như nhà xưởng, nguồn nước sạch, bể rửa, bể sục, bàn đóng gói, kho lạnh… Hiện nay đơn vị này đã đăng ký xây dựng thương hiệu và mã vạch cho sản phẩm rau an toàn nhằm quản lý nguồn gốc xuất xứ.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm