| Hotline: 0983.970.780

Trấn Yên phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới năm 2020

Thứ Sáu 18/05/2018 , 08:01 (GMT+7)

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái vừa phê duyệt Đề án xây dựng huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2018 - 2020. 

11-54-50_x5
Một góc NTM huyện Trấn Yên

Đây là thách thức không nhỏ của một huyện miền núi còn nhiều gian khó, nhưng với quyết tâm xây dựng huyện đổi mới toàn diện, nhằm nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân…

Trấn Yên nằm dọc bờ sông Hồng, một vùng đất cổ xưa nhất với rất nhiều trầm tích văn hóa được kết tụ qua nhiều thế kỷ. Huyện có 21 xã và một thị trấn, những xã nằm dọc sông Hồng kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. 

Đó là thâm canh tăng năng suất những giống lúa chất lượng cao, phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng dâu nuôi tằm, chế biến lâm sản, xây dựng và phát triển vùng chè chất lượng cao, mở rộng các dịch vụ… Những xã vùng sâu, vùng cao còn rất nhiều khó khăn thì tập trung trồng rừng, chế biến gỗ, chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả...

Từ năm 2011, Trấn Yên bắt tay vào xây dựng NTM, quy hoạch lại nông thôn, đổi mới phương thức SX, tái cơ cấu lại SX nông lâm nghiệp… đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông thôn, nông nghiệp và nông dân. Ngày 18/3/2015, xã Báo Đáp là một trong hai xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM. Đây chính là sự mở màn cho phong trào xây dựng NTM của Trấn Yên phát triển sâu rộng.

Từ đó đến nay, Trấn Yên đã hoàn thành 11 xã đạt chuẩn NTM, giai đoạn từ 2018 - 2020 sẽ hoàn thành 10 xã NTM còn lại. Năm 2018 phấn đấu xây dựng 4 xã NTM, gồm Cường Thịnh, Minh Quán, Y Can, Việt Cường;  2019 là các xã Việt Hồng, Quy Mông, Hòa Cuông; 2020 là các xã Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh.

Theo Đề án, tổng nguồn vốn huy động xây dung NTM giai đoạn 2018 - 2020 là 494,506 tỷ, trong đó Trung ương là 80,455 tỷ, ngân sách tỉnh 119,825 tỷ, ngân sách huyện 58,517 tỷ, vốn tín dụng 34,175 tỷ, vốn doanh nghiệp, HTX 87,8 tỷ, huy động đóng góp của người dân 113,734 tỷ. Nhìn vào tổng nguồn vốn, thấy rằng việc đóng góp xây dựng NTM của người dân là chủ yếu.

Khảo sát việc xây dựng NTM của Trấn Yên, chúng tôi thấy các vùng kinh tế, vùng chuyên canh đã phát huy được tất cả các lợi thế của mình. Trong đó phải kể đến là vùng trồng dâu nuôi tằm dọc sông Hồng với 350ha, trung bình mỗi ha trồng dâu nuôi tằm thu nhập từ 250 - 270 triệu/ha. Tính ra người nông dân trồng dâu nuôi tằm Trấn Yên thu nhập khoảng 80 - 85 tỷ/năm.

11-54-50_x1
Thu hoạch dâu

Vùng chè có 1.300ha, khu vực chè chuyên canh chất lượng cao năng suất trung bình từ 8 tấn/ha, tính ra thu nhập mỗi ha chè từ 65 - 70 triệu/ha. Diện tích quế hơn 15.000ha, tập trung ở các xã Y Can, Việt Hồng, Hồng Ca, Hưng Khánh, Hưng Thịnh, Lương Thịnh, Việt Cường… sau 10 năm cho thu nhập 400 triệu/ha. Cây quế đang trở thành cây trồng được người dân ưa chuộng, do bán được cả lá, vỏ, cành và thân cây.

Trấn Yên có vùng tre măng Bát Độ lớn nhất tỉnh, với hơn 3.000ha trồng tập trung ở các xã vùng sâu, vùng cao, như Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh, Tân Đồng. Năng suất mỗi ha từ 20 - 25 tấn măng, nhiều hộ chịu đầu tư thì đạt 70 tấn/ha, trung bình mỗi ha trồng tre măng Bát Độ cho thu nhập từ 30 - 35 triệu/ha.

11-54-50_x3
Điểm thu mua măng tre Bát Độ

Các hộ người Mông xã Hồng Ca từ xưa đến nay chỉ biết phá rừng làm nương rẫy, nay họ đã bắt đầu trồng măng tre Bát Độ. Từ đầu năm 2018 đến nay đã trồng 207ha. Vùng cây ăn quả như cam, quýt, bưởi đã hình thành với gần 700ha tập trung ở các xã Hồng Ca, Hưng Thịnh, Lương Thịnh.

Một cách làm mới trong việc xây dựng NTM của Trấn Yên là việc xây dựng đời sống NTM từ mỗi thôn bản để từ đó nhân lên toàn xã. Tôn trọng phong tục tập quán của từng dân tộc, huyện giúp họ quy hoạch lại nhà cửa, khu vực chăn nuôi, sản xuất hợp lý. Từ năm 2018, huyện hỗ trợ mỗi hộ người Mông 1 tấn xi măng để cứng hóa nền nhà, nền chuồng trại, là động lực giúp họ tích cực xây dựng NTM.

Với từng bước đi cụ thể, huyện Trấn Yên phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái đạt chuẩn NTM.

11-54-50_x4
Cơ sở chế biến gỗ rừng trồng

11-54-50_x6Ông Nguyễn Đình Chiến (ảnh), Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên: "Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện chúng tôi đã xác định chủ thể xây dựng NTM chính là người dân.

Kinh tế của Trấn Yên chủ yếu là SX nông lâm nghiệp, bên cạnh đó là chế biến và thương mại, dịch vụ.

Việc xây dựng các vùng chuyên canh dâu tằm tơ, lúa đặc sản chất lượng cao, chè an toàn, tre măng Bát Độ… đã tạo ra nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân. Nhờ đó mà người dân tự nguyện và tích cực xây dựng NTM…".

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.