| Hotline: 0983.970.780

Trang trại lợn thi nhau mọc lên gây quan ngại về môi trường

Thứ Ba 21/11/2023 , 15:33 (GMT+7)

NGHỆ AN Hàng loạt dự án nuôi lợn quy mô được đưa về xã Giai Xuân, Tân Kỳ với tổng diện tích gần trăm ha, làm dấy lên mối quan ngại lớn về ô nhiễm môi trường.

UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận triển khai một số dự án chăn nuôi lợn quy mô lớn trên đất Giai Xuân. Ảnh: Việt Khánh.

UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận triển khai một số dự án chăn nuôi lợn quy mô lớn trên đất Giai Xuân. Ảnh: Việt Khánh.

Giai Xuân là xã miền núi của huyện Tân Kỳ, thời gian qua nổi lên là điểm đến tiềm năng, hút các doanh nghiệp “đại bàng” trong ngành chăn nuôi cả nước. Sau khi đề đạt nguyện vọng, một số dự án đã được tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư và bắt tay vào xây dựng.

Tính ra, tổng quỹ đất để thực hiện các dự án này lên đến gần 100ha, công tác giải phóng mặt bằng mất rất nhiều thời gian do số đông các hộ liên đới không “ưng bụng”, chưa kể trong đó nhiều diện tích đất rừng buộc phải tiến hành chuyển đổi. Nhiều lực cản kéo theo tiến độ không như kế hoạch đề ra, thành thử một số dự án buộc phải gia hạn.

Đầu tiên, phải kể đến dự án trang trại sinh thái hỗn hợp chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất giống cây trồng Giai Xuân của Công ty CP Greenfoods Tân Kỳ, được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận chủ đầu tư tại Quyết định số 168/QĐ-UBND.

Dự án có tổng diện tích gần 23ha, công suất khoảng 50.000 lợn thịt/năm (25.000 lợn thịt/ lứa), thời gian hoạt động trong 50 năm, kinh phí thực hiện khoảng 138 tỷ đồng, đáng nói vốn tự có của doanh nghiệp chỉ chiếm 20,29% tổng vốn đầu tư.

Dự kiến, trang trại khủng sẽ chính thức hoàn thành vào quý IV/2024. Để đảm bảo kế hoạch đề ra, tỉnh Nghệ An yêu cầu UBND huyện Tân Kỳ phải đưa dự án vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, cũng như chỉ đạo UBND xã Giai Xuân điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, huyện Tân Kỳ phải đẩy nhanh quá trình cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng để làm cơ sở cho Công ty CP Greenfoods Tân Kỳ nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn…

Không chỉ có thế, chủ đầu tư của dự án trang trại sinh thái hỗn hợp chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất giống cây trồng Giai Xuân còn được ưu tiên chuyển đổi hơn 6,8ha rừng trồng thuộc quy hoạch rừng sản xuất, vị trí tại khoảnh 1, tiểu khu 844 sang mục đích khác từ cuối năm 2022.

Tổng diện tích phục vụ các dự án gần 100 ha. Ảnh: Việt Khánh.

Tổng diện tích phục vụ các dự án gần 100 ha. Ảnh: Việt Khánh.

Tiếp đó là dự án trang trại chăn nuôi lợn thịt xã Giai Xuân của Công ty CP đầu tư và chăn nuôi Nghĩa Bình (địa chỉ tại xóm Bình Hải, xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn), được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư vào đầu năm 2021.

Mô hình có quy mô gần 25ha, phần lớn là đất nông nghiệp của các hộ gia đình thuộc 4 xóm Kẻ Mui, Vạn Xuân, Vạn Long, Long Thọ khai hoang, sử dụng trước năm 1993.

Dự án đặt ra mục tiêu chăn nuôi 18.000 lợn thịt, trung bình xuất chuồng 3.000 lợn thương phẩm/ tháng. Để hoàn thành cần tiêu tốn khoảng 93 tỷ đồng, số tiền đặt ra rất lớn nhưng chủ đầu tư chỉ có trong tay… 18 tỷ đồng, chiếm khoảng 20%.

Quyết định số 197/QĐ-UBND ngày 22/1/2021 của UBND tỉnh Nghệ An ấn định quý III/2022 dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Tưởng chắc như đinh đóng cột nào ngờ thực tế lại hoàn toàn khác xa, theo ghi nhận, đến thời điểm này doanh nghiệp mới cơ bản hoàn tất công tác san lấp mặt bằng.

Dự án trang trại sinh thái hỗ hợp chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất giống cây trồng Giai Xuân liên quan đến hơn 6,8 ha rừng trồng. Ảnh: Việt Khánh.

Dự án trang trại sinh thái hỗ hợp chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất giống cây trồng Giai Xuân liên quan đến hơn 6,8 ha rừng trồng. Ảnh: Việt Khánh.

Đáng chú ý, trong Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này, Bộ TN-MT có đề cập “khả năng tác động xấu đến môi trường” (nước thải phát sinh từ quá trình nuôi heo có thể gây ô nhiễm nguồn nước mặt, mùi hôi từ khu vực chăn nuôi heo, ép phân và lưu trữ phân, bể biogas, lò đốt xác heo có thể gây ô nhiễm môi trường không khí…).

Dự báo tác động môi trường chính, chất thải phát sinh theo các giai đoạn (mùi hôi, khí thải từ quá trình xử lý nước thải; mùi hôi từ quá trình lưu giữ chất thải; mùi hôi từ công đoạn xử lý phân, bùn thải, từ hệ thống xử lý nước thải và hầm biogas)… từ đây thấy rằng nguy cơ “bức tử” môi trường là hoàn toàn có thể.

Dự án trang trại chăn nuôi lợn thịt xã Giai Xuân của Công ty CP đầu tư và chăn nuôi Nghĩa Bình mới cơ bản hoàn tất công tác san lấp mặt bằng. Ảnh: Việt Khánh.

Dự án trang trại chăn nuôi lợn thịt xã Giai Xuân của Công ty CP đầu tư và chăn nuôi Nghĩa Bình mới cơ bản hoàn tất công tác san lấp mặt bằng. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Giai Xuân khẳng định việc triển khai nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn là cơ hội để địa phương phát triển kinh tế và thay đổi diện mạo, ngược lại cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là xoay quanh vấn đề ô nhiễm.

Cả người dân và chính quyền đều lo ngại, băn khoăn. Nếu doanh nghiệp tuân thủ đúng quy trình, không làm ảnh hưởng đến môi trường, hoặc trong phạm vi cho phép thì chẳng nói làm gì, bằng không sẽ rất vất vả.

Tệ nhất trong các dự án chăn nuôi lợn tại xã Giai Xuân phải gọi tên trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của Công ty TNHH Nhật Hà Nghệ An. Công ty này thuộc diện tiên phong (được chấp thuận chủ trương từ tháng 11/2020) nhưng rốt cuộc lại đi sớm về muộn.

“Vẽ” ra dự án khá hoành tráng với quy mô hàng chục ha nhưng chủ đầu tư không mấy mặn mà, điều này khiến chính quyền địa phương và người dân tại xóm Bàu Xanh, nơi dự kiến triển khai càng thêm phần bức xúc. Công tác giải phóng mặt bằng rơi vào tình trạng đóng băng, dự án đến nay không hẹn ngày cán đích.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.