| Hotline: 0983.970.780

Chuyên gia Trung Quốc hiến kế bảo vệ giun đất khỏi nạn kích điện

Chủ Nhật 15/10/2023 , 08:00 (GMT+7)

Tiến sĩ Trần Năng Xương đã nêu bật tầm quan trọng của giun đất trong nông nghiệp và y tế, đồng thời đề xuất giải pháp bảo vệ loài sinh vật này.

Giun đất có vai trò là 'kỹ sư hệ sinh thái' giúp đất màu mỡ và cải thiện năng suất cây trồng.

Giun đất có vai trò là 'kỹ sư hệ sinh thái' giúp đất màu mỡ và cải thiện năng suất cây trồng.

Trung Quốc, việc bắt giun đất bằng kích điện đã trở nên phổ biến khi nhiều người dùng mạng xã hội nước này khẳng định đã “phát tài” bằng công việc này.

Tuy nhiên, hành vi này đã được đề cập trong "Nghị quyết Trung ương Số 1 năm 2023". Trong phần tăng cường xây dựng đất nông nghiệp chất lượng cao, Nghị quyết nêu rõ “Đảng sẽ nghiêm túc trấn áp các hành vi phá hoại đất như kích điện bắt giun đất".

Việc đưa vấn đề kích điện bắt giun đất vào một văn kiện quan trọng như vậy phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn của Trung Quốc đối với giun đất và sinh thái đất. Loại sinh vật này cũng được đưa vào Khảo sát Đất Quốc gia lần thứ ba triển khai từ năm 2022 và dự kiến sẽ công bố trong năm 2025.

Tại sao giun đất lại bị săn lùng gắt gao?

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, giun đất còn được gọi là "địa long". Trong một cuốn bách khoa toàn thư từ thế kỷ 16 về y học cổ truyền Trung Quốc, “địa long” giúp thúc đẩy lưu thông máu, làm suy giảm cục máu đông và khai thông kinh mạch trong cơ thể". Bởi vậy, giun đất thường được dùng làm thuốc ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để điều trị huyết khối và đông máu cục bộ.

Trong những năm gần đây, việc phát hiện ra lumbrokinase, một loại enzyme có khả năng làm suy giảm cục máu đông, trong giun đất cũng đã khiến sinh vật này này được đưa vào điều trị trong y học phổ thông với các bệnh về tim mạch.

Nhu cầu về giun đất trong cả đông y và tây y trong những năm qua đã biến việc bắt giun thành một nghề làm giàu nhanh chóng ở các vùng nông thôn của Trung Quốc.

Dược điển Trung Quốc 2020 chỉ công nhận 4 loài giun đất phù hợp để sử dụng làm thuốc bao gồm: Pheretima aspergillum (E.Perrier), Pheretima vulgaris Chen, Pheretima guillelmi (Michaelsen) và Pheretima pectinifera Michaelsen. Thông thường, việc nuôi giun đất có thể tạo ra nguồn cung cấp sinh vật năng suất và ổn định hơn. Tuy nhiên vì những loài đặc biệt này rất năng động và có khả năng thoát khỏi không gian nuôi giữ, việc nuôi chúng gần như là không thể. Và mặc dù có nhu cầu rất lớn, song giun đất được sử dụng trong y tế vẫn chủ yếu được bắt ngoài tự nhiên.

Trước đây, việc bắt giun đất được thực hiện bằng tay rất tốn rất nhiều công sức, mà năng suất tối đa chỉ có 5 kg/ngày. Hiện nay, "máy kích điện giun đất" được bán tràn làn trên thị trường có thể truyền lượng điện tích nhỏ vào đất ẩm nhằm kích thích da của giun đất, buộc chúng phải ngoi lên để thở. Phương pháp này có thể tăng năng suất lên gấp mười lần.

Tuy nhiên, sự bùng nổ trong việc sử dụng kích điện để bắt giun đã khiết loài sinh vật này ngừng sinh sản, và cũng đã làm hỏng hệ sinh thái đất. Đó là lý do tại sao Nghị quyết Trung ương số 1 cấm hành vi này.

