Cụ thể, nghiên cứu mới chỉ ra rằng một số vùng sản xuất cà phê, hạt điều và bơ hiện nay có thể không còn phù hợp với việc trồng những loại cây này trong vòng vài thập kỷ tới do hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu kết hợp dự báo về biến đổi khí hậu và các yếu tố đất đai để lập mô hình mức độ phù hợp của các vùng khác nhau cho việc trồng cà phê, hạt điều và bơ vào năm 2050. Phân tích cho thấy rằng tất cả các vùng sản xuất cà phê chính đều phải đối mặt với sự suy giảm tính phù hợp, bao gồm Brazil, Việt Nam, Indonesia và Colombia.
Đối với hạt điều, các vùng trồng chính như Ấn Độ, Bờ Biển Ngà và Benin được dự đoán sẽ trở nên kém thích hợp hơn, trong khi các vùng trồng bơ bao gồm Cộng hòa Dominica, Peru và Indonesia đều sẽ bị ảnh hưởng.
Đối với cả ba loại cây trồng, các vùng trồng trọt thích hợp có thể mở ra ở độ cao và vĩ độ cao hơn, đặc biệt là đối với hạt điều và bơ. Mỹ, Argentina, Trung Quốc và các nước ở Đông Phi được dự đoán sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Nghiên cứu chỉ ra rằng thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ cần thiết ở nhiều vùng sản xuất chính, với các biện pháp giảm thiểu nguy cơ bao gồm thích ứng trong chọn giống cây trồng và quản lý theo địa bàn cụ thể.
“Điều quan trọng là phải điều tra xem nơi nào sẽ có sự thay đổi giữa các vùng trồng trọt thích hợp cho cả ba loại cây trồng do biến đổi khí hậu, xem xét cả việc mở rộng và thu hẹp canh tác. Đây là lý do tại sao chúng tôi tập trung vào các quốc gia sản xuất chính hiện nay”, Tiến sĩ Roman Grüter, Trường Khoa học Đời sống và Quản lý Cơ sở ZHAW ở Thụy Sĩ, tác giả chính của bài báo cho biết. “Trong mô hình phù hợp của mình, chúng tôi muốn ưu tiên những vùng đã có cây trồng thích nghi với địa phương".
“Khi xác định các khu vực thích hợp về khí hậu để trồng cây, các yếu tố về kiểu khí hậu và đất đai rất quan trọng đối với việc canh tác cây trồng và đó là lý do tại sao chúng tôi đã tính đến chúng trong mô hình của mình, cũng như tính đến các dự báo khí hậu cho đến năm 2050. Trước các tác động tiêu cực đến tính thích hợp của cây trồng ở những quốc gia đó, cần có những biện pháp thích ứng cần thiết trong canh tác".
Tiến sĩ Paul Jensen, thuộc Viện Nghiên cứu Bền vững tại Đại học Leeds, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết:
“Nghiên cứu cho thấy phạm vi rộng và sự phức tạp của các cân nhắc về quản lý cây trồng mà các bên liên quan đến hệ thống lương thực cần ngày càng cân nhắc khi đối mặt với cả kịch bản biến đổi khí hậu cực đoan và tối thiểu.
Lập kế hoạch dài hạn về cách chúng ta quản lý môi trường nông nghiệp, mà không chỉ đơn giản là chuyển canh tác và các tác động môi trường liên quan đến các khu vực mới ngay bây giờ là vô cùng cần thiết. Có như vậy mới đảm bảo nguồn cung cấp không chỉ của các loại cây trồng xa xỉ như những loại được đề cập trong nghiên cứu, mà còn nhiều loại cây trồng chính".
“Điều này đặc biệt đúng với những loại cây trồng hỗ trợ sinh kế của nông dân sản xuất nhỏ trên toàn cầu. Nếu các thực thể nhỏ hơn trong hệ thống lương thực toàn cầu không được hỗ trợ một cách thích hợp các tri thức về tác động của biến đổi khí hậu cùng với các chiến lược và cơ hội thích ứng, có thể thấy những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội vẫn sẽ là những người chịu tác động đầu tiên và nặng nề nhất khi biến đổi khí hậu xảy ra".