Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ ngày 15/3/2021 đến ngày 12/4/2021 dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại huyện Lang Chánh làm chết và buộc phải tiêu hủy 142 con lợn. Đến ngày 12/4/2021 dịch đã được khống chế và dập tắt.
Đến thời điểm này, tổng đàn lợn của tỉnh ước đạt 1,2 triệu con, cao hơn tổng đàn lợn trước thời điểm dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Thanh Hóa (tháng 2/2019).
Từ ngày 3/2/2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh, bệnh Viêm da nổi cục đã xảy ra tại 5.683 hộ chăn nuôi làm tổng số 7.234 con trâu, bò mắc bệnh; buộc phải tiêu hủy 1.689. Đến nay đã có 42 xã của 15 huyện đã công bố hết dịch.
Tuy nhiên, Thanh Hóa có chiều dài cung đường vận chuyển động vật qua địa bàn rất lớn, nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục rất cao. Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra công điện khẩn về việc tập trung thực hiện các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi.
Ngay sau đó, các chốt kiểm dịch động vật tại Thanh Hóa đã triển khai nghiêm chỉnh việc chấp hành Luật Thú y đối với xe chở động vật đi qua địa bàn.
Đêm 19, rạng sáng 20/6, ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Thanh Hóa trực tiếp đến 3 trạm kiểm dịch trên địa bàn để kiểm tra công tác kiểm soát các xe chở gia súc, gia cầm đi qua địa bàn tỉnh.
Thanh Hóa hiện có 3 Trạm kiểm dịch động vật: Trạm Kiểm dịch động vật Dốc Xây (thị xã Bỉm Sơn), Trạm kiểm dịch động vật thủy sản (thị xã Nghi Sơn) đều nằm trên QL 1A và Trạm Kiểm dịch động vật Thành Lâm (Thạch Thành) nằm trên đường mòn HCM.
Cung thời gian vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa thường vào thời điểm nửa đêm đến rạng sáng. Bình quân, mỗi đêm có khoảng 50-60 xe chở động vật đi qua các trạm kiểm dịch động vật này.
Theo ghi nhận của PV, các trạm kiểm dịch động vật này luôn thường trực lượng đứng chốt với đầy đủ các thiết bị phun tiêu độc khử trùng, dụng cụ lấy mẫu...
Các xe chở động vật khi đi qua trạm đều được lực lượng thú y ra hiệu lệnh dừng phun tiêu độc khử trùng, kiểm tra các giấy tờ liên quan đến nguồn hàng, niêm phong kẹp chì, thẻ tai (trâu bò) kiểm tra lâm sàng động vật và đóng dấu xác nhận trước khi cho đi qua địa bàn.
Với những lái xe cố tình vượt trạm, lực lượng trạm trước sẽ điện báo ngay cho trạm sau (cách nhau khoảng 70 km) phối hợp với lực lượng CSGT dừng xe kiểm tra và yêu cầu thực hiện đúng Luật Thú y.
Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi Thú y Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm 2021, sản phẩm chăn nuôi được giết mổ, chế biến, tiêu thụ trong địa bàn tỉnh gồm gần 380 nghìn con lợn thịt; 15 nghìn con trâu bò... đơn vị đã kiểm dịch động vật trên 4,1 nghìn con trâu bò; trên 162 nghìn con Lợn... vận chuyển ra ngoại tỉnh.
Dịch tả lợn Châu Phi có nguy cơ lây lan ra diện rộng
Hiện cả nước có 516 ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày tại 127 huyện, của 32 tỉnh, thành phố. Trong đó, 4 tỉnh Bắc Trung Bộ là Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 47 huyện, buộc phải tiêu hủy trên 44,6 nghìn con lợn.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã phát hiện và xử lý 2 trường hợp vi phạm trong vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm. Xử phạt vi phạm hành chính số tiền 9.500.000 đồng, tiêu hủy 240 con lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.