Mặc dù “địa long” được sử dụng rộng rãi cho mục đích y tế, song vẫn có những rủi ro cho sức khỏe từ việc sử dụng giun đất. Loài động vật không xương sống này hấp thụ các chất ô nhiễm từ môi trường bên ngoài, bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã phát hiện trong cơ thể của giun đất có chứa nồng độ kim loại nặng tương đối cao. Dữ liệu từ Khảo sát Ô nhiễm Đất Quốc gia năm 2014 cho thấy 16,1% tổng số mẫu vật mẫu chứa kim loại nặng vượt quá tiêu chuẩn và trên đất canh tác, con số này tăng lên 19,4%. Khi giun đất được sử dụng làm thuốc hoặc làm thực phẩm, những kim loại nặng trong giun đất có thể tích tụ trong cơ thể người sử dụng.

Một nhân viên tại cơ sở nuôi giun trình diễn dùng kích điện bắt 'địa long'

Một nhân viên tại cơ sở nuôi giun trình diễn dùng kích điện bắt "địa long"

Vai trò của giun đất trong nông nghiệp

Săn bắt một lượng lớn giun đất để sử dụng làm thuốc không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe con người mà còn tác động tiêu cực đến độ bền của đất và môi trường sinh thái.

Khoảng 4.000 loài giun đất được ghi nhận trên thế giới, trong đó 306 loài được tìm thấy ở Trung Quốc. Nhận ra tầm quan trọng của chúng trong thế giới tự nhiên, các học giả đã quan sát chúng trong nhiều thế kỷ.

Charles Darwin, cha đẻ của thuyết tiến hóa, đã quan sát và thí nghiệm trên giun đất trong 40 năm. Ông đã xuất bản cuốn sách cuối cùng của mình, "Sự hình thành nấm mốc thực vật thông qua hoạt động của giun", vào năm 1881. Darwin ước tính rằng trên 0,4ha đất, giun đất có thể "cày" ít nhất 9 tấn đất mỗi năm, làm dày lớp ban đầu lên một nửa trong một thập kỷ, điều cải thiện đáng kể năng suất cây trồng và làm giàu cho đất.

Ngày nay, các nhà khoa học thậm chí còn nghiên cứu sâu hơn về giun đất. Loài động vật này có đóng góp quan trọng cho hệ sinh thái và lợi ích của con người. Trong đó, chúng góp phần hình thành và phát triển cấu trúc của đất, hàm lượng nước, phân phối chất dinh dưỡng và khả năng điều hòa khí hậu. Chúng thậm chí còn giúp giảm ô nhiễm đất.

Do vậy, chúng cần được coi là "sinh vật chủ chốt", có ảnh hưởng lớn đến môi trường tự nhiên và là "kỹ sư của hệ sinh thái", tạo ra môi trường sống vi mô cho các sinh vật khác. Nói tóm lại, tác động của chúng đối với hệ sinh thái đất là vô cùng lớn.

Giun đất đóng ba vai trò quan trọng trong hệ sinh thái: hấp thụ, phân hủy và điều biến. Chúng hấp thụ tàn dư thực vật và lá rụng, và bài tiết ra khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác. Giun đất cũng có ảnh hưởng đến các đặc tính vật lý của đất, chẳng hạn như mật độ khối, độ xốp và độ ổn định qua việc liên tục đào các đường hầm. Chúng cũng cải thiện chất dinh dưỡng sẵn có trong đất bằng cách ổn định các bon hữu cơ của đất.

Bằng cách thay đổi các thành phần của các cộng đồng vi sinh vật bên trong của chúng, giun đất gián tiếp cải thiện tính chất hóa học của đất. Chúng biến đổi cấu trúc đất, tạo ra một môi trường thuận lợi cho hoạt động của vi sinh vật trong đất, cũng như điều chỉnh số lượng và hoạt động của vi sinh vật trong đất.

Khi làm như vậy, chúng làm phong phú thêm sự phát triển của thực vật. Theo một cuốn sách của giáo sư côn trùng học Clive A. Edwards, giun đất có lợi cho sự phát triển của thực vật theo 5 cách: Kiểm soát sâu bệnh, kích thích vi khuẩn đất sống cộng sinh với thực vật, sản xuất chất điều hòa sinh trưởng thực vật, cải thiện cấu trúc đất và tăng lượng chất dinh dưỡng sẵn có.

