| Hotline: 0983.970.780

"Trải chiếu hoa" rước DN về làm rau sạch

Thứ Tư 22/09/2010 , 10:33 (GMT+7)

Ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội - đã lặn lội vào tận TP HCM để “câu kéo” ông Nguyễn Văn Long - giám đốc Cty Hương Cảnh “vi hành” ra Thủ đô.

Giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nội trao giấy chứng nhận cho đại diện Hương Cảnh

Ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội khi nghe thông tin về Cty Hương Cảnh rất thành công trong việc kết hợp với mạng lưới khuyến nông ở TP HCM trồng rau theo hướng VietGAP đã lặn lội vào tận nơi để “câu kéo” ông Nguyễn Văn Long -giám đốc “vi hành” ra Thủ đô.

Cũng chính ông Chí đã ba lần đích thân đưa ông Long đi khảo sát ở khắp bảy huyện ngoại thành của Hà Nội nhằm tìm ra vùng canh tác rau thích hợp, lại nghiên cứu, móc nối với mạng lưới tiêu thụ rau ở chuỗi các nhà hàng, siêu thị lớn ở thủ đô để tìm hiểu đầu ra. Xã Văn Đức là cái tên cuối cùng trong danh sách nhưng trụ lại bởi như chính lời giám đốc Hương Cảnh: “Từ Bí thư, Chủ tịch xã đến Chủ nhiệm HTX đã đợi chúng tôi tận đến 9 giờ tối để chờ làm việc mà chẳng màng cơm nước gì. Hiếm có ở đâu chính quyền lại tha thiết với nông dân như vậy".

Theo ông Long: "Làm nông nghiệp muốn thành công nhất định phải có chính quyền cơ sở tâm huyết. Dù tối mù tối mịt, dù chưa nhìn thấy đồng đất Văn Đức nó ra sao nhưng ngay lúc lên xe ra về, tôi đã quyết định chấm luôn nơi đây. Trước đó, chúng tôi đã đi khảo sát nhiều địa điểm, có những nơi hứa sẽ kéo vốn đầu tư hỗ trợ của thành phố về cho dự án nhưng tôi chấp nhận bỏ 100% vốn (đầu tư cả thiết bị, kho tàng chế biến lẫn vật tư ngót 20 tỉ) để chọn Văn Đức chính là bởi tin ở sự nhiệt huyết, vào cuộc của lãnh đạo”.

Tôi có hỏi ông Long, điểm khác biệt của Cty gia đình có 3 chi nhánh chuyên sản xuất, kinh doanh rau sạch này là gì so với vô vàn cty rau sạch trong cả nước và được trả lời: Thứ nhất ở định hướng phát triển nông nghiệp đô thị. Thứ hai ở tiêu chuẩn chất lượng VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) với phân bón hoàn toàn sử dụng phân vi sinh, hữu cơ, thuốc sử dụng trong danh mục. Thứ ba là thị trường một giá cho khắp siêu thị từ Bắc vào Nam song song với hỗ trợ cho các trường học, bếp ăn tập thể nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, doanh trại quân đội một giá bán thấp hơn cũng áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Về đối tượng hợp tác chính là nông dân được hỗ trợ ứng phân bón, thuốc BVTV, vật tư đầu vào. Sản phẩm bán được định giá vào thời điểm cao nhất của thị trường cộng thêm cỡ 5-10% nữa. Khi giá thị trường xuống thấp cty vẫn mua theo giá hợp đồng. Khi giá thị trường tăng cao áp dụng 50% mua theo giá hợp đồng, 50% mua theo giá thỏa thuận mới. Chính vì vậy nông dân lúc nào cũng được lợi. Vậy ai quản lý giám sát chất lượng của cả quá trình sản xuất rau của Hương Cảnh? Cty đã ký hợp đồng với Chi cục BVTV Hà Nội giám sát song song với hệ thống giám sát chính là những nhóm trưởng nông dân được trả lương hàng tháng. 

Hà Nội đến nay mới chỉ có 3 dự án được phê duyệt trong tổng số 16 dự án xây dựng vùng rau an toàn tập trung với diện tích khá nhỏ bé. Diện tích rau theo VietGAP lại càng hiếm hoi hơn, chỉ như “muối bỏ bể” khiến “cơn khát rau sạch” của người dân Thủ đô vẫn còn dài dài. Thế nên sự kiện Cty Hương Cảnh đã liên kết tổ chức sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn theo chuẩn VietGAP tại Văn Đức với tổng diện tích 50 ha quả là một cột mốc đáng ghi nhớ.

Phương án tổ chức của đơn vị này là năm 2010 tạm sản xuất 50 ha, cuối năm 2010 đến 2011 mở rộng diện tích lên 286 ha (toàn xã) dự kiến sản lượng 26.000-28.500 tấn/năm với 35-40 chủng loại rau gồm nhóm ăn lá chiếm 60%, nhóm củ quả 30%, nhóm rau gia vị chiếm 10%. Nông dân được sắp xếp thành các tổ, nhóm sản xuất (mỗi nhóm từ 15-20 hộ) cử ra một đại diện làm nhóm trưởng để liên hệ và trực tiếp chỉ đạo, giám sát nông dân, được hưởng phụ cấp 1,2 triệu/tháng.

Với các kênh tiêu thụ như ký hợp đồng cung cấp rau cho các bếp ăn tập thể của nhà khách, trường học, bệnh viện trên địa bàn; hợp đồng cung cấp rau cho các hệ thống siêu thị như Hapro, Coop mart, Fivimart, Metro… hợp đồng phân phối bán lẻ, hy vọng về một đầu ra vững bền có thể đến với một vùng rau VietGAP quy củ đầu tiên của Thủ đô.
Ngoài Văn Đức, Cty Hương Cảnh đang bàn bạc, chuẩn bị ký hợp đồng liên kết với HTX Cự Khối của quận Long Biên để sản xuất một số chủng loại rau thơm theo hướng VietGAP. Sở NN- PTNT cũng đã cấp “Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn” cho HTX Văn Đức và “Giấy chứng nhận đủ điều kiện sơ chế rau an toàn” cho Cty Hương Cảnh còn Trung tâm Phân tích Kiểm định Chất lượng rau quả Hà Nội đã thẩm định và cấp “Giấy chứng nhận VietGAP” cho Cty Hương Cảnh.

UBND huyện Gia Lâm đã có cơ chế rất thoáng trong việc “cấp tắt” thủ tục để UBND xã Văn Đức bố trí cho Cty Hương Cảnh xây dựng nhà sơ chế rau an toàn trên diện tích 2.200m2 bao gồm các hạng mục chính như nhà xưởng, nguồn nước sạch, bể rửa, bể sục, bàn đóng gói, kho lạnh… Hiện nay đơn vị này đã đăng ký xây dựng thương hiệu và mã vạch cho sản phẩm rau an toàn nhằm quản lý nguồn gốc xuất xứ.

Xem thêm
Nuôi chồn hương bằng trái cây hiệu quả cao

Nuôi chồn hương cho ăn mít, chuối mang lại hiệu quả kinh tế cao tại trang trại của anh Nguyễn Văn Tiến ở phường Chi Lăng, TP Pleiku, Gia Lai.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Mưa dông khiến nhiều diện tích sầu riêng bị gãy đổ, rụng quả la liệt

Những cơn mưa dông đầu mùa đã khiến nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị gãy đổ, quả rụng la liệt trước sự bất lực của người dân.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.