Trên đất nông nghiệp, giun đất đóng vai trò trực tiếp trong việc tăng năng suất cây trồng, theo đánh giá của các nghiên cứu xem xét mối quan hệ giữa giun đất và ba loại cây trồng chính trên toàn cầu là ngô, gạo và lúa mì, cùng các loại thực phẩm khác. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng sự hiện diện của giun đất trong các hệ sinh thái như vậy giúp năng suất cây trồng trung bình tăng 25% và lượng chất hữu cơ thực vật tăng 23%.

Máy kích điện dùng để bắt giun đất.

Máy kích điện dùng để bắt giun đất.

Làm thế nào để bảo vệ giun đất?

Số lượng giun đất và đa dạng sinh học đất nói chung đã giảm mạnh ở Trung Quốc vì xu hướng nông nghiệp hiện đại sử dụng nhiều phân bón và thuốc trừ sâu. Việc "bảo vệ giun đất" được đưa vào Nghị quyết Trung ương số 1 đã giúp nhiều người chú ý hơn đến mối quan hệ giữa phát triển nông nghiệp và đa dạng sinh học.

Tầm quan trọng của quyết định cấm bắt giun đất bừa bãi là không phải bàn cãi. Đồng thời, cần có những nghiên cứu khoa học và toàn diện về mối quan hệ giữa giun đất, sức khỏe con người, đất và nông nghiệp và sau đó, tiến hành thực hiện các mục tiêu đề ra để bảo vệ giun đất.

Trong đó, việc tiến hành khảo sát các loài giun đất và môi trường sống là rất quan trọng. Ở Trung Quốc, các cuộc khảo sát về quần xã sinh vật đất còn rất hạn chế và chưa có nhiều bài báo liên quan được xuất bản. Cuộc khảo sát đất quốc gia lần thứ ba, kết quả dự kiến được công bố vào năm 2025, dự kiến sẽ xác định sự phân bố của các loài giun trong đất canh tác tại các khu vực khác nhau, song giới chức Trung Quốc cũng cần phải khởi động các nghiên cứu về môi trường sống của giun đất ngoài đất canh tác.

Ngoài ra, chính phủ có thể xem xét ban hành "Đạo luật Bảo vệ Sinh vật Đất". Khoảng 1/4 các sinh vật sống trên trái đất sống trong lòng đất và giun đất đóng một phần quan trọng trong quá trình tiến hóa của các loài khác. Bởi vì hiện chưa có quy định pháp luật nào chính thức được ban hành nhằm bảo vệ giun đất, cuộc chiến nhằm ngăn chặn việc bắt giun đất bằng kích điện đang vô cùng khó khăn.

Vấn đề kim loại nặng vượt ngưỡng trong giun đất được sử dụng trong y học cũng cần được quan tâm. Hiện nay, giun đất ở một số khu vực có mức độ kim loại nặng vượt quá giới hạn, đặc biệt là ở số giun đất đánh bắt tự nhiên. Việc cấm sử dụng kích điện bắt giun đất cần phải được tăng cường để bảo vệ cả hệ sinh thái đất, sức khỏe và an toàn của con người. Khả năng nuôi và điều chỉnh 4 loài “địa long” cần được nghiên cứu, do tiềm năng lớn của chúng y học lớn, đồng thời cần tìm ra cách làm thế nào để giun đất không bị nhiễm kim loại nặng.

Phát triển nông nghiệp sinh thái cũng là nền tảng giải quyết vấn đề này. Trung Quốc hiện đang nỗ lực chuyển đổi từ công nghiệp hóa nông nghiệp sang nông nghiệp sinh thái. Chỉ khi giảm sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, và tăng cường bảo vệ chuỗi sinh thái, số lượng giun đất trong đất canh tác mới có thể tăng trở lại. Chỉ khi đó, giun đất mới có thể tiếp tục đóng vai trò là “kỹ sư hệ sinh thái, phân bón đất và hơn thế nữa”